(vhds.baothanhhoa.vn) - Hôm nay (19/8), hơn 85.000 học sinh Thanh Hóa tựu trường năm học 2019 - 2020. Ngành GD&ĐT, các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới với mục tiêu tập trung nâng cao kỷ cương nền nếp, đạo đức, lối sống, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới

Hôm nay (19/8), hơn 85.000 học sinh Thanh Hóa tựu trường năm học 2019 - 2020. Ngành GD&ĐT, các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới với mục tiêu tập trung nâng cao kỷ cương nền nếp, đạo đức, lối sống, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Các trường học đang tích cực chỉnh trang lại cơ sở vật chất cho năm học mới.

Vững tin bước vào năm học mới

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, ngay từ đầu hè, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo phòng GĐ&ĐT các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục trực thuộc rà soát lại trường lớp, trang thiết bị dạy và học, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tu sửa, hoàn thiện các công trình xây dựng trường, lớp để đón học sinh đến trường ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho năm học mới.

Tại huyện Như Thanh, bằng nguồn ngân sách và đóng góp của nhân dân, nhiều địa phương đã được xây dựng, sửa chữa các trường học hiện đại, theo hướng chuẩn quốc gia. Trong năm 2019, toàn huyện đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để đảm bảo cơ sở vật chất cho cả năm học. Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, huyện Như Thanh đã có hàng trăm phòng học được tu sửa, nhiều công trình, trường, lớp học được làm mới, các trường trồng thêm nhiều cây xanh, cây cảnh, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, vui chơi của học sinh. Toàn huyện có 39/52 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, đạt tỷ lệ 75%, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh khu vực miền núi về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020 tại huyện miền núi Thạch Thành cũng đã hoàn tất. Ông Nguyễn Văn Dĩnh - Trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Thành cho biết: Đến thời điểm này, cả 3 cấp học của toàn huyện đã được chuẩn bị tốt cho năm học mới. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục mũi nhọn, toàn ngành quyết tâm chất lượng GD&ĐT phải được giữ vững trong top 10 toàn tỉnh ở tất cả các bậc học.

Bước vào năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Hà Trung đã chỉ đạo các nhà trường sau khi rà soát cơ sở vật chất thì tham mưu cho chính quyền sở tại đầu tư cơ sở vật chất, lên kế hoạch kêu gọi xã hội hóa...Trên tinh thần đó, Trường Tiểu học Hà Hải (Hà Trung) đã kêu gọi được học sinh cũ của nhà trường đầu tư một công trình vệ sinh với tổng trị giá 236 triệu đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2019 - 2020.

Ông Nguyễn Trần Vinh - Hiệu trưởng Trường TH Hà Hải cho biết thêm: UBND xã Hà Hải cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm cho nhà trường một số phòng chức năng thay thế cho dãy nhà cấp 4 cũ đã xuống cấp của nhà trường, ngoài ra, xã cũng sẽ đầu tư thêm hệ thống tường rào bao quanh trường.

Vẫn còn nhiều khó khăn...

Ông Nguyễn Văn Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hà Trung, cho biết: Là huyện có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tương đối cao với 89,3%, tuy nhiên, chủ yếu là chuẩn trong giai đoạn 2000-2010, với tiêu chuẩn thấp hơn và đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp. Ngoài ra, một khó khăn khác của huyện Hà Trung là tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng ở bậc học mầm non. So với biên chế tỉnh giao huyện hiện thiếu 118 biên chế giáo viên mầm non. Còn so với nhu cầu thực tế thì con số thiếu lên tới hơn 200 giáo viên. Để đảm bảo giáo viên cho năm học mới, huyện Hà Trung rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, cho huyện bổ sung thêm giáo viên mầm non.

Tình trạng thiếu giáo viên bậc học mầm non cũng là thực trạng đang diễn ra tại huyện Vĩnh Lộc.

Trước năm học mới 2019 - 2020, những khó khăn của ngành GD&ĐT huyện Tĩnh Gia vẫn tập trung chủ yếu ở 2 vấn đề chính là cơ sở vật chất và thiếu giáo viên.

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tĩnh Gia cho biết: Tình trạng thiếu phòng học vẫn diễn ra tại các xã ở Khu kinh tế Nghi Sơn (12 xã nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn) chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Do nằm trong vùng quy hoạch nên nguồn lực của các địa phương đầu tư cho cơ sở hạ tầng nói chung và giáo dục nói riêng rất hạn chế. Tại Trường TH Hải Thượng (xã Hải Thượng) có 40 lớp nhưng chỉ có 24-25 phòng học, trong đó có 6 phòng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trường TH Hải Hà (xã Hải Hà) được xây dựng từ rất nhiều năm về trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng, hiện nay nhà trường vẫn đang phải tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày với 2 lớp 1 phòng.

So với năm học trước, năm học 2019-2020, toàn huyện sẽ tăng 2.647 học sinh, tăng 44 lớp (trong đó mầm non tăng 12 lớp, tiểu học tăng 20 lớp, THCS 8 lớp và TT GDTX-GDNN tăng 1 lớp). Nâng tổng số phòng học bị thiếu của bậc học mầm non lên 120 phòng, tiểu học 8 phòng và THCS thiếu 15 phòng. Nhu cầu giáo viên cần có để đảm bảo giảng dạy số lớp thực tế sau khi đã dồn ghép lớp là 2.586 giáo viên. Số giáo viên còn thiếu là 244 giáo viên (mầm non thiếu 127 giáo viên, tiểu học thiếu 117 giáo viên, THCS thừa thiếu cục bộ) trong đó giáo viên văn hóa tính ở mức tối thiểu 1 giáo viên/lớp.

Tại huyện Lang Chánh vẫn đang phải dạy và học trong những điểm trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng lớp học xuống cấp, nhiều học sinh phải học lớp ghép, phòng học tạm bợ, tranh tre nứa lá. Hiện nay, huyện đang còn 4 điểm trường chưa có phòng học kiên cố, gồm: Điểm Trường Mầm non Sắng Hằng (xã Yên Khương); điểm Trường Tiểu học và THCS Năng Cát (xã Trí Nang); Điểm Trường Tiểu học bản Tráng (xã Yên Thắng); Điểm Trường Tiểu học bản Phá (xã Tam Văn). Ngoài ra, toàn huyện đang thiếu tới 129 phòng của cả 3 cấp học.

Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; giáo dục, bồi dưỡng ý thức, trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, ngành tập trung các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ huy động nhà trẻ đến trường và duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng.

Theo kế hoạch, ngày 5/9, các trường học tổ chức khai giảng. Ngày học chính thức của các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học là 6/9; cấp THCS và THPT là 26/8.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]