(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 lần đầu được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tư cách không phải môn học mà là một hoạt động giáo dục đặc thù, bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều trường học ở khu vực miền núi lại gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện.

Khó khăn trong thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở miền núi

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 lần đầu được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tư cách không phải môn học mà là một hoạt động giáo dục đặc thù, bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều trường học ở khu vực miền núi lại gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện.

Khó khăn trong thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở miền núiHoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh Trường THCS thị trấn Quan Hóa với chủ đề 1: Trường học của em. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cơ sở vật chất thiếu, điều kiện tổ chức hạn chế…

Hiện nay, tất cả các trường cấp THCS trên địa bàn tỉnh đang sử dụng sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6, bộ sách Cánh Diều. Cuốn sách này quán triệt sâu sắc tư tưởng mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống. Từ đó, góp phần hình thành năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Theo phân phối chương trình, một tuần có 3 tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở Trường THCS thị trấn Quan Hóa (Quan Hóa), do chưa có giáo viên chuyên trách nên chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Theo đó, 3 tiết học này được phân cho 3 người đảm nhiệm: Tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) do ban giám hiệu điều hành; tiết 2 (sinh hoạt chủ đề) do cô giáo dạy nhạc phụ trách; tiết 3 (sinh hoạt lớp) là giáo viên chủ nhiệm.

Tiếp cận với hoạt động giáo dục mới này, bên cạnh những thuận lợi như học sinh hứng thú học tập, giáo viên được tìm tòi, mở mang kiến thức thì vẫn còn gặp một số khó khăn. Giáo viên âm nhạc Trường THCS thị trấn Quan Hóa Nguyễn Thị Thùy Linh, cho rằng: “Rất nhiều khó khăn đặt ra. Thứ nhất, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này chưa đáp ứng được. Thứ hai, trên địa bàn huyện không có nhiều địa điểm để tổ chức trải nghiệm, học tập; nếu có thì khoảng cách xa, điều kiện đưa các em đi rất khó. Trong khi đó, kinh phí tổ chức không có, vì vậy, chúng tôi chỉ có thể... cho các em đi chăm sóc, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ của xã”.

Theo thầy giáo Nguyễn Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh (Thạch Thành), học sinh nhà trường rất háo hức với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở đó, các em được thể nghiệm các cảm xúc tích cực, vận dụng kinh nghiệm đã có của bản thân qua các chủ đề. Sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh, là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. “Có những chủ đề, đòi hỏi sự tương tác giữa học sinh với môi trường bên ngoài, nhưng các em chỉ có thể tiếp cận với sách giáo khoa và trong lớp học. Lớp học cũng không có ti vi, máy chiếu… Bên cạnh đó, địa bàn huyện ít cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, nên việc tổ chức tham quan còn hạn chế, hơn nữa kinh phí tổ chức cũng không có để thực hiện. Vì vậy, đến lúc này, nhiều học sinh nhà trường vẫn chưa được đặt chân đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, hay Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh”, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh, Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.

Giải pháp

Ở cấp THCS, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Đứng trước những khó khăn đối với hoạt động giáo dục này, phòng giáo dục và đào tạo các huyện ở miền núi đã đưa ra nhiều giải pháp, như chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Khi xây dựng chương trình học, chú ý đến việc vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để học sinh vẫn được trải nghiệm và đạt được yêu cầu bài học. Chú trọng các hoạt động giáo dục tập thể, ngoài giờ lên lớp và lồng ghép tích hợp với các môn học khác sao cho vừa hợp lý vừa hiệu quả.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành: “Để khắc phục những khó khăn, chúng tôi tăng cường sinh hoạt chuyên môn cụm trường để giáo viên có cơ hội bồi dưỡng, học tập và trao đổi nghiệp vụ. Ngoài ra, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh thực hiện với yêu cầu 100% phụ huynh biết về ý nghĩa của môn học để cùng tham gia với con khi học sinh thực hiện trải nghiệm ở nhà”. Còn theo ông Lò Đức Liêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa: “Trong những năm học tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để hỗ trợ kinh phí hoặc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 được xem như phương tiện “dạy người” trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là cơ hội để học sinh tự tin hơn trước các tình huống thông qua 9 chủ đề, như: Thầy cô - người bạn đồng hành; Tiếp nối truyền thống quê hương… Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, thiết nghĩ, sự quan tâm để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng hoạt động giáo dục này phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi việc xã hội hóa để có nguồn kinh phí trải nghiệm tham quan, học tập là điều không dễ thực hiện đối với các trường học khu vực miền núi…

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]