(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, các địa phương trong toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành đối với trẻ em - Thế hệ mầm non của đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hãy thiết thực hành động vì trẻ em

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, các địa phương trong toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành đối với trẻ em - Thế hệ mầm non của đất nước.

Các đại biểu và trẻ em tham gia nghi thức in dấu tay lên quả cầu truyền thông trong sự kiện Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa hiện có khoảng 890.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25% dân số), những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, huyện Nông Cống đã Ban hành Kế hoạch số 138 về “Triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội hành động, dành sự quan tâm thiết thực, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng những gì tốt đẹp nhất.

Đồng thời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách chương trình và vận động xã hội để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em đặc biệt khó khăn. Quan tâm, tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh và ý nghĩa; tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em trong dịp hè.

Ông Lê Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Huyện Nông Cống đang đẩy mạnh truyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, diễn đàn... nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em; tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình người có công, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo đang sinh sống trên địa bàn nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và trong thời gian thực hiện Tháng hành động vì trẻ em; tăng cường chỉ đạo việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các điển hình làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại địa phương...

Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, trẻ em về cơ bản đã được quan tâm, chăm sóc và được bảo đảm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận trẻ em chưa được bảo đảm các quyền lợi đã được quy định, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội như: giáo dục, y tế... Nhiều trẻ em ngay từ lúc sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, suy dinh dưỡng; nhiều trẻ ốm đau chưa được chăm sóc tốt; còn không ít trẻ em bị bạo hành, thậm chí bị bóc lột sức lao động...

Do vậy, ngoài tổ chức các phong trào kêu gọi, hưởng ứng, phát động, vận động... điều tối quan trọng phải tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quyền của trẻ em; thể hiện tình yêu thương đối với trẻ em bằng tấm lòng chứ không phải bằng đòn roi. Bên cạnh đó, người lớn cũng đừng coi trẻ em là đối tượng chỉ biết vâng lời, hãy lắng nghe trẻ em nói, để trẻ em thể hiện cá tính và bày tỏ chính kiến của mình...

Thực hiện các biện pháp bảo vệ chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, huyện Như Thanh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em; chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, tổ chức dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em để phòng, chống đuối nước; triển khai các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quan tâm huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu về trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Ông Trương Thanh Tĩnh - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Như Thanh cho biết: Mặc dù Như Thanh là huyện có 17/17 xã, thị trấn được công nhận là xã, phường phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, toàn huyện Như Thanh hiện có khoảng 23.000 trẻ em (trong đó có khoảng 10.000 trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là khoảng 2.400 em). Do điều kiện KT-XH còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm ăn xa, để lại con cho ông bà chăm sóc, thậm chí nhiều cháu phải tự lập từ rất sớm mà không có người chăm sóc, do đó, huyện Như Thanh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, của trung ương trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Như Thanh là 1 trong 6 huyện của tỉnh Thanh Hóa được hưởng thụ Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”; toàn huyện có 4 xã được tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức các chương trình dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại 4 xã: Phượng Nghi, Yên Lạc, Xuân Thái, Thanh Tân; ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở LĐ,TB&XH sẽ mở 15 lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông; kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích; tổ chức các sự kiện hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng các lớp học, nhà ở, cơ sở vật chất, thiết bị vui chơi, giải trí cho trẻ em nghèo; kết nối và tổ chức cho các nhà tài trợ tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo mắc bệnh, trẻ em khuyết tật, chú trọng đối tượng trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em ung thư, hỗ trợ sinh kế, việc làm tạo thu nhập...; đồng thời rà soát lập danh sách trẻ em nghèo, trẻ em cần sự hỗ trợ đặc biệt, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày để kêu gọi, đề xuất, vận động hỗ trợ. Huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, ủng hộ nguồn lực xây, sửa chữa, tặng quà, học bổng, bảo hiểm y tế, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sổ tiết kiệm... cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Năm 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và là năm thứ 25 tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Theo Luật Trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền cơ bản, các cháu cần được phổ biến đầy đủ, để trẻ em cũng như mọi người dân đều biết và thực hiện thật tốt quyền trẻ em; các ngành, cơ quan, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em theo trách nhiệm của mình; cộng đồng xã hội hãy góp sức một cách thiết thực nhất để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, để trẻ được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]