(vhds.baothanhhoa.vn) - Học nghề đang là một hướng đi mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực được nhiều bậc phụ huynh và học sinh quan tâm khi chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để vừa lấy bằng nghề vừa lấy bằng THPT sau khi tốt nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mô hình đào tạo 9+: Hướng đi mới thu hút học sinh sau THCS

Học nghề đang là một hướng đi mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực được nhiều bậc phụ huynh và học sinh quan tâm khi chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên để vừa lấy bằng nghề vừa lấy bằng THPT sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ giúp các bạn học sinh (HS) có thể rút ngắn được thời gian học tập, tiết kiệm tiền bạc cho gia đình, xã hội mà học theo hình thức mới này, các bạn còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Giảm học phí, vay được vốn ngân hàng... Đặc biệt, chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề bỏ qua bậc học THPT còn là hướng đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức hội nhập quốc tế.

Năm học 2019 - 2020, nhằm góp phần thực hiện chính sách phân luồng sau THCS, thu hút HS lớp 9 vào học nghề, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho HS tốt nghiệp THCS. Việc tuyển sinh trình độ CĐ nghề chính thức bổ sung thêm 2 đối tượng gồm: HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ (phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp); người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn trong giờ thực hành nghề may tại xưởng.

Theo đề án, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện mục tiêu này, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các trường THCS và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp tư vấn hướng nghiệp, qua đó định hướng cho HS sớm có lựa chọn nghề nghiệp và hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội.

Ông Phạm Đức Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn cho biết: Năm học 2018 - 2019, huyện Nga Sơn có 1.783 HS tốt nghiệp lớp 9, trong đó có 1.387 HS đăng ký dự thi vào lớp 10. Còn lại khoảng gần 400 HS lựa chọn học nghề hoặc lao động tại địa phương.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, tại Nga Sơn, chỉ duy nhất Trường THPT Mai Anh Tuấn tuyển đủ chỉ tiêu, 2 trường còn lại là THPT Ba Đình và THPT Nga Sơn thiếu từ 31 - 51 chỉ tiêu tuyển sinh. Thay vì lựa chọn thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, nhiều HS sau tốt nghiệp THCS đã chọn hướng đi mới là học nghề.

Theo thống kê của Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn, hiện đã có gần 350 HS sau tốt nghiệp THCS đăng ký học tại trường và sẽ được đào tạo song song chương trình văn hóa THPT và chương trình trung cấp nghề. Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho HS sau tốt nghiệp, với mức thu nhập từ 4 - 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn cho biết: Hằng năm chúng tôi tổ chức 2 đợt tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS. Chúng tôi không chỉ tư vấn để các em vào học tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn mà tư vấn để các em nhận thức đúng về việc học nghề và có lựa chọn phù hợp tại bất kỳ cơ sở nào. Hiện nay Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn đang đào tạo 7 nghề cơ bản. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ định hướng phát triển thêm 1 số nghề phù hợp với đối tượng HS nữ và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trên địa bàn để HS nhà trường sẽ được đào tạo kỹ năng, thái độ làm việc theo yêu cầu của doanh nghiệp và thực hành tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, ngay sau khi tốt nghiệp HS, SV nhà trường có thể đáp ứng ngay được yêu cầu công việc mà doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại.

Em Nguyễn Trọng Tín (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn) cho biết: Em vừa hoàn thành bậc học THCS và quyết định không thi vào THPT mà đăng ký học nghề. Gia đình em kinh tế khó khăn, bố mẹ đều phải lao động vất vả nên em muốn mình đi học nghề để có thể sớm phụ giúp gia đình. Em được các thầy cô trong trường tư vấn rằng lựa chọn học nghề em vẫn có thể học văn hóa, sau khi tốt nghiệp em sẽ có cả bằng THPT và bằng nghề để yên tâm lao động.

Theo thống kê, năm học vừa qua, toàn tỉnh có khoảng hơn 9.000 HS tốt nghiệp THCS không nộp đơn thi tuyển vào lớp 10 công lập, mà lựa chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động sản xuất tại gia đình (chiếm gần 25%). Tín hiệu này cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được nâng lên, phụ huynh và HS đã thấy được lợi ích của việc học nghề, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, vừa có công việc sớm và ổn định trong khi đó, cơ hội học tiếp lên cao đẳng, đại học vẫn còn nếu có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, SởLĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân của những tín hiệu tích cực này là các trường THCS, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp. Bên cạnh đó nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy cũng như tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trong khi nhiều cử nhân ĐH phải chịu cảnh thất nghiệp, thì đa số HS, SV các trường nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, thậm chí, được trả lương ngay trong thời gian thực tập.

Để tiếp tục làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, góp phần thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, cần có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THCS; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh, HS và toàn xã hội hiểu được tầm quan trọng của việc phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]