(vhds.baothanhhoa.vn) - Từng cơn gió hun hút thổi cuốn theo những chiếc lá vàng nhẹ rơi trên sân trường nhưng không làm mất đi niềm vui rạng ngời của 435 học sinh trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Thọ Xuân đang chăm chú lắng nghe em cựu học sinh Lê Văn Ngà trao đổi tại buổi hoạt động ngoại khóa vào một buổi chiều đầu đông cuối tháng 10-2021.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi ấy ấm tình thầy trò

Từng cơn gió hun hút thổi cuốn theo những chiếc lá vàng nhẹ rơi trên sân trường nhưng không làm mất đi niềm vui rạng ngời của 435 học sinh trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Thọ Xuân đang chăm chú lắng nghe em cựu học sinh Lê Văn Ngà trao đổi tại buổi hoạt động ngoại khóa vào một buổi chiều đầu đông cuối tháng 10-2021.

Lê Văn Ngà là cựu học sinh khóa học đầu tiên (1991-1994) của trường THCS Lê Thánh Tông (nguyên là trường PTCS chuyên Thọ Xuân được thành lập vào năm 1991).

Quê em ở xã Phú Yên nằm bên vùng tả ngạn sông Chu, cách trường hơn 7 km. Ngày ấy bắc qua sông chỉ có cầu phao nhỏ. Những ngày mưa lũ cầu phao bị cắt nên học sinh phải đi đò đến trường rất nguy hiểm. Nhưng trong suốt 4 năm học, cậu học trò có dáng người nhỏ nhắn ấy vẫn bền bỉ đi học dù mưa to, bão lũ. Em nguyên là học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh. Trong nhiều năm học, Ngà luôn là một học sinh xuất sắc của trường. Tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Ngà công tác trong ngành dầu khí và hiện nay em là Chủ tịch Hội đồng quản trị dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC Thanh Hóa.

Là một học sinh chuyên Toán từ nhỏ, khi trưởng thành công tác trong ngành kỹ thuật nhưng Ngà có vốn kiến thức sâu rộng và rất say mê đọc sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại buổi giao lưu, Ngà đã giúp cho các em nhỏ hiểu thêm về kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, đồng thời khơi gợi được niềm đam mê đọc sách. Lời trò chuyện chân thực, gần gũi của em là những bài học quý giá cho các bạn nhỏ hôm nay.

Nơi ấy ấm tình thầy trò

Cựu học sinh Lê Văn Ngà (bên trái ảnh) cùng đại diện cựu học sinh trong buổi giao lưu tại trường THCS Lê Thánh Tông, Thọ Xuân.

Về thăm trường lần này, Ngà đã trao tặng cho thư viện của nhà trường hơn 200 cuốn sách với 98 đầu sách tham khảo, truyện phục vụ việc học tập, giải trí cho các bạn học sinh và tri ân cho nhà trường với số tiền mặt là 50 triệu đồng trong đó 20 triệu đồng để trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, 30 triệu đồng hỗ trợ cho lễ tổ chức kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Em còn trao tặng sách, các thiết bị hỗ trợ dạy học như ti vi màn hình lớn, máy tính và quỹ học bổng cho 7 trường khác trong huyện Thọ Xuân trị giá gần 400 triệu đồng.

Nơi ấy ấm tình thầy trò

Trường THCS Lê Thánh Tông trong buổi giao lưu.

Nhìn Ngà say sưa giao lưu và tặng sách cho các em nhỏ làm tôi nhớ lại hình ảnh của bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ mái trường trong suốt 30 năm qua. Các em đã thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đem tài năng và trí tuệ của mình xây dựng quê hương đất nước. Nhiều em trở thành phó giáo sư, tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Một trong những tấm gương tiêu biểu ấy là trung tá Trịnh Lê Hùng, sinh năm 1982, cựu học sinh trong đội tuyển môn Toán của trường, quê xã Phú Yên, Thọ Xuân. Trong những năm 80 của thế kỉ XX hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhưng Hùng luôn chăm chỉ và nỗ lực vươn lên trong quá trình học tập. Em đạt giải ba môn Toán lớp 9 cấp tỉnh và học chuyên Toán trường THPT chuyên Lam Sơn. Ba mươi tuổi em đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ tại Nga, chuyên ngành viễn thám. 34 tuổi được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành khoa học Trái Đất (PGS trẻ nhất quân đội đợt phong 2016).

Tuy học tập, công tác ở mọi miền đất nước và nước ngoài nhưng mỗi lần về thăm lại ngôi trường yêu dấu bao thế hệ học trò đều nhắc tới tấm lòng tận tụy, say sưa yêu nghề, yêu trẻ của các thầy cô. Bao kỷ niệm xưa được các em thay nhau kể lại rõ ràng từng chi tiết nhỏ, từ việc thầy cô bị ốm nhưng vẫn cố gắng lên lớp nên ngã gục trên bục giảng, đến cả những lần các trò nghịch ngợm bị thầy cô giáo phạt trực nhật, tưới cây, viết bản kiểm điểm...

Lời kể của các em gợi nhắc trong tôi về một thời gian khó của nhà trường trong những năm đầu thập kỉ 90 ở thế kỉ XX khi trường mới thành lập. Ngày ấy cơ sở vật chất của nhà trường còn rất nghèo nàn. Lớp học là những dãy nhà cấp bốn cũ kĩ, tồi tàn. Dù đã tu sửa hàng năm nhưng có những hôm mưa to nước dột cả xuống trang giáo án của thầy cô và vở học trò nhòe cả mực. Khi mùa hè đến, ngồi trong lớp nhưng người vẫn ướt đẫm mồ hôi vì ngày ấy chưa có quạt lắp ở các phòng học. Bàn ghế gỗ 5 chỗ ngồi đã cũ, ọp ẹp, mối mọt, có những lần ghế gãy làm cả bàn ngã xuống đất. Những chiếc bảng xi măng, bảng gỗ thầy trò sơn đi, sơn lại bằng lá khoai và ruột pin viết đen hết cả tay... Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, thiếu thốn về vật chất, ánh mắt học trò vẫn chăm chú nhìn lên bảng, ghi nhớ từng lời giảng của thầy cô. Rồi mỗi năm học trôi qua, từ mái trường này lớp lớp thế hệ học sinh khôn lớn trưởng thành. Các em như những cánh chim vững vàng, bay đi khắp bốn phương trời xa nhưng trong ký ức mỗi học trò luôn nhớ về mái trường mến yêu ấm tình thầy trò.

Khi trò chuyện với các bạn nhỏ, Ngà gợi nhắc về những năm tháng học tập của thế hệ các em và tình cảm của thầy cô làm tôi nhớ về một thời gian khó của giáo viên. Ngày ấy, lương giáo viên còn rất thấp, đời sống khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng các thầy, cô giáo như thầy Nguyễn Văn Vinh, cô Lê Thị Huyền, thầy Trần Văn Hào, cô Phạm Thị Tố Hoa, cô Lê Thị Liễu, cô Hà Thị Tuyết, cô Trịnh Thị Hòa... và bao thầy cô khác vẫn cặm cụi, say sưa bên ánh đèn khuya viết từng trang giáo án, tìm cách giải hay, sưu tầm những bài thơ, bài văn để truyền đạt cho học trò.

Do gia đình của một số em ở xa trường, phương tiện đi lại khó khăn nên được các thầy cô đón về nhà chăm sóc và kèm cặp trong mùa ôn thi đội tuyển học sinh giỏi dù kinh tế nhà giáo rất eo hẹp.

Những bữa cơm độn khoai, sắn ấm tình thầy trò vẫn được các cựu học sinh nhắc tới bằng lời kể đầy xúc động trong mỗi lần gặp mặt, giao lưu. Đó là những kỷ niệm ấm lòng người thầy đồng thời nhắc nhở bao thế hệ thầy cô và học trò đang công tác học tập dưới mái trường THCS Lê Thánh Tông hôm nay luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường.

Kết thúc buổi giao lưu hôm ấy Ngà cùng các bạn tạm biệt thầy cô ra về, hẹn sẽ trở lại thăm trường khi điều kiện cho phép. Những lời thăm hỏi, chúc mừng cùng những việc làm đầy ý nghĩa của em và các thế hệ học trò làm ấm lòng người thầy trong đêm đông giá lạnh miệt mài bên trang giáo án.

Trịnh Thị Hường


Trịnh Thị Hường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]