(vhds.baothanhhoa.vn) - Quyết định số 3134/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất cho hợp đồng lao động đối với 1.200 giáo viên bậc học mầm non. Đây là niềm vui lớn cho nhiều địa phương, trường học, cho hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều lo toan, trăn trở...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ "lửa" cho nghề

Quyết định số 3134/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất cho hợp đồng lao động đối với 1.200 giáo viên bậc học mầm non. Đây là niềm vui lớn cho nhiều địa phương, trường học, cho hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều lo toan, trăn trở...

Niềm vui trở lại...

Trong đợt này, huyện Yên Định được tỉnh chấp thuận kết quả xét 43 lao động hợp đồng giáo viên mầm non. Đây được xem là một “sự kiện” lớn đối với 43 giáo viên này và trong số đó phần lớn là những giáo viên đã bị huyện Yên Định cắt hợp đồng vào tháng 12/2016.

Nếu hơn 1 năm về trước họ cùng “ra đi” và hơn 1 năm sau đó họ lại “trở về” cũng trong nước mắt nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Lê Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Vân, 2 cô giáo sau khi bị cắt hợp đồng tháng 12/2016 nay đã được hợp đồng lại và vẫn công tác tại Trường Mầm non Yên Lâm (Yên Định) với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Cô giáo Nguyễn Thị Vân cho biết: “Ngày tôi bị dừng hợp đồng, cũng hụt hẫng rất nhiều. Giờ được ký lại hợp đồng, đó là một niềm hạnh phúc lớn đối với tôi”.

Tại huyện miền núi Lang Chánh, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 15344 ra ngày 14/12/2017 về việc chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng cho 55 giáo viên mầm non. Cô giáo Lê Thúy Vân là một trong những giáo viên đã trúng tuyển trong đợt xét tuyển này. Năm 2015, cô Vân tốt nghiệp Đại học khoa sư phạm mầm non và tự nguyện về Trường Mầm non Tân Phúc (Lang Chánh) để... học việc. Nhà trường cũng chỉ biết giúp cô Vân bằng cách trích quỹ công đoàn và đoàn thanh niên để sau khi kết thúc 1 năm học gửi “lương” cho cô Vân với số tiền là 2 triệu đồng. Nhà nghèo, đến cái xe đạp cũng không có để đi, nên 3 năm qua cô Vân thường đi bộ 2 km để đến Trường Mầm non Tân Phúc. Trúng tuyển đợt này, cô Vân được chính thức là giáo viên hợp đồng tại trường này. Cô xúc động, nói: “Hôm nay đã thực sự vui rồi nhưng mấy năm về trước đúng là khổ quá. Mẹ ốm mà trong nhà cũng không có tiền mua thuốc cho mẹ...”.

Sau 3 năm tự nguyện học việc chỉ được hỗ trợ hơn 200 nghìn đồng/tháng, cô Lê Thúy Vân đã được trúng tuyển HĐLĐ giáo viên mầm non.

Được xét tuyển và trúng tuyển, với những giáo viên chưa được ký hợp đồng thì còn niềm vui nào hơn thế. 1.200 giáo viên mầm non được ký hợp đồng trong đợt này là một niềm vui lớn. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều những nỗi niềm, trăn trở...

Còn nhiều trăn trở

Theo quy định của tỉnh, đợt vừa qua, huyện Thạch Thành được xét hợp đồng cho 122 giáo viên mầm non. Đây là con số tương đối lớn nhưng chưa đủ khi mà huyện này vẫn đang còn thiếu 178 giáo viên mầm non. Trước đó, từ khi có công văn của UBND tỉnh ngày 27/7/2015 về tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, huyện Thạch Thành đành phải chấp thuận cho hiệu trưởng các trường mầm non ký hợp đồng cô nuôi phục vụ bán trú. Tiền trả cho các cô nuôi này lấy từ nguồn xã hội hóa do phụ huynh góp lại với số tiền là 40 nghìn đồng/tháng/trẻ.

Ở Thạch Thành có những trường thiếu tới 20 giáo viên. Ngay tại Trường Mầm non thị trấn Kim Tân cũng thiếu 15 giáo viên và mấy năm qua trường này cũng đang phải ký hợp đồng với 8 cô nuôi mặc dù số này đều đã tốt nghiệp sư phạm mầm non. Bà Trịnh Thị Quyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đợt xét tuyển vừa rồi có 3 cô nuôi trúng tuyển, số cô nuôi còn lại chúng tôi cũng sẽ trả thêm lương”.

Tại huyện Lang Chánh, mặc dù đã được chấp thuận kết quả xét lao động hợp đồng với 55 giáo viên nhưng hiện huyện cũng đang còn thiếu khoảng 50 giáo viên. Sau khi có công văn ngày 27/7/2017 của tỉnh về việc tạm dừng tuyển dụng, giáo dục mầm non của huyện đã khó lại càng khó hơn. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí nhiều trường mầm non của huyện không thể đứng ra hợp đồng cô nuôi, còn cô nào muốn vào trường thì cũng đều trên tinh thần tự nguyện là vào để học việc, không lương. Ngay tại Trường Mầm non Tân Phúc, có thời điểm nhà trường tiếp nhận gần 10 cô giáo vào để... học việc. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan cho biết: “Để động viên các cô, nhà trường cũng chỉ biết trích quỹ công đoàn và đoàn thanh niên để sau 1 năm học hỗ trợ cho các cô mỗi người 2 triệu đồng. Như vậy là mỗi tháng các cô chỉ được hỗ trợ hơn 200 nghìn đồng. Mặc dù vậy, lòng yêu nghề ở các cô vẫn hừng hực cháy, không nghĩ đến chuyện bỏ nghề ”.

Yêu nghề để dù không được làm giáo viên đứng lớp mà chỉ làm cô nuôi, yêu nghề dù học việc không lương... Thiếu giáo viên, mỗi huyện, mỗi nhà trường tự xoay sở để cái đích cuối cùng là đảm bảo được sự an toàn cho trẻ.

Trong niềm vui của việc chấp thuận kết quả xét lao động giáo viên mầm non hợp đồng của tỉnh, huyện Tĩnh Gia vẫn còn đó những ưu tư... Năm học 2017-2018, huyện này thiếu 279 giáo viên mầm non. Sau khi được tuyển 104 lao động hợp đồng giáo viên dạy mầm non đợt vừa qua thì huyện vẫn còn thiếu 175 giáo viên mầm non. Trước đó, tình trạng thiếu giáo viên ở Tĩnh Gia đã bị kéo dài trong nhiều năm, nhất là từ khi thực hiện quy định về tạm dừng tuyển dụng. Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tĩnh Gia cho biết: “2 phương án lúc bấy giờ được đưa ra: hoặc là giải tán nhóm lớp không có giáo viên, hoặc thuê khoán người dạy để đứng vào những lớp không có người. Và cuối cùng huyện phải chấp thuận phương án để hiệu trưởng các nhà trường tự hợp đồng thuê khoán giáo viên đứng lớp còn UBND huyện hỗ trợ kinh phí để trả lương”.

Tuy nhiên, ngày 18/5/2017 UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương không được sử dụng ngân sách Nhà nước để giao cho lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao và các nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vậy, UBND huyện Tĩnh Gia phải dừng việc hỗ trợ cho giáo viên hợp đồng thuê khoán ở các nhà trường. Chính vì vậy mà từ tháng 9/2017 đến nay, các giáo viên này vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tĩnh Gia Vũ Thị Thanh Vân cho biết thêm: “Những trường rất xa xôi của huyện thiếu nhiều giáo viên và đang phải hợp đồng thuê khoán, nhưng những hợp đồng thuê khoán này hầu như không trúng tuyển do giáo viên chỉ có bằng trung cấp. Không trúng tuyển họ sẽ không được làm việc nữa, họ nghỉ việc mà 7 tháng chưa được trả lương”.

Chúng tôi đã về Trường Mầm non Các Sơn, một trường đặc biệt khó khăn của huyện Tĩnh Gia nơi còn thiếu đến 11 giáo viên. Hiện nhà trường cũng đang hợp đồng thuê khoán với 8 giáo viên. 8 giáo viên này cũng chỉ mới nhận được sự hỗ trợ kinh phí của huyện từ tháng 1 đến tháng 5/2017 với mỗi người là 2,3 triệu đồng/người/tháng. Còn từ tháng 9/2017 đến nay các cô vẫn chưa có một đồng lương nào. Trong số 8 giáo viên này, có người gắn bó với trường tới 10 năm. Tiếc là 8 giáo viên hợp đồng thuê khoán của Trường Mầm non Các Sơn không có ai trúng tuyển trong đợt vừa qua.

1.200 giáo viên mầm non được ký hợp đồng, hưởng nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh là một niềm vui lớn cho nhiều địa phương, trường học, cho hàng nghìn giáo viên. Nhiều địa phương vẫn đang mong chờ tỉnh sẽ có tiếp những đợt tuyển mới với những cơ chế, chính sách linh hoạt hơn để bớt đi gánh nặng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên bậc học mầm non. Còn nhiều lắm những con người vẫn đang hy vọng về một ngày không xa họ sẽ được xướng tên trong danh sách trúng tuyển...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]