(vhds.baothanhhoa.vn) - Khởi phát đại trà sau khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, học trực tuyến (online) đã đó trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh TP Thanh Hóa, nơi có cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin đảm bảo.

Học trực tuyến - Xu thế yêu thích của học sinh TP Thanh Hóa

Khởi phát đại trà sau khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, học trực tuyến (online) đã đó trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh TP Thanh Hóa, nơi có cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin đảm bảo.

Học trực tuyến - Xu thế yêu thích của học sinh TP Thanh Hóa

Em Nguyễn Lương Bảo Châu, học sinh lớp 8A, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) thích thú với việc học online.

Học sinh chủ động, hứng thú học

Học online từ lâu đã trở thành hình thức giáo dục quan trọng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ở nước ta, việc học online thu hút giới trẻ tham gia bởi nhiều ưu điểm vượt trội: Tiết kiệm thời gian, chi phí; nội dung, hình ảnh trực quan sinh động, tính tương tác cao…

Em Nguyễn Lương Bảo Châu, học sinh lớp 8A, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Trong các giờ học chính khóa, thầy cô giáo thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp chúng em thêm hào hứng, thú vị đối với các môn học. Ở nhà, em cũng thường xuyên sử dụng công nghệ để học online, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Không chỉ riêng em, nhiều bạn trong lớp cũng chia sẻ với nhau về các phần mềm, các ứng dụng hoặc trang web học trực tuyến uy tín ở tất cả các môn học. Điều đó giúp chúng em củng cố và nâng cao kiến thức, rèn luyện khả năng tự học tại nhà”…

Chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối internet, học sinh có thể dễ dàng học bất cứ điều gì mà mình muốn, tại bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Em Trịnh Gia Khánh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa), cho biết: “Nhờ các bài học, các tài liệu luôn có sẵn trên mạng, em có thể tranh thủ học bất cứ khi nào rảnh hoặc có hứng thú và có thể xem đi xem lại nhiều lần nếu chưa nhớ, chưa hiểu. Ngoài ra, các bài giảng được thiết kế linh hoạt qua các định dạng, được đầu tư chuyên nghiệp về hình thức, học liệu, dịch vụ hỗ trợ kèm theo… khiến người học hứng thú, thoải mái và dễ dàng lựa chọn”.

Không chỉ học các kiến thức văn hóa, giới trẻ cũng rất hứng thú với các khóa học về kỹ năng sống, giới tính, làm đẹp, trang điểm, ăn uống khoa học, học nhảy hoặc tập thể dục, yoga… online.

Sự xuất hiện và phổ biến của internet, dữ liệu số hóa và công nghệ phần mềm đã tạo cú hích mạnh mẽ cho hình thức giáo dục và đào tạo từ xa. Phạm vi áp dụng hình thức học tập này không bị bó hẹp trong trường học, mà có thể mở rộng ra với mọi lĩnh vực, không gặp trở ngại lớn về địa giới, không gian, hay thời gian. Tuy nhiên, hiệu quả của việc học online phụ thuộc rất nhiều vào ý thức kỷ luật của người học.

Để việc dạy, học trực tuyến đạt hiệu quả

Bên cạnh các hình thức giáo dục truyền thống, các mô hình giáo dục trực tuyến chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu được giới trẻ yêu thích, lựa chọn nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến thành công, đạt hiệu quả vẫn cần sự thống nhất, đồng thuận cao và sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh.

Cô giáo Nguyễn Thị Nghiêm, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: “Phần đa học sinh nhà trường đều tự giác học tập trên lớp và chủ động học trực tuyến đối với những gì các em còn yếu hoặc cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, vẫn còn những học sinh chưa tự giác hoặc lợi dụng học trực tuyến để chơi game, lên mạng chát chít… Do đó, ngoài những giờ giảng trực tiếp trên lớp, nhà trường đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn cách tìm hiểu tài liệu, bài học tham khảo, kênh học trực tuyến uy tín để học sinh tranh thủ thời gian ở nhà nâng cao kiến thức. Học trực tuyến là thách thức với học sinh nhưng cũng là cơ hội để các em bồi đắp kỹ năng tự học, rèn tính tự giác”…

Đến nay, học sinh Trường THCS Quang Trung (TP Thanh Hóa) đã dần quen với hình thức và phương pháp học trực tuyến, nhiều em tiếp cận và hứng thú với phương pháp học tập hiện đại này. Tuy nhiên, thầy giáo Vũ Quang, Phó hiệu trưởng nhà trường lo ngại: “Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý của người học, các trang web, trang dạy học trực tuyến được mở ra rất nhiều với những độ chính xác khác nhau, thậm chí, một số trang web bị sai lệch so với định hướng học tập hiện nay, nhiều thư viện mở kiến thức chưa thực sự chính xác… Từ đó đặt ra yêu cầu giáo viên và phụ huynh phải theo sát các em. Trường THCS Quang Trung đã yêu cầu giáo viên phải thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt xem học sinh có tham khảo hoặc học thêm trên các trang mạng nào không, nếu có phải đưa nguồn cho giáo viên kiểm tra về độ an toàn, chính xác… Đồng thời, chia sẻ với học sinh những trang web học tập chính xác đã được kiểm định”.

Chị Vũ Thị Thanh Xuân, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Con trai tôi năm nay học lớp 9, ngoài thời gian học ở trường, cháu cũng rất thích học trực tuyến. So với việc học bằng máy tính, cháu thích dùng điện thoại thông minh hơn bởi tính tiện ích, nhỏ gọn, và đặc biệt là tính đa nhiệm của nó. Không gian mạng tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy, cám dỗ, do đó gia đình tôi phải thường xuyên theo dõi sát sao việc học của cháu. Chúng tôi một mặt khuyến khích cháu tận dụng kho kiến thức rộng lớn trên mạng internet, nhưng cũng phải giải thích những mặt trái, mặt hạn chế của môi trường mạng và hơn hết là có quy định cụ thể về thời gian học, thời gian giải trí trên mạng internet của cháu”.

Học online đang và sẽ trở thành xu hướng học tập mới được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, làm thế nào để hình thức học này đạt được hiệu quả đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp của nhà trường, gia đình và bản thân mỗi người học. Điều quan trọng là học sinh phải có ý thức tự học, chủ động để phát huy năng lực cá thể trong rèn luyện kỹ năng về quản lý thời gian, tư duy sắp xếp khoa học…

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]