(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều năm trở lại đây do số học sinh, số lớp giảm, nhiều trường có số lớp quá ít nên mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT của tỉnh Thanh Hóa đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. Chính vì vậy, sắp xếp, sáp nhập trường học hiện đang là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo quy mô trường học theo chuẩn, tránh đầu tư dàn trải, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa: Sắp xếp mạng lưới trường học, nâng cao chất lượng giáo dục (Bài 1): Sắp xếp trường học - xu thế tất yếu

(VH&ĐS) Nhiều năm trở lại đây do số học sinh, số lớp giảm, nhiều trường có số lớp quá ít nên mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT của tỉnh Thanh Hóa đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. Chính vì vậy, sắp xếp, sáp nhập trường học hiện đang là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo quy mô trường học theo chuẩn, tránh đầu tư dàn trải, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Xuất phát từ thực tế Thanh Hóa hiện có nhiều trường tiểu học, THCS hạng 2, hạng 3 (có quy mô nhỏ) chiếm số lượng lớn; các trường mầm non, tiểu học ở khu vực miền núi còn nhiều khu lẻ, cơ sở vật chất không bảo đảm cho việc dạy và học, gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên, nhất là trong hoạt động chuyên môn; nhiều trường thiếu quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia; khoảng cách vị trí địa lý giữa các trường không phù hợp... ảnh hưởng đến việc chỉ đạo dạy và học trong nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ tháng 12/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 5308 về việc “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án).

Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 34 trường thực hiện sáp nhập trường học, trong đó sáp nhập 10 trường tiểu học, 23 trường tiểu học và THCS, 1 trường THCS.

Các em học sinh Trường TH&THCS Hoằng Đức những ngày đầu mới sáp nhập.JPG

Các em học sinh Trường TH&THCS Hoằng Đức những ngày đầu mới sáp nhập.

Là một trong những trường học “đi tắt đón đầu” xu thế do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức (huyện Hoằng Hóa) được sáp nhập vào tháng 8/2013 từ 2 trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức. Đây là một trong những trường được đánh giá cao với nhiều thành công trong quản lý mô hình trường 2 cấp học. Cô Lê Thị Bích Nga - Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: Khi ấy, trường tiểu học có 7 lớp, còn trường THCS có 5 lớp, phòng học của cả 2 trường dư thừa nhiều do số học sinh ngày càng giảm. Việc xây dựng phòng chức năng cho từng cấp học gặp nhiều khó khăn do địa phương không đủ kinh phí. Sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất của 2 cấp học được tận dụng để sử dụng chung. Các phòng học thừa được cải tạo thành các phòng chức năng như: phòng thư viện, tin học, phòng truyền thống, y tế, chữ thập đỏ...

Chính việc sáp nhập 2 trường thành trường học liên cấp đã tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây dựng NTM tại địa phương. Ngoài ra, việc sáp nhập trường còn giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn đặc thù, nhân viên hành chính. Thuận lợi cho việc theo dõi lực học của học sinh, ràng buộc trách nhiệm của giáo viên trong nâng cao chất lượng dạy học từ cấp tiểu học đến THCS; tạo thuận lợi trong chỉ đạo chuyên môn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9, thuận lợi trong điều hành công việc của nhà trường từ chuyên môn đến các hoạt động khác...

Bên cạnh đó, do lực lượng giáo viên đông nên các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn. Hiện nay, sau gần 4 năm thực hiện sáp nhập, nhà trường đã được công nhận chuẩn quốc gia với cấp tiểu học đạt chuẩn mức độ 2, cấp THCS đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục nhà trường được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và chất lượng học sinh thi đầu vào THPT.

Khác với Trường Tiểu học - THCS Hoằng Đức, năm học 2017 - 2018 là năm đầu tiên Trường Tiểu học - THCS Trung Ý (huyện Nông Cống) thực hiện sáp nhập 2 cấp học. Sau khi sáp nhập cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư khang trang, có đầy đủ phòng học bộ môn, phòng chức năng với trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học của nhà trường. Đội ngũ giáo viên có đông hơn nhưng rất đoàn kết đã giúp hoạt động đoàn thể của trường sôi nổi hơn, tạo không khí thi đua thúc đẩy thầy và trò tích cực hơn trong giảng dạy, học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy giáo Đinh Viết Đồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Trung Ý tâm sự: Thực hiện việc sáp nhập trường thành công là nhờ quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương cũng như sự nỗ lực cố gắng của các thầy, cô giáo và học sinh 2 nhà trường. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tổ chức các hoạt động rất hiệu quả và trôi chảy. Nội bộ trong trường rất đoàn kết, thầy cô cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện thành công chủ trương sáp nhập trường học của huyện Nông Cống.

Theo lộ trình, đến năm 2020, sau khi sắp xếp, cơ cấu lại, tổng số trường học từ bậc mầm non đến bậc THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 1.898 trường (giảm 122 trường so với năm 2014), cụ thể là: mầm non 659 trường (giữ nguyên); tiểu học 616 trường (giảm 92 trường); THCS 543 trường (giảm 90 trường); tiểu học và THCS 73 trường (tăng 59 trường); THCS và THPT 7 trường (tăng 1 trường). Sau năm 2020, kinh phí trả lương, phụ cấp, chi phí hành chính mỗi năm dự kiến tiết kiệm được khoảng 60 tỷ đồng; nhân lực trong ngành giáo dục giảm 1.149 người.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Quan điểm của tỉnh là để các địa phương tự lựa chọn phương án sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình; đồng thời vận dụng linh hoạt phương án sắp xếp. Điều ghi nhận là mạng lưới trường lớp học sau khi sắp xếp đã được bố trí hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường; quy mô các nhà trường sau sáp nhập cũng đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường. Công tác quản lý nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]