(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời đại số với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc trẻ làm quen, sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, mạng internet cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây ảnh hưởng, tác động xấu đến trẻ.

Cùng con trẻ… trên không gian mạng

Trong thời đại số với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc trẻ làm quen, sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, mạng internet cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây ảnh hưởng, tác động xấu đến trẻ.

Cùng con trẻ… trên không gian mạngDo được tiếp xúc từ rất sớm, nhiều trẻ nhỏ không còn xa lạ với các chương trình giải trí YouTube trên tivi có kết nối internet.

Khi con trẻ không còn xa lạ với… thế giới internet

Dù chưa tròn 4 tuổi nhưng cháu D.P - con trai chị Nguyễn Phương Ly, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) đã có thể tự mình sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ (tivi, điện thoại, máy tính bảng) của gia đình để vào xem các chương trình trên mạng. Chị Ly cho biết: “Khi cháu hơn 1 tuổi bắt đầu lười ăn. Không còn cách nào, vợ chồng tôi phải mở những chương trình trên YouTube cho bé xem mỗi khi đến giờ ăn. Con lớn hơn, lúc quấy khóc, tôi đã cho xem điện thoại để bé nín. Đến nay, dù chưa biết chữ, nhưng cháu đã biết cách tìm kiếm chương trình mình muốn xem trên các thiết bị. Trước đây chủ yếu là xem hoạt hình vui nhộn, gần đây cháu thường xem các video về siêu nhân, có yếu tố sức mạnh, bạo lực… Điều này thực sự không tốt. Tôi còn phát hiện con mình đang có dấu hiệu bị bệnh về mắt (thường nháy mắt, nhíu mắt) khi xem thiết bị điện tử”.

Chuẩn bị lên lớp 5, T.T.H, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) ngoài giờ học còn có sở thích đặc biệt với các video trên mạng xã hội TikTok. Không chỉ xem, cháu còn tự mình học theo các động tác cơ thể, nhảy múa rồi tự mình quay các clip. Chị Lương Thị Ngọc, mẹ cháu chia sẻ: “Thực sự tôi khá bất ngờ khi một lần vào phòng con, thấy cháu đang say sưa biểu diễn, động tác cơ thể uyển chuyển, năng động. Hỏi ra mới biết con tự học khi xem TikTok. Chưa hết, con còn khoe mình biết làm một số món ăn, đồ uống nhờ học trên mạng. Không biết nên mừng hay lo”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo việc học của con em mình, nhiều gia đình đã đầu tư mua máy tính, rồi các gói học online để con bổ sung kiến thức cần thiết. Điều này cũng tạo thuận lợi cho trẻ sớm làm quen, sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ.

Không thể phủ nhận lợi ích của không gian mạng. Nhờ nó mà không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng có thể tìm hiểu được vô số thứ mà mình cần thông qua các video hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Rồi nghe nhạc, giải trí, xem phim, kết nối bạn bè,… tất cả đều có trên không gian mạng. Đặc biệt với con trẻ, trong độ tuổi hiếu động, thích tìm tòi, khám phá thì không gian mạng càng trở nên hấp dẫn.

Tuy nhiên, không gian mạng ví như con dao hai lưỡi. Có người ví von nó giống như “cái chợ”, ở đó “thượng vàng hạ cám”, người khôn sẽ mua được những thứ “tươi ngon, bổ dưỡng”, thậm chí kiếm được tiền; ngược lại, rất dễ gặp phải “rau già, cá ươn” khiến tiền mất tật mang. Và trẻ em trở thành đối tượng bị lợi dụng của nhiều hành vi: lan truyền thông tin xấu, độc hại; bắt nạt, lừa đảo, dụ dỗ trên mạng… Báo cáo công bố ngày 4-9-2019 của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra: 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng.

Trước sự phát triển của công nghệ số, không thể chỉ vì lo lắng trước những nguy cơ mà người lớn đi ngược xu thế, cấm trẻ sử dụng - hoạt động trên không gian mạng. Thay vào đó, việc trang bị kỹ năng để hướng dẫn, đồng hành cùng con trên không gian mạng đang được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Đồng hành và bảo vệ con trẻ trên không gian mạng

Với mong muốn con sớm làm quen với tiếng Anh, nhưng với vốn ngoại ngữ hạn chế, lại lâu ngày không sử dụng, qua tham khảo, chị Hoàng Oanh, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) quyết định mua thẻ Monkey Junior cho con trai 4 tuổi. Dù không kỳ vọng nhiều vào việc con có thể học tốt ngoại ngữ từ chương trình trên mạng, song với việc đồng hành mỗi ngày 30 phút vào buổi tối, chị Oanh hy vọng có thể giúp con hình thành “thói quen” học ngoại ngữ. Đây cũng là cách để hạn chế con xem các chương trình không hữu ích tràn lan trên mạng hiện nay.

Có 2 con gái nhỏ, anh Đậu Quang Vinh, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) hiện là nhân viên quản trị mạng của Trung tâm Thông tin - Thư viện (Trường Đại học Hồng Đức), chia sẻ: “Tôi lựa chọn cho con làm quen không gian mạng với sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ từ việc cho xem gì, thời gian bao lâu, vào khung giờ nào… Trong đó, các ứng dụng (app) cần được kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ, cũng cho con xem YouTube, nhưng là các chương trình của app YouTube Kids. Trẻ con rất thông minh, đặc biệt là với các cháu hiếu động, cha mẹ nên thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở trẻ về các nội dung được xem. Tuyệt đối không được “bỏ mặc” trẻ với tivi, máy tính, điện thoại trong môi trường mạng”.

Thực tế chứng minh, việc đồng hành với con trên không gian mạng cũng không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Sự kiên trì là điều cần thiết của người lớn. Cùng với đó, nhiều cha mẹ còn chọn cách tương tác - làm bạn với con trên không gian mạng, qua đó nắm bắt kịp thời biểu hiện, thay đổi của trẻ. Để từ đó có sự uốn nắn, góp ý cần thiết, tránh để trẻ rơi vào những “bẫy mạng”, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Cùng con trẻ… trên không gian mạngCùng với việc cho trẻ làm quen sớm với các thiết bị công nghệ trên không gian mạng, rất cần có hướng dẫn, giám sát của người lớn.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Gần đây, ngày 1-6-2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu cụ thể: 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn; 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Bà Lê Thị Tuyết, Phó Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá: “Không chỉ trong cuộc sống thực tế, trên không gian - môi trường mạng cũng có rất nhiều nguy cơ đe dọa, gây ảnh hưởng đến trẻ. Bảo vệ trẻ trên không gian mạng là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Tại Thanh Hóa, thời gian qua, thông qua một số hoạt động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lồng ghép việc tuyên truyền để phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm, bảo vệ con em mình trên không gian mạng”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]