[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Vượt lên những trở ngại nơi rừng xanh núi thẳm, anh Phạm Ngọc Thanh đã nuôi thử nghiệm thành công giống cá tầm bằng nguồn nước suối Sủa, mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế - xã hội ở xã Sơn Điện (Quan Sơn).

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Đến giờ ở xã Sơn Điện, vẫn còn không ít người hoài nghi giống cá tầm có thể phát triển được ở nơi này. Bởi cá tầm được xem là loại cá quý, thuộc dòng “cá quý tộc” có giá trị kinh tế cao, môi trường sống yêu cầu nguồn nước không ô nhiễm với nhiệt độ lạnh, nước chảy liên tục giàu oxi hoà tan, người nuôi cần am hiểu kỹ thuật và dày công chăm sóc...

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Suối Sủa được anh Thanh xem là nơi phù hợp để nuôi thử nghiệm cá tầm.

Anh Phạm Ngọc Thanh là người địa phương khác. Anh kết hôn với chị Lương Thị Lực, năm 2015 về bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện quê vợ để sinh sống, lập nghiệp.

Thấy nơi này có nguồn tre, vầu dồi dào, anh chị vay vốn đầu tư mở xưởng làm tăm đũa tre, giải quyết việc làm trực tiếp cho 18 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 5 triệu - 6 triệu đồng/người/tháng. Khi dịch COVID-19 hoành hành, xưởng của vợ chồng anh Thanh vẫn duy trì sản xuất bình thường, cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Năm 2020, anh Phạm Ngọc Thanh tiến hành nuôi thử nghiệm cá tầm. Khi đó, trên khu ruộng Hôn Hoong sâu trong lòng núi, bên dòng suối Sủa trong veo, Thanh hì hục chở từng viên gạch, bao xi măng, xe cát trên con đường mòn lởm chởm đá sỏi xây bể nuôi cá. Nhiều người xem việc làm của chàng trai sinh năm 1989 này là chuyện lạ, thậm chí chê bai.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

“Ngày ấy nhiều lần đi làm về vào suối Sủa tắm, thấy nước trong nhìn tận đáy, lại lạnh, tôi nghĩ với điều kiện như vậy có thể nuôi được cá tầm. Sẵn có kinh nghiệm, tôi quyết định xây bể dung tích 25m3, mua 1.000 cá giống về nuôi thử nghiệm. Số tiền bỏ ra đầu tư không phải ít, bấy giờ cả nhà ai cũng phản đối, nhưng với kiến thức, hiểu biết về cá tầm và lòng quyết tâm, tôi cũng thuyết phục được gia đình và thành công như hiện nay”, anh Thanh tâm sự.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Theo các chuyên gia, cá tầm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, cung cấp nhiều dưỡng chất cho bà mẹ đang mang thai và trẻ em. Cá tầm còn cung cấp hàm lượng đáng kể các dưỡng chất có lợi cho hoạt động não bộ con người và làm đẹp như Protein, Niacin, Vitamin A, omega 3 và omega 6. Ngoài ra, sụn cá tầm còn được sử dụng để bào chế ra các loại thuốc có lợi cho xương khớp, giúp phát triển chiều cao của trẻ em, phục hồi khớp xương của người già. Bởi thế mà loại cá này có giá trị kinh tế cao.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Có điều con cá tầm đòi hỏi điều kiện sống rất khắt khe. Nguồn nước phải sạch và có dòng chảy. Nhiệt độ thích hợp là từ 18 - 23 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn nữa cá sẽ tích mỡ, chậm lớn, còn cao hơn thì không phát triển và tồn tại được.

Anh Thanh bộc bạch: “Nuôi cá tầm khó hơn chăm con mọn. Bởi người nuôi phải cho cá ăn và chăm sóc theo định kỳ thời gian sinh trưởng. Con cá tầm từ khi là cá giống đến khi trưởng thành cá thương phẩm (đạt trọng lượng từ 1,7 - 3,5kg/con) thường phải qua từ 12 - 16 tháng. Cá hoạt động mạnh về đêm, nên người nuôi phải xác định vất vả”.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Anh Thanh cho biết, tới đây sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại, đạt sản lượng mỗi năm 16 tấn cá tầm thương phẩm.

Ngày bắt đầu nuôi thử, 2 tháng đầu đời cá giống ở hẻm sâu trong lòng núi heo hút, nơi chỉ có ánh đèn tù mù, anh Thanh vẫn cần mẫn chăm sóc cá.

Anh nói: “Cá giống cứ cách 2 giờ đồng hồ phải cho ăn một lần vào ban đêm. Cho cá ăn xong mình lại tranh thủ chợp mắt. Nhiều hôm mệt quá phải đặt đồng hồ báo thức mới dậy được. Cũng may, cá càng lớn, mật độ cho ăn càng thưa”.

Có những sáng thức dậy, trở lại nhà xưởng, người anh đờ đẫn, hai quầng mắt thâm đen. Nhưng rồi, nhìn cá lớn nhanh, lại ít bệnh, mọi mệt nhọc trong anh như tan biến.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Đến khi cá đạt trong lượng trên 1 kg/con, anh Thanh mời mọi người đến tham quan khu “trại hoang” bên dòng suối Sủa. Thành công với đàn cá quý, từ đó người ở bản Xuân Sơn đều biết đến anh, rồi “tiếng thơm” vang khắp vùng, anh là người đầu tiên nuôi thành công và là “người hùng” mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương bằng nuôi loài cá nước lạnh này.

Sau thành công nuôi thử nghiệm, giờ đây con cá tầm trên suối Sủa đã trở thành thực phẩm đến với các nhà hàng lớn nhỏ trên địa bàn huyện Quan Sơn với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Tuy là lứa thử nghiệm, nhưng qua lần nuôi này, anh Thanh đã tích cóp thêm kinh nghiệm và chút ít tiền lãi. Nhưng điều làm anh vui hơn là bởi mình đã chứng minh được, ở Sơn Điện có thể nuôi được cá tầm, có thể thu tiền tỷ mỗi năm.

[E-Magazine] - Người đưa cá tầm lên suối Sủa

Thịt cá tầm có thể được chế biến với nhiều món ăn khác nhau.

Hiện nay, anh Thanh đã đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng đề xây dựng khu trang trại với 4 bể nuôi, dung tích 400 m3 nước, có điện sáng, nhà quản lý. Ở tất cả bể nuôi đều có hệ thống dẫn và thoát, tạo môi trường nước chảy, có thể nuôi 16.000 con cá tầm/vụ. Anh cũng thuê 2 lao động địa phương làm việc tại đây với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cá tầm ở Sơn Điện được Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Lương Tiến Thành đánh giá tích cực. Ông nói: Huyện đã xem xét và thống nhất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển mô hình này.

Tuy rằng vẫn còn nhiều khó khăn ở nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng rồi với tinh thần dám nghĩ dám làm, tin rằng Phạm Ngọc Thanh sẽ thành công, để con cá tầm mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Đỗ Đức - Hà Hiếu

Xuất bản: 5:03:12:2021:10:09

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM