(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lớp có 52 học sinh thì gần 40 em đạt trên 8 điểm môn Văn kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh có 5 em thì đạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải KK. Ngưỡng mộ hơn là cả 2 điểm 9.5 môn Văn của tỉnh, đều thuộc về học sinh trường Quảng Xương 1, trong đó có một học sinh do cô Nguyễn Thị Hương trực tiếp dạy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không dạy ‘tủ’ học sinh vẫn đạt điểm cao

(VH&ĐS) Lớp có 52 học sinh thì gần 40 em đạt trên 8 điểm môn Văn kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh có 5 em thì đạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải KK. Ngưỡng mộ hơn là cả 2 điểm 9.5 môn Văn của tỉnh, đều thuộc về học sinh trường Quảng Xương 1, trong đó có một học sinh do cô Nguyễn Thị Hương trực tiếp dạy.

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm dạy môn Văn, cô Hương cho rằng: Thầy, cô phải yêu thích thì mới truyền cảm hứng cho học sinh, dạy văn không chỉ là dạy chữ cho học sinh đi thi, mà phải dạy làm người trước, biến những cái khô khan từ nghị luận xã hội thành những bài học cuộc sống, tình yêu thương sẻ chia, vượt lên số phận để chiến thắng định mệnh, ước mơ, sống đẹp. Mà để có được điều đó thì tôi luôn cố gắng gần gũi học sinh. Lúc đầu nhiều bạn học còn yếu nhưng mình cứ truyền động lực, từng ngày từng ngày đắp bồi cho các em.

Quảng Xương có phong trào học tập cao, các gia đình đầu tư cho việc học của con cái. Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng có khả năng vận động các em đi học. Làm thế nào để học sinh yêu thích đến lớp, thích môn học, cần sự truyền cảm hứng của cô giáo và sự hy sinh. Có lẽ vì thế mà học sinh đến với cô Hương, kể cả là học sinh cô dạy ở lớp cho đến ở nhà đều nhanh chóng có sự tiến bộ.

Nhiều người cho rằng dạy đội tuyển thì thật sướng, vì vốn sẵn các em đã khá giỏi rồi. Nhưng tôi biết, cô Hương phải vật vã "chiến đấu" như thế nào? Dạy một trăm mấy mươi buổi nhưng không thu một đồng tiền, ngoài ra còn chăm sóc, lo từng bữa sáng cho các con.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương và đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của Trường THPT Quảng Xương 1.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, lần đầu tiên nhà trường có học sinh đạt điểm 9.5. Hỏi về điều này, cô Hương cho rằng: "Điều tôi tâm đắc nhất là phương pháp dạy học bằng cách chia tốp và phân loại các em học sinh, em nào chỉ mới đạt 7 thì tập trung ôn để đi thi có thể đạt điểm 8. Điểm 8 thì đẩy lên thành 9, riêng lớp các em thường xuyên đạt 9 điểm thì tôi dạy miễn phí và chọn lấy 10 em cao thủ nhất, trong đó có 5 em đội tuyển".

Riêng 2 em đạt 9.5, ngoài tốc độ viết nhanh, các bạn ấy đều có chữ viết rất đẹp. Một trong hai trường hợp đó là em Lê Huyền Hạnh, mới chuyển khối từ A sang. "Khi em có đơn chuyển khối, tôi đồng ý nhận ngay. Tôi vốn thích dân khối A vì các em khá thông minh. Tôi photo toàn bộ tài liệu để em ở nhà đọc trước những bài cô dạy, sau đó là chăm chút trên lớp, thậm chí lôi về nhà dạy miễn phí. Mảng kiến thức văn học em ấy đọc là hiểu nhưng mảng nghị luận xã hội thì phải được dạy mới hiểu. Huyền Hạnh lúc đầu không biết cảm thụ thơ, chỉ biết diễn xuôi. Nên tôi hướng dẫn em cảm thụ từ tầng nghệ thuật trước để rút ra tầng tư tưởng. Cứ cảm nhận các biện pháp tu từ, điểm sáng thẩm mỹ thì bài văn sẽ nhuyễn, sẽ hay và dễ viết. Ngoài sự thông minh, nhanh nhạy ra, em còn rất chăm chỉ, dù lý do gì cũng không bao giờ nghỉ học. Hay như em Lê Thị Bình cũng vậy. Các em hoàn toàn xứng đáng với điểm số 9.5. Nhiều bạn đã rơi nước mắt khi mình chưa đạt được điểm 9 và trên 9. Nhưng tôi vẫn nói với các em: Đi thi là hội tụ 3 yếu tố: Phong độ thăng hoa, may mắn và trúng khu vực mình yêu thích", cô Hương chia sẻ.

Tôi hỏi cô giáo Hương: Liệu đó có phải là cách dạy “tủ” không, cô giáo nói: Tôi hoàn toàn không dạy tủ, nhiều em đã đề xuất cho cô những chủ đề như ấu dâm, tổ quốc, biển cả. Nhưng là một giáo viên có kinh nghiệm, tôi biết cái gì là trọng tâm trong hàng trăm chủ đề. Nghị luận xã hội thì vô cùng lắm, dễ làm học sinh bị loạn. Ví dụ: Khi tôi dạy về chủ đề tình yêu thương tôi cho học sinh làm 20 văn bản khác nhau để các em áp dụng cái chung của cô nhưng lại uyển chuyển trong cái riêng. Vì cũng là tình yêu thương nhưng có chỗ người ta nói quan tâm, sẻ chia, từ thiện, thấu cảm… đây chính là cái lối dạy lấy cái bất biến để nói cái vạn biến chứ không phải là đọc chép, ghi nhớ máy móc. Tôi cho các em chìa khóa và tự các em mở.

Nhưng hơn hết, theo cô Hương đó là sự đoàn kết trong tổ Văn, là sự tin tưởng của lãnh đạo nhà trường. Tại sao Quảng Xương 1 thành công tôi nghĩ có một phần ở điều này. Sự đoàn kết biến sức mạnh của một người thành sức mạnh của toàn thể.

Sự nhiệt huyết với nghề, hiểu tính nết từng học sinh, đó là điều ai cũng nhận thấy ở cô Nguyễn Thị Hương. Quả thật, người dạy văn giỏi không chỉ được đánh giá vào việc có học sinh đạt điểm cao. Hơn hết, đó phải là người biết kích thích sự phát triển của học sinh, phát huy hết được khả năng của học sinh để các em từ điểm thấp có thể lên điểm cao.

Nhìn cảnh hai tuần cuối trước khi diễn ra kì thi, học sinh thậm chí ăn ngủ nhà cô, mới thấy được sự hy sinh, và cả yêu thương của cô giáo. “Hai buổi tối là hết một thùng mì tôm. Nhìn tận mắt các em chạy đua với thời gian, mới thấy sự quyết tâm và nỗ lực của học trò, và là động lực để mình hy sinh. Chồng tôi nhiều khi còn đùa vui: Khổ thân thầy phải ra rìa ngủ” - cô Hương bộc bạch.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]