(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối tháng 8, thời tiết xứ Thanh trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu, khiến con người ta muốn tìm đến những chốn bình yên, thanh tịnh. Đến thăm và trải nghiệm ở Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) để vãn cảnh, dâng hương và nghe kể về những sự tích của điểm đến, cảm giác sự thanh bình, yên ả ấy như được nhân lên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trải nghiệm ở Diêm Phố

Những ngày cuối tháng 8, thời tiết xứ Thanh trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu, khiến con người ta muốn tìm đến những chốn bình yên, thanh tịnh. Đến thăm và trải nghiệm ở Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) để vãn cảnh, dâng hương và nghe kể về những sự tích của điểm đến, cảm giác sự thanh bình, yên ả ấy như được nhân lên.

Ngôi chùa bình yên giữa lòng “phố cổ”

Nhắc đến xã Ngư Lộc, đây là một địa phương miền biển nổi bật nhất của xứ Thanh, nổi tiếng với mật độ dân số cao. Hiện nay, dân số của xã xấp xỉ 18.000 người, thế nhưng diện tích đất ở chỉ vỏn vẹn 0,47km2, tính ra, mật độ dân số của xã biển này là trên 36.000 người/km2. Như vậy, mật độ dân số ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần so với Hà Nội và 8,25 lần so với TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2. Cũng vì đất chật người đông mà đường sá ở xã miền biển Thanh Hóa này chật hẹp chẳng khác gì phố cổ ở Hà Nội. Đường dẫn đến trung tâm xã chỉ rộng độ 2 - 3m, còn những con ngõ thì chỉ rộng tầm hơn 1m. Nếu đến Ngư Lộc vào ngày lễ hay buổi sáng cuối tuần thì chuyện tắc đường là điều rất phổ biến. Một điểm đặc biệt nữa mà người ở xa sẽ ngạc nhiên khi đến thăm làng biển này là nhà mọc san sát nhau, khang trang hơn hẳn các xã lân cận.

Đến đây, bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc Lễ hội Cầu Ngư; Diêm Phố còn một quần thể di tích nghè - chùa - phủ - miếu hết sức độc đáo. Nét độc đáo thể hiện trước hết ở sự “tích hợp” của các kiến trúc thờ thần và thờ phật ngay trong một không gian. Sự hài hòa của các kiến trúc đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc quan niệm cùng cái nhìn rất thoáng, không câu nệ của cư dân nơi đây về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôi trở về Diêm Phố trong một ngày mưa cuối tháng 8, vãn cảnh chùa Liên Hoa (Liên Hoa Tự). Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, có quy mô khiêm tốn trong một quần thể kiến trúc rộng khoảng 2 sào Trung Bộ, bao gồm: Nghè thờ Tứ Vị Thánh Nương, Chùa Liên Hoa, Đền thờ Đức Ông và Miếu thờ chung 344 người làng Diêm Phố tử nạn trong trận bão năm 1931. Mặt của khu kiến trúc hướng ra biển, có Tam Quan đồ sộ. Từ cổng Tam Quan trở vào có con đường lớn chạy đến cửa đền, chia đôi khu di tích này thành hai phần, có các đường xương cá để vào nghè, đền, chùa, miếu. Bước chậm giữa không gian thanh tịnh, du khách mới cảm nhận được phần nào giá trị của điểm đến. Phía sau khung cảnh chật chội của một vùng quê ven biển và nhịp sống trên bến dưới thuyền là một điểm đến rất bình lặng, an yên, mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng và đậm đà sắc thái biển xứ Thanh.

Du khách đến thăm chùa Liên Hoa, làng Diêm Phố.

Nhắc đến cái tên Diêm Phố, hẳn nhiều du khách nghe thôi đã cảm thấy tò mò, đặc biệt, tạo cho người ta cảm giác vừa thân quen, gần gũi, vừa nhẹ nhàng, giản dị. Làng Diêm Phố (nay là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cách đây chừng 8 thế kỷ, được những cư dân đầu tiên dựng lên ngay sát mép nước biển, trên đất xứ Cồn Bò và cạnh cửa sông Lạch Trường. Theo lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ, thì Diêm Phố là tên chữ - một cái tên gắn liền với quá trình lịch sử suốt mấy trăm năm, kể từ thời nhà Lê. Dựa trên Hán tự ký âm, thì “Diêm” nghĩa là muối, còn “Phố” nghĩa là bến nước, bãi sông, ở đây có thể hiểu là “nại muối”. Cách lý giải này cũng đúng với đặc điểm địa lý (nằm sát bờ biển) và nghề nghiệp (làm muối, đánh cá) của làng, mà dựa vào đó, người xưa đã định danh cho vùng đất.

Phát triển trở thành điểm đến văn hoá tâm linh hấp dẫn

Được mệnh danh là vùng biển đặc trưng nhất của cả nước, cùng với chùa Liên Hoa, làng Diêm Phố, các điểm đến văn hoá tâm linh ở đây đều nằm trong mối liên hệ khăng khít cùng hệ thống di tích, tín ngưỡng khác như: cụm di tích Nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố. Tất cả các di tích đều tọa lạc trên một hệ thống khuôn viên rộng khoảng 1.000 m2. Mỗi di tích lại có truyền thuyết lịch sử và gốc tích khác nhau.

Cùng với tín ngưỡng tâm linh ở cụm di tích Diêm Phố thì ở Ngư Lộc còn có một di tích đóng vai trò quan trọng đối với người đi biển: đền thờ Đức vua Thông Thủy đảo Nẹ Sơn nằm trên đảo Nẹ (cách đất liền Ngư Lộc khoảng 5 km). Theo sách Đại Nam nhất thống chí “vào thời xa xưa ngoài cửa biển Y Bích thuộc huyện Hậu Lộc nổi lên một hòn đảo có ngọn núi cao vút, thuyền bè hay đi đánh bắt qua lại trông thấy mà biết cửa biển Y Bích và bến đỗ của thuyền”, về sau nhân dân trong làng đặt tên cho nơi đây là đảo Nẹ Sơn. Tương truyền, đảo Nẹ Sơn xưa kia khá rộng, có một hang sâu trên đảo. Một ngày kia, ngư dân đi biển tình cờ phát hiện thấy một thi thể người đàn ông. Thương xót cho số phận bất hạnh, họ đã cùng nhau đắp cho ông nấm mồ và mỗi khi có việc qua lại thường dừng thuyền lên đảo thắp hương. Chẳng biết trùng hợp hay sự linh ứng, ngư dân nhận ra những chuyến vươn khơi dường như may mắn, thuận lợi hơn. Cho rằng, đó là vị thần nhà trời được phái xuống nhằm giúp đỡ người đi biển, nên họ đã cùng nhau lập đền, hương khói phụng thờ. Bắt đầu cho mỗi chuyến đi, tàu thuyền đều qua đảo Nẹ dâng hương, cầu xin may mắn. Thần Nẹ Sơn từng được vua triều Nguyễn sắc phong Thượng đẳng thần. Và trong Lễ hội Cầu Ngư, kiệu thần Nẹ Sơn được trang trọng rước vào đất liền để cùng tham gia lễ hội.

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố. (Ảnh: Bùi Trang)

Đến với vùng đất Ngư Lộc trong mùa lễ hội đầu năm, du khách còn có thể tham gia vào Lễ hội Cầu Ngư (22 - 24/2 âm lịch) - một lễ hội lớn, đặc biệt có giá trị trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển Thanh Hóa. Cuối năm 2017, Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trải qua nhiều thế kỷ, những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã trở thành tâm thức sâu đậm trong nhân dân, được toàn thể cộng đồng thực hành và bảo vệ. Đây là lễ hội truyền thống giàu tính văn hóa tâm linh và nhân văn của ngư dân vùng biển, thu hút hàng nghìn lượt người từ các xã ven biển Thanh Hóa tham gia. Đây cũng là dịp để ngư dân xã Ngư Lộc cùng nhau tập hợp lại, nắm tay nhau thể hiện quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường và góp phần giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói rằng, nét đẹp tín ngưỡng tâm linh của điểm đến Liên Hoa Tự nói riêng, cộng đồng dân cư vùng biển Diêm Phố nói chung được đan xen bởi những truyền thuyết huyền ảo và niềm tin có phần kỳ bí. Thật khó để đưa ra lời lý giải cho sự phối thờ các vị thần trong đời sống tâm linh của ngư dân Diêm Phố, nhưng, ở góc độ nhân sinh, phải chăng các thế hệ người dân biển hiểu rằng, mưu sinh dựa vào biển cả vốn không phải sự dễ dàng. Tín ngưỡng tâm linh suy cho cùng cũng chính là khát vọng được chung sống hòa bình với thiên nhiên, vạn vật trong vũ trụ của loài người.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]