(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), mỗi chúng ta nghĩ đến vấn đề gia đình bền vững. Nó là một điều kiện cho hạnh phúc của mỗi con người, là yếu tố quan trọng cho ổn định xã hội, tiền đề cho sự phát triển của đất nước. Nhưng làm thế nào để có gia đình bền vững?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp tâm hồn và hạnh phúc gia đình

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), mỗi chúng ta nghĩ đến vấn đề gia đình bền vững. Nó là một điều kiện cho hạnh phúc của mỗi con người, là yếu tố quan trọng cho ổn định xã hội, tiền đề cho sự phát triển của đất nước. Nhưng làm thế nào để có gia đình bền vững?

Tình yêu là cơ sở để hôn nhân bền vững. Trong rất nhiều gia đình, vợ chồng thương nhau đến già, hình như càng sống với nhau họ càng yêu nhau hơn, già rồi mà họ vẫn chiều chuộng nhau, chăm sóc nhau, người ngoài nhìn thấy còn cảm kích, xúc động.

Và điều đáng nói hơn nữa là trong số nhiều gia đình rấtbền vững đó, có cả không ít cặp vợ chồng lấy nhau không vì tình yêu. Ngày xưa, theo đạo tam tòng, nguyên lý đạo đức của xã hội phong kiến, phần đông phụ nữ lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Thế nhưng, họ vẫn hạnh phúc sống với nhau đến đầu bạc răng long, làm nên sự nghiệp, nuôi dạy con cái trưởng thành. Lấy rồi mới yêu và càng sống họ càng yêu nhau thắm thiết. Vì sao như vậy?

Sống với nhau qua thực tiễn làm ăn, lo toan, qua thử thách mọi mặt của đời thường, họ nhận ra nửa kia của đời mình là người có tình thương, thương mình thương cả anh em nhà mình, biết vì người khác, trong khó khăn thì chung vai gánh vác, trong hưởng thụ thì nhường nhịn sẻ chia, trước lỗi lầm của người khác thì độ lượng bao dung, với mình thì “tiên trách kỳ hậu trách nhân”, biết vui trước niềm vui của người khác, biết đau trước nỗi đau của người chung quanh, biết trọng lương tâm và danh dự. Đó là người nhân cách, tình cảm và tâm hồn của họ đẹp đẽ và cao thượng.

Nét đẹp tâm hồn đó của người này hấp dẫn, cảm hóa người kia, làm cho người kia thấy thương, mến, tôn trọng và khâm phục, làm nảy sinh tình yêu nếu chưa yêu nhau, làm tình yêu sâu đậm hơn nếu tình yêu đã có.

Khi yêu nhau ban đầu, họ cảm nhau bằng hình thức bên ngoài, màu da, nước tóc... Nét xuân sắc ấy lại phai nhạt theo thời gian, tuổi tác do sự vất vả của cuộc sống mưu sinh. Ngược lại, qua thời gian nét đẹp tâm hồn càng đẹp, qua cuộc sống hiểu biết kinh nghiệm dồi dào, với nét đẹp tâm hồn, xử sự của con người càng tinh tế hơn, ý nhị hơn, vẻ đẹp tâm hồn bộc lộ ra càng đẹp hơn. Cả trong khó khăn túng thiếu, tâm hồn đã đẹp càng rạng rỡ hơn, càng ngời sáng hơn.

Mặt khác, có nét đẹp tâm hồn như vậy, con người sống vô tư thoải mái hơn, không băn khoăn day dứt, không giằng xé lương tâm, do đó nụ cười của họ tươi tắn hơn, nét mặt luôn thanh thản, nét thanh xuân của con người sẽ kéo dài hơn.

“Gia đình - điểm tựa yêu thương” là chủ đề của Ngày Gia đình năm 2018, nhằm kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.

Có trường hợp vì lý do nào đó tình yêu không còn, nhưng với tấm lòng nhân ái, tâm hồn cao đẹp họ vẫn sống với nhau yên ổn vì hạnh phúc của những đứa con, vì danh dự của bản thân và gia đình. Không còn tình yêu, họ vẫn đối xử với nhau như những con người, nhân hậu, đức độ.

Hoặc có trường hợp dù không sống được với nhau, họ chia tay mà vẫn tôn trọng nhau, vẫn tạo điều kiện cho nhau xây tổ ấm mới. Nếu có chia bồi tài sản, họ nhường nhau rộng rãi cao thượng. Nếu có con chung, họ vẫn tạo điều kiện cho mỗi người thể hiện tình cảm với đứa bé, thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Họ chia tay nhau lịch sự, nhân đạo. Người đời vừa buồn tiếc vừa khâm phục, kính trọng họ.

Ngược lại, có nhiều trường hợp trước khi cưới, họ tìm hiểu kỹ càng, rất đẹp đôi, cân bằng cả tài sắc lẫn năng lực kinh tế, địa vị xã hội, hai bên gia đình “môn đăng hộ đối”. Thế nhưng, không ít cặp trong đó, lại phải ly dị “anh đi đường anh tôi đường tôi”, vì sao như thế?

Sau thời gian chung sống, đối mặt với những khó khăn của đời thường, vất vả về mưu sinh cơm gạo áo tiền, đói no, thiếu đủ... bản chất con người phát lộ. Dần dần họ nhận ra người kia của đời mình là kẻ ích kỷ, nhân cách thấp hèn, không có lòng tự trọng, chỉ biết có mình, và vì mình. Bản chất đó ở một người hoặc cả hai người làm nảy sinh mâu thuẫn, xung đột không thể điều hoà được. Cùng với đó thì tình yêu mất dần, họ lộ mặt thật với nhau: tàn bạo, triệt hạ, bôi bẩn nhau. Theo thời gian, cái xấu về tình cảm tâm hồn bộc lộ rõ, đầy đủ, sâu sắc. Việc ly hôn của họ là tất yếu và nặng nề. Chia tay và xem nhau như những kẻ thù, nếu có phân chia tài sản thì giành nhau từ chổi cùn, giẻ rách, nhỏ nhen bần tiện. Họ độc chiếm con (nếu có) hoặc vô trách nhiệm với con. Có khi họ còn bày trò cấm vận nhau.

Như vậy, nét đẹp tâm hồn, tình cảm quan trọng biết nhường nào với sự bền vững của gia đình. Ở các gia đình hạnh phúc, các thành viên biết yêu thương nhau, tôn trọng nhau, gia đình bền vững vì ở họ tình cảm, tâm hồn rất đẹp.

Để có tình cảm tâm hồn cao quý, trước hết con người phải có lòng nhân ái, biết thương người như thể thương thân là chữ tâm. Phật Thích ca nói: “Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người”, thiếu điều này, con người sống với nhau đã khó, vợ chồng sống với nhau càng khó hơn. Nguyễn Du viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, còn Goethe đại văn hào Đức thì nói “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Tình thương, chữ tâm là nền tảng để con người có cách sống tốt đẹp, cao thượng, có nhân cách, lòng tự trọng, nguồn gốc của đạo đức. Tầm cao văn hoá, là yếu tố cần thiết đầu tiên để gia đình bền vững.

Lê Văn Bài


Lê Văn Bài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]