(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo nghề “mọc lên” ngày càng nhiều, tuy nhiên, việc đào tạo nghề hiện chưa phát huy được hiệu quả và chưa thực sự phù hợp với người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn, bất cập từ các cơ sở dạy nghề

(VH&ĐS) Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo nghề “mọc lên” ngày càng nhiều, tuy nhiên, việc đào tạo nghề hiện chưa phát huy được hiệu quả và chưa thực sự phù hợp với người dân.

Đìu hiu cơ sở dạy nghề

Nằm cách thị trấn khoảng 3 km, Trung tâm Dạy nghề huyện Thọ Xuân mặc dù được đầu tư khá khang trang với 1 dãy nhà cao tầng để làm nhà xưởng thực hành, bên cạnh đó còn khu nhà lý thuyết đang chuẩn bị xây dựng và đội ngũ cán bộ giáo viên 11 người, thế nhưng theo chúng tôi được biết thì từ nhiều năm nay trung tâm này hoạt động chưa thật sự hiệu quả.

Thầy Hoàng Văn Công - Phó GĐTTDN huyện cho biết: Hàng năm, nhiệm vụ chính của trung tâm chủ yếu là mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo nghề nông thôn 1956, và một vài lớp đào tạo dưới hình thức liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

TTDN huyện Thọ Xuân được đầu tư khang trang nhưng trong tình trạng cửa đóng then cài.

Cũng trong tình trạng đìu hiu, Trường Trung cấp Nghề Quảng Xương được đầu tư khu nhà hai tầng với 8 phòng, mới đây khu công sở của UBND xã Quảng Phong chuyển sang địa điểm mới tiếp tục bàn giao thêm 9 phòng khác cho nhà trường. Với hệ thống cơ sở khang trang và đăng ký 7 ngành nghề đào tạo nhưng những năm qua trường chỉ tuyển sinh được rất ít học sinh, gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất.

Còn tại TTDN huyện Như Xuân mặc dù trong những năm qua trung tâm rất nỗ lực cố gắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp học nghề cho lao động xuống đến tận thôn, bản nhưng kết quả thu được cũng không mấy khả quan. Theo quan sát của chúng tôi ở đây không thấy có bóng dáng học sinh đến học nghề. Tại phòng dạy sửa chữa điện tử, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư khá hiện đại nhưng cũng chỉ để trưng bày.

Theo thống kê của Phòng Đào tạo nghề, Sở LĐ,TB&XH tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 98 cơ sở dạy nghề (trong đó có 44 cơ sở ngoài công lập). Thực tế hiện nay, tình trạng các trường, các TTDN đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng ít hoặc không sử dụng đang diễn ra khá phổ biến. Phải chăng, đó là kết quả của việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề và ngành nghề không phù hợp.

Người dân không hào hứng

Chủ trương của đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu tập trung vào các nghề phi nông nghiệp. Điểm mấu chốt trong đào tạo nghề phi nông nghiệp lại là việc kết nối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không định hướng được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học. Thế nhưng, thực tế hiện nay cơ cấu đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu đào tạo các nghề nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp vẫn còn khó khăn do lao động không có nhu cầu học. Một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức được vai trò của đào tạo nghề, thiếu nghiêm túc trong học tập. Nhiều người chưa có việc làm ổn định nhưng không đăng ký học nghề... khiến chất lượng đào tạo thấp cũng là dễ hiểu.

Khi hỏi một số người nông dân vì sao bà con không muốn học nghề lao động nông thôn dẫu được đào tạo miễn phí, họ trải lòng: Học để biết kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cũng thích lắm nhưng học từ 1 đến 3 tháng thì chỉ “cưỡi ngựa, xem hoa”. Mặt khác do nông dân khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, sản phẩm làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, không được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì không thể tự tạo việc làm. Điều này khiến không ít hộ sau khi học nghề đành phải bỏ ngang hoặc làm không tới nơi tới chốn vì khó khăn về vốn và kỹ thuật.

Còn đối với một số lao động miền núi, họ cho rằng: hầu hết người lao động chúng tôi là đồng bào dân tộc thiểu số thích lao động tự do tại nương rẫy quê nhà, không quen với lao động có tác phong công nghiệp, nên rất ít người đi làm việc tại các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh, mặc dù đã được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm miễn phí.

Bên cạnh đó, thì một điều dễ nhận thấy đó là hiện nay nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng “giẫm chân lên nhau”. Thêm vào đó, đội ngũ giảng viên dạy nghề chắp vá, trang thiết bị của trường còn hạn chế nên không thu hút được học sinh, sinh viên.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào gỡ khó cho các cơ sở dạy nghề. Hiện nay, Thanh Hóa đang có đề án sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Hy vọng rằng với Đề án này các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh sẽ mở ra một bức tranh mới.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]