(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dạo đó, chớm hè năm 1972. Hàng trăm tốp máy bay, hàng vạn tấn bom giặc Mỹ trút xuống Hàm Rồng hòng phá sập cây cầu, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch, để ngăn đường tiếp viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhưng quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã dìm hàng trăm thây ma, thần sấm giặc Mỹ xuống đáy sông Mã. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang sừng sững. Những đoàn tàu vẫn ngày đêm hú còi nối tiếp vào Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có một nhà giáo liệt sỹ

(VH&ĐS) Dạo đó, chớm hè năm 1972. Hàng trăm tốp máy bay, hàng vạn tấn bom giặc Mỹ trút xuống Hàm Rồng hòng phá sập cây cầu, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch, để ngăn đường tiếp viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhưng quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã dìm hàng trăm thây ma, thần sấm giặc Mỹ xuống đáy sông Mã. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang sừng sững. Những đoàn tàu vẫn ngày đêm hú còi nối tiếp vào Nam.

Sáng ngày 27/4/1972, Mỹ đã rải thảm bom vào các trường học xã Đông Yên, Đông Văn, huyện Đông Sơn. Lúc bấy giờ là vào giữa buổi sáng các lớp đang học, những học sinh, giáo viên đang giảng bài, chép bài. Mặc dù ở các trường đã có đủ hầm hào nhưng do máy bay giặc Mỹ bất ngờ thi nhau lao xuống các trường trút bom. Các em học sinh không kịp gấp sách vở, các thầy cô giáo không kịp lau mồ hôi, bụi phấn, gấp gáp đưa các em xuống hào. Hàng loạt bom sát thương, bom tấn đổ trúng vào các lớp, các trường. Tiếng máy bay hú gào, tiếng bom dằn rung đất, át hết tiếng kêu la thê thảm của bầy trẻ nhỏ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga giáo viên dạy Văn trường cấp 2 Đông Yên không quản bom đạn đã lao vào dắt từng em xuống hầm hào. Và một loạt bom Mỹ đã đánh trúng vào lớp học của cô Nga. Một cảnh tượng thảm thương đau đớn khôn lường: Giấy trắng, mực xanh, bảng đen, phấn trắng trộn lẫn với máu đào của 29 học trò và các thầy cô. Bàn ghế tan nát vung vãi đè lên thi thể trẻ thơ; bảng đen đè lên thi thể cô giáo Nga, bức tường sụp đổ đè lên tấm bảng đen...

Chân dung liệt sỹ Nguyễn Thị Nga

Đội cứu thương đưa được thi hài cô Nga lên rất vất vả. Cách đó không xa nơi cửa lớp thi thể hai con cô Nga là Trần Thị Tuyết 8 tuổi và Trần Thị Hường 2 tuổi dắt nhau từ khu tập thể lao ra lớp tìm mẹ. Hai cháu chưa gặp được mẹ đã bị bom Mỹ sát hại ngay tại cửa lớp học. Xót xa hơn là khi cô Nga hy sinh trong bụng cô đã có một sinh linh 4 tháng tuổi.

Sự hy sinh oanh liệt của cô giáo Nguyễn Thị Nga giữa bục giảng đường là sự hy sinh trên mặt trận chống giặc dốt? Thế mà suốt 44 năm qua cô không được tôn vinh, không được ghi công là liệt sỹ. Ông Trần Ngọc Biên cùng các con hàng chục năm chạy gõ đủ các cửa, tất cả đều im lặng lãng quên. 44 năm qua gia đình cô giáo Nga thầm lặng tủi thân chịu bao thiệt thòi.

Sau vụ máy bay Mỹ ném bom sát hại 29 người cả học sinh và giáo viên Trường cấp 2 Đông Yên, Sở Giáo dục coi việc làm chế độ cho cô giáo Nga là trách nhiệm của huyện Đông Sơn, thế nhưng huyện Đông Sơn lại coi việc đề nghị Nhà nước truy tặng liệt sĩ cho cô giáo Nga ấy là của Sở Giáo dục. Cả hai bên đều tin rằng đã giải quyết rồi vậy nên không cấp nào quan tâm nữa. Lạ thay suốt gần 4 thập niên mọi đơn thư của gia đình kêu cứu cơ quan chức năng ở Thanh Hóa lại không tích cực hướng dẫn để họ làm đúng thủ tục. Vì thế chế độ liệt sỹ cô Nguyễn Thị Nga không được ai thụ lý giải quyết.

Rất may, mãi đến năm 2012, Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát động viết về những kỷ niệm nhà trường trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. May mắn hơn nữa khi được cô giáo Nguyễn Thị Ly vốn trước là giáo viên của trường, nay là Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Sơn viết bài ký với tựa đề: “Hoa gạo tháng 4”. Bài ký này đã được đăng trên tập nội san của Sở GD&ĐT số 113, tháng 8/2013, sau đó, tiếp tục được đăng trên Báo Giáo dục Thời đại. Tác giả đã mô tả đầy đủ sự thật, giàu chất nhân văn, sâu sắc tình thương cảm.

Bài ký ra đời khiến bao người giật mình cảm động rơi lệ. Sau khi bài ký của tác giả Nguyễn Thị Ly xuất hiện, ban chấp hành hội giáo chức Thanh Hóa cùng cô Nguyễn Thị Ly nhiều tháng đi lục tìm số liệu xác nhận chứng cứ, gõ cửa báo cáo với các cơ quan chức năng. Rất may mọi giấy tờ ban đầu người chồng liệt sỹ Nguyễn Thị Nga còn lưu giữ đầy đủ. Nhờ vậy mà các ngành chức năng ở Thanh Hóa nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, kịp thời được các Bộ liên quan và Chính phủ đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho cô Nguyễn Thị Nga.

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Nguyễn Thị Nga.

Ngày 12/8/2015 liệt sỹ Nguyễn Thị Nga đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Ngày 16/1/2016 tại Nhà văn hóa Mai Xuân Dương, phường Đông Thọ, UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức làm lễ truy điệu liệt sỹ Nguyễn Thị Nga trong không khí đầy cảm động của gia đình, người thân của cô giáo Nga và đầy đủ các ngành, các cấp huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Sở GD&ĐT, các trường thuộc xã Đông Yên, phường Đông Thọ.

Hài cốt và hương hồn của liệt sỹ Nguyễn Thị Nga được quy tập và vinh danh tại nghĩa trang liệt sỹ. Âu đó cũng là sự hồi sinh sống lại của số phận một con người.

Xuân Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]