(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với cả nước, Thanh Hóa đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) đối với học sinh lớp 1 trong năm học mới này. Mặc dù đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh, song quá trình thực hiện chương trình mới, Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình mới, cần thêm nỗ lực mới

Cùng với cả nước, Thanh Hóa đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) đối với học sinh lớp 1 trong năm học mới này. Mặc dù đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh, song quá trình thực hiện chương trình mới, Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Học sinh hứng thú, giáo viên sáng tạo

Nhận định sách giáo khoa (SGK) mới, cô giáo Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường TH Đông Hưng (TP Thanh Hóa) cho biết: Trường TH Đông Hưng chọn bộ sách “Cánh Diều” đối với các môn văn hóa, còn các môn đặc thù chọn trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” nhằm chú trọng vào việc phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, khích lệ sự hứng thú của các em bằng việc được tương tác nhiều hơn để thể hiện mình. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục này cũng khích lệ sự sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động để cuốn hút học sinh tham gia. Ngoài ra, chất lượng giấy, kênh hình, kênh chữ đẹp mắt, thiết kế sinh động, hấp dẫn học sinh. Với chương trình mới, sách mới, học sinh được chủ động nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động, vì thế học sinh chủ động, tích cực học tập, không khí lớp học sôi nổi, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các em rất vui vẻ, thích thú học tập.

Bên cạch việc thay SGK, cốt lõi của CTGDPTM nằm ở việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Thay vì là người nói như trước đây, giáo viên sẽ là người nghe các em nói và làm. Vì thế, sự linh hoạt, chủ động sáng tạo của giáo viên trong phương pháp giảng dạy sẽ quyết định mỗi tiết học theo chương trình mới đạt hiệu quả tới đâu.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) cho biết: Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... CTGDPTM đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong việc tìm hiểu về bộ sách, nguồn tài liệu. Đồng thời phải huy động vốn kinh nghiệm, kiến thức để làm sao phát huy tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất với phương pháp mới, nhằm tạo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt thông qua các hoạt động, trò chơi, cách tổ chức lớp học...

Vẫn còn những khó khăn, thách thức

Để triển khai CTGDPTM, UBND tỉnh Thanh Hoá đã hỗ trợ hơn 3,8 tỷ đồng để mua SGK lớp 1 cho thư viện của 217 trường tiểu học thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó gần 20.000 học sinh lớp 1 thuộc vùng khó khăn đã có đầy đủ SGK mới để học tập.

Là 1 trong số 13/23 trường TH của huyện Thường Xuân thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1010 của Thủ tướng Chính phủ được cấp SGK, thầy giáo Hoàng Đức Đỉnh - Hiệu trưởng Trường TH Xuân Cẩm, cho biết: Nhà trường đã nhận đủ SGK và cấp phát đủ cho 84 học sinh lớp 1. Tuy nhiên sách bài tập và đồ dùng học tập các em học sinh phải tự mua sắm. Đối với những em có điều kiện thì mua được đầy đủ, nhưng có nhiều em không có điều kiện mua sắm được đầy đủ sách bài tập, đồ dùng... ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.

Một giờ học CTGDPTM của Trường TH Xuân Cẩm (Thường Xuân).

Đồng quan điểm, thầy giáo Phạm Văn Nam - Hiệu trưởng Trường TH Trung Hạ, huyện Quan Sơn cho biết: Một bộ đồ dùng học tập của học sinh có giá từ 200.000 - 250.000 đồng, đối với học sinh miền núi quả thật rất khó khăn. Nếu đồ dùng được cấp toàn bộ cho học sinh thì rất thuận lợi. Hiện tại nhà trường chỉ mới cấp được trên 45% học sinh.

Đối với nhiều trường học khu vực đô thị, các huyện miền xuôi, việc đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, SGK, đồ dùng phục vụ CTGDPTM cũng không kém phần nan giải.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường TH Hoằng Thái (Hoằng Hóa) cho biết: Năm học 2020 - 2021, nhà trường được sự quan tâm của chính quyền địa phương xã Hoằng Thái đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất khu phòng học, khu hiệu bộ, sân trường, sân thể chất, nhà vệ sinh, nhà xe... Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy CTGDPTM như tivi thông minh, máy chiếu. Ngoài ra, nhà trường còn thiếu giáo viên các môn đặc thù như Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc.

Trong công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 của Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với nhà xuất bản và các đơn vị liên quan cung ứng SGK đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đến tay phụ huynh, học sinh trước 15/8, văn bản của bộ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2020 - 2021 trên địa bàn”. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại TP Thanh Hóa, dù học sinh đã đi học được gần hết 2 tuần nhưng nhiều trường học vẫn chưa cung ứng đủ bộ SGK cho học sinh.

Chị Nguyễn Thu Lan, phụ huynh có con học lớp 1 tại TP Thanh Hóa cho biết: "Gần hết tuần thứ 2 của năm học, nhưng con tôi vẫn chưa có đủ bộ SGK để học mặc dù đã đăng ký với nhà trường từ khi trường làm công tác tuyển sinh. Hiện nay, cháu vẫn phải học chung SGK với bạn bên cạnh. Tôi có thể ra hiệu sách để mua cho con, nhưng tôi đã đăng ký mua SGK với nhà trường, nếu đi mua mà sách về, trường lại phát cho con thì thành ra lại lãng phí nên cứ cố chờ".

Tình trạng thiếu cả bộ SGK, hoặc một vài cuốn sách trong bộ SGK đã đăng ký mua với nhà trường là khá phổ biến ở các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa. Do vậy, các nhà trường, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng bổ sung lượng SGK còn thiếu mà phụ huynh đã đăng ký với các nhà trường để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]