(vhds.baothanhhoa.vn) - Không biết chữ, nhiều người dân làng chài ở độ tuổi trung niên thậm chí thanh niên phải lấy tay điểm chỉ thay cho việc cầm bút. Trẻ em dù đã được lên bờ để học con chữ nhưng vẫn còn đó những câu chuyện buồn…

Chuyện con chữ làng chài

Không biết chữ, nhiều người dân làng chài ở độ tuổi trung niên thậm chí thanh niên phải lấy tay điểm chỉ thay cho việc cầm bút. Trẻ em dù đã được lên bờ để học con chữ nhưng vẫn còn đó những câu chuyện buồn…

Chuyện con chữ làng chàiLớp 2C, Trường Tiểu học Xuân Lai, nơi có nhiều học sinh làng chài đang theo học.

Đến đời cháu mới biết chữ

Làng chài Thủy Cơ ở thôn 2, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), hôm nay cũng như mọi ngày, phần lớn chỉ còn các ông, bà già ở nhà. Những người con đã đi làm, các cháu đến trường.

Ở trước sân nhà ông Nguyễn Văn Nhung, một hộ dân làng chài, có kê bộ bàn ghế nhỏ. Ngồi ở đây có thể nhìn ra sông Chu, ngắm tàu thuyền qua lại. Buổi gặp gỡ với ông, chúng tôi cũng ngồi ở chính bộ bàn ghế này và nghe ông kể chuyện một thời sông nước.

Ông có 7 người con thì 6 đứa không biết chữ, duy nhất đứa con út sinh năm 1987 được đến trường nhưng cũng chỉ học đến lớp 5 rồi bỏ. Con ông không được đến trường âu cũng vì cha của chúng gắn bó với con thuyền, dòng nước, nay đây mai đó nên các con cũng theo ông mà nay đó, mai đây.

Năm nay, ông Nhung đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Ở làng chài này, những người đã lên chức ông, chức bà như ông Nhung, tất cả đều không biết chữ. Con họ sinh ra cũng phần lớn không biết chữ. Thế nhưng, đến đời cháu thì đứa nào cũng biết. Ông Nhung trầm ngâm rồi tự nói như nhắc nhở chính bản thân mình: “Nhà tôi, đứa cháu nào cũng được đến trường. Có thằng 3 đứa con cũng được đi học hết. Đời ông, đời cha đã mù chữ, lẽ nào đời cháu vẫn tiếp diễn cảnh buồn đấy nên bằng mọi cách, phải cố mà học lấy con chữ”.

Đang dở câu chuyện thì chị Thắm, con dâu út của ông Nhung về. Đấy là vợ người con trai út Nguyễn Văn Tuyết, chính là đứa con duy nhất trong nhà được đi học đến lớp 5. Nói đến con chữ, chị Thắm bô bô kể: “Em cũng người làng chài Thủy Cơ nhưng ở bên xã Xuân Tín. Em 32 tuổi, cũng đâu có biết chữ”.

Nhưng 3 con của Thắm thì đứa nào cũng được đến trường. Hiện, cả vợ chồng, con cái đều lên bờ ở với bố mẹ. Tuy nhiên, về công việc, vợ chồng Thắm vẫn nghề sông nước. Hôm nào xuống thuyền, vợ chồng lại gửi con cho ông bà.

Việc không biết chữ của một bộ phận người dân làng chài Thủy Cơ, là câu chuyện của đời ông, đời cha, của những năm tháng lênh đênh sông nước. Thời điểm mà nước là đất, thuyền là nhà… Vậy nên, chuyện của ngày hôm qua mà vẫn còn lưu sang ngày hôm nay. Cán bộ chính sách xã Xuân Lai, ông Hà Duyên Chương trầm ngâm, kể lại: “Các ông, các bà ở làng chài lên nhận trợ cấp trên xã hầu như phải điểm chỉ, thậm chí có cả thanh niên đi nhận thay bố mẹ cũng điểm chỉ. Có những hôm, điểm chỉ gần như kín trang”.

Có chữ rồi vẫn canh cánh nỗi lo

Sau câu chuyện của đời ông, đời cha, là sự học của đời con, đời cháu. Gọi sự học, vì dẫu đã được lên bờ để đến trường nhưng xem ra vẫn còn nhiều khó khăn với những đứa trẻ làng chài.

Vẫn là câu chuyện ở làng chài Thủy Cơ, xã Xuân Lai. Năm học 2022-2023 này, ở Trường Tiểu học Xuân Lai có 26 học sinh làng chài Thủy Cơ. Những học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Và những thông tin mà chúng tôi có được từ phía lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên, vui thì ít, buồn thì nhiều. Trong số 26 học sinh, nhiều em có lực học kém. Nguyên nhân vẫn bắt đầu từ sự quan tâm của gia đình khi có nhiều em, bố mẹ không biết chữ hoặc bố mẹ đi làm, gửi con cho ông bà. Ở lớp 2C, nơi có nhiều học sinh làng chài Thủy Cơ đang học tập, theo cô giáo chủ nhiệm Hà Thị Thảo: Có những hôm, các em nghỉ học vô lý do, gọi điện cho phụ huynh thì không liên lạc được. Do lực học đuối hơn các bạn trong lớp nên cô giáo thường xuyên dạy kèm ở các buổi ra chơi hoặc lúc tan học.

Chuyện con chữ làng chàiYến Nhi đi học về qua cây cầu khỉ.

Còn đây là câu chuyện của Yến Nhi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Nhi là con cả trong gia đình có 3 chị em. Nhà của Nhi ở trên thuyền thuộc làng chài Giang Thanh. Bố mẹ Nhi và các con chỉ có thể ở một góc nhỏ trên thuyền với diện tích chưa đầy 4m2.

Bố Nhi không biết chữ và mẹ Nhi cũng vậy. Mẹ Nhi không phải người làng chài Giang Thanh. Quê mẹ Nhi ở một làng chài của huyện Hà Trung. Cũng như nhiều đứa trẻ khác ở làng chài, trên sông nước, khó khăn nhiều đã tạo cho Nhi sự rắn rỏi. Vì vậy, em phải tự lập một số công việc. Đi học nước nhỏ, Nhi đi cầu khỉ, nước to, em tự lái xuồng…

Mới đây, nhà Nhi và 8 hộ khác của làng chài đã thuộc diện được cấp đất, hỗ trợ xây nhà.

Ở Trường Tiểu học Thiệu Khánh, nơi Nhi đang theo học, hiện có 65 học sinh là con của làng chài Giang Thanh. Nhưng chuyện học của các em vẫn còn nhiều lo ngại. Nói về điều này, cô giáo Lê Thị Thiết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Khánh, cho biết: “Có tài trợ hay ủng hộ của các đơn vị, tổ chức thì học sinh làng chài Giang Thanh sẽ được quan tâm đầu tiên. Riêng các khoản đóng góp, nhà trường miễn cho học sinh ở làng chài rất nhiều. Thực tế, các em được lên bờ học nhưng sự quan tâm của phụ huynh rất ít. Có những em, bố mẹ không biết chữ, có gia đình cứ lênh đênh trên thuyền, không để ý đến việc học của con. Dẫn đến, nhiều em học hành sa sút…”.

Con chữ làng chài, đời cháu không còn khó, khổ như đời ông. Nhưng đời cháu, con chữ có mà vẫn canh cánh nỗi lo…

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]