(vhds.baothanhhoa.vn) - Mang lại niềm vui, kiến thức cho trẻ tự kỷ, trẻ bị thiểu năng... là hành trình đầy khó khăn, thử thách, sự kiên nhẫn và cả nước mắt. Bằng tình yêu thương với trẻ, những giáo viên giáo dục đặc biệt vừa là người dạy dỗ, là người bạn tâm giao, vừa như người mẹ hiền dạy cho học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất.

Lớp học của những đứa trẻ “đặc biệt”

Mang lại niềm vui, kiến thức cho trẻ tự kỷ, trẻ bị thiểu năng... là hành trình đầy khó khăn, thử thách, sự kiên nhẫn và cả nước mắt. Bằng tình yêu thương với trẻ, những giáo viên giáo dục đặc biệt vừa là người dạy dỗ, là người bạn tâm giao, vừa như người mẹ hiền dạy cho học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất.

Lớp học của những đứa trẻ “đặc biệt”Cô giáo Ngô Thị Hoa dạy bệnh nhân tự kỷ. (Ảnh nhân vật cung cấp, chụp trước 27-4-2021)

Những giáo viên… ở bệnh viện

Không có bục giảng, giáo viên mặc blue trắng, học trò là những em chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, không giao tiếp với mọi người xung quanh... Thậm chí có những em kèm theo rối loạn hành vi, cảm xúc, ăn những thứ không phải là đồ ăn, thích cào cấu, đánh người khác hoặc tự làm đau mình.… Đó là hình ảnh ở lớp học tại khu đơn nguyên Tâm bệnh thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

“Trong công việc này, quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, nhẫn nại, yêu thương trẻ và chia sẻ đồng cảm với những khó khăn, vất vả của những gia đình có trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển về tinh thần, thể chất, tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị.... Bản thân tôi luôn coi các cháu như người thân trong gia đình, nếu không sẽ rất khó giúp các cháu chữa lành được những thiếu sót và hòa nhập với bạn bè”, cô giáo Ngô Thị Hoa chia sẻ.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị Hoa đã dạy học ở một số nơi. Năm 2014, chị được chuyển về đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi công tác. 7 năm gắn bó với nghề, chị đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu trẻ mắc bệnh tự kỷ mà kể và mỗi cháu đều có những biểu hiện khác nhau. Do đó, với mỗi cháu, các cô phải xây dựng mỗi chương trình học khác nhau. Đó là cách để chị bước vào thế giới riêng, để dạy trẻ những kỹ năng cần thiết.

Bé Q.V.K (Thiệu Hóa) là một trong những bệnh nhân đang điều trị tại đây. K đã hơn 2 tuổi nhưng chưa nói được từ nào, không tương tác với những người xung quanh, thậm chí thường xuyên ăn vạ… Thấy con có nhiều dấu hiệu không giống những đứa trẻ bình thường, chị H cùng chồng đã đưa đến Bệnh viện Nhi khám thì mới biết con bị tự kỷ. Sau khi được bác sĩ tư vấn, không quản mưa, nắng, nhiều tháng liên tục chị H đưa con xuống đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để được can thiệp kịp thời.

Chị H xúc động nói: “Các cô giáo ở đây rất kiên trì, chăm các cháu như con đẻ của mình. Qua quá trình học, con tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều. Cháu đã chủ động hơn trong việc vệ sinh cá nhân, nói được một số từ đơn giản như mẹ, bà, bố… Những điều tuy đơn giản, nhưng là sự mong đợi, niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình tôi”.

Khu đơn nguyên Tâm bệnh thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, hiện có 1 BS CKI, 3 cán bộ tâm lý, 13 giáo viên, điều dưỡng, có trình độ từ đại học trở lên. Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ tự kỷ còn khó khăn gấp trăm lần. Thế nên để có thể bám trụ với nghề, mỗi giáo viên ở khoa đều có tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến đối với những đứa trẻ đặc biệt, với mong muốn các cháu có thể hòa nhập, phát triển bình thường cùng bạn bè trang lứa.

Được biết, lưu lượng khám tại đơn nguyên Tâm bệnh trung bình từ 400-500 bệnh nhân/tháng; mỗi ngày đơn nguyên tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng 90-100 trẻ nghi ngờ tự kỷ và tự kỷ. Con số này đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế không phải những người làm cha, mẹ nào cũng hiểu đúng về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ huynh khi cho con đến học đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp tốt nhất.

Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: “Can thiệp sớm nên được thực hiện ngay sau khi phát hiện những khó khăn của trẻ, tuổi can thiệp tốt nhất là 2 - 4 tuổi, “giai đoạn vàng” là trước 3 tuổi. Để cho việc can thiệp trẻ tự kỷ có hiệu quả thì vai trò của cha mẹ rất quan trọng, chiếm tới 50% kết quả đạt được".

Nặng lòng với trẻ tự kỷ

Chị Trần Thị Dung, Giám đốc Trung tâm chuyên biệt Bầu Trời Xanh đã có nhiều năm gắn bó trực tiếp với các cháu bị tự kỷ. Gần 10 năm trong nghề, chị Dung có nhiều kỷ niệm, mà ở đó có những niềm vui tưởng như đơn giản như khi các con ôm, nắm tay thể hiện tình cảm, bập bẹ những từ yêu thương... cũng đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến của các chị.

Chị đến với nghề như một cơ duyên. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Khoa Tâm lý, Trường Đại học Hồng Đức, chị được người quen giới thiệu vào làm việc tại một phòng khám nhi ở TP Thanh Hóa. Đây là quãng thời gian chị được tiếp xúc với các trẻ tự kỷ. Thế nhưng, chị cũng phải chật vật, khó khăn lắm mới làm quen được với các cháu. Thế rồi, chị quyết định đi học 3 tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương về phương pháp dạy trẻ tự kỷ. Khi có kiến thức, chị tự tin hơn với việc tiếp xúc với các cháu và xác định sẽ gắn bó với công việc này suốt đời.

10 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, có rất nhiều kỷ niệm mà chị không thể quên được. Câu chuyện về cậu bé D.M.L ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) được chị dạy cách đây nhiều năm là một ví dụ. L là cậu bé kháu khỉnh, nhưng khi được bố mẹ đưa đến lớp cháu chỉ ngồi một chỗ, rất bướng bỉnh, không chịu tương tác với cô giáo. Kiên trì khoảng 2 tuần bằng nhiều phương pháp khác nhau, chị Dung mới làm quen được với cháu L. Qua quá trình học, bằng sự tận tâm của giáo viên, cháu đã chủ động hơn trong công việc cá nhân hàng ngày, phát triển ngôn ngữ. Sau đó gia đình L gặp biến cố, chị Dung nhiệt tình đến tận nhà để dạy học miễn phí cho L và hạnh phúc khi cháu tiến bộ hàng ngày.

Tuy nhiên trong quá trình dạy học, chị nhận ra rằng, nhu cầu trẻ tự kỷ học là rất nhiều. Do gia đình chưa hiểu về bệnh, nên nhiều trẻ tự kỷ không được can thiệp sớm, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng. Điều đó đã thôi thúc chị quyết định mở Trung tâm chuyên biệt Bầu Trời Xanh vào năm 2014, với 2 cơ sở: Cơ sở 1 ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), Cơ sở 2 ở phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn). Hiện trung tâm có 30 thầy, cô giáo đều có trình độ đại học, với gần 100 trẻ tự kỷ theo học.

Chị Dung chia sẻ: “Bản thân làm công tác quản lý nhưng cũng đồng thời làm giáo viên để hỗ trợ các giáo viên khác trong quá trình dạy trẻ tự kỷ có hiệu quả. Điều quan trọng nhất để gắn bó với nghề, bên cạnh kiến thức chuyên môn là tình yêu trẻ. Khi có đủ những điều đó, thì khó đến mấy cũng sẽ vượt qua. Càng gắn bó với các cháu, mình lại thêm nhận ra ý nghĩa và hạnh phúc từ cuộc sống. Mỗi lần được học trò ôm, thể hiện tình cảm, bập bẹ những tiếng đầu tiên như: cô, ba, mẹ và nhiều lần được phụ huynh điện thoại khoe con có nhiều tiến bộ, tôi vui lắm”.

Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]