(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đề án ‘Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020’ được coi là một cuộc ‘cải tổ’ toàn diện nhằm quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cán bộ, giáo viên, phù hợp với định hướng phát triển giáo dục trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, thực hiện đồng bộ để đề án đạt hiệu quả cao nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa: Sắp xếp mạng lưới trường học, nâng cao chất lượng giáo dục (Bài cuối): Những vấn đề đặt ra khi sáp nhập trường học

(VH&ĐS) Đề án ‘Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020’ được coi là một cuộc ‘cải tổ’ toàn diện nhằm quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cán bộ, giáo viên, phù hợp với định hướng phát triển giáo dục trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, thực hiện đồng bộ để đề án đạt hiệu quả cao nhất.

Năm học 2013 - 2014, huyện Như Xuân đã tiến hành sáp nhập Trường TH Yên Lễ và Trường THCS Yên Lễ thành Trường TH và THCS Yên Lễ. Các xã Cát Vân, Thanh Hòa, Tân Bình cũng thực hiện sáp nhập trường TH và THCS trên địa bàn thành trường TH và THCS. Tuy nhiên, ngay sau khi sáp nhập đã nảy sinh một số khó khăn, bất cập vì 2 khối chuyên môn nên trong một buổi họp không thể tập trung thảo luận sâu; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng vẫn phải báo cáo riêng từng bậc học như 2 trường riêng biệt; việc đi lại của cả giáo viên và học sinh, gặp nhiều khó khăn...

Tìm hiểu tại Trường TH và THCS Tân Bình (xã Tân Bình), bà Lê Thị Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi sáp nhập nhà trường có 1 khu chính và 2 khu lẻ là Tân Thắng và Đức Bình. Hiện thời, nhà trường tồn tại 3 chương trình, đó là: Chương trình giáo dục hiện hành, chương trình giáo dục công nghệ 1 và chương trình VNEN nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp điều hành. Bên cạnh đó, các khu lẻ lại cách khá xa nhau nên khó khăn trong việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Việc sáp nhập trường học vô hình chung còn làm giảm tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia của huyện Như Xuân bởi các trường TH Cát Vân, Tân Bình, Yên Lễ đều đã là trường chuẩn Quốc gia nhưng sau khi sáp nhập với THCS thành trường liên cấp thì lại chưa đạt chuẩn.

Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất của việc sáp nhập trường ở các huyện miền núi là việc tăng các điểm trường lẻ ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn cũng như đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường. Thực tế cho thấy việc sáp nhập các trường mới chỉ giảm được bộ máy quản lý, còn các điểm trường và số HS ở các điểm trường trước đây vẫn giữ nguyên, thậm chí, sau khi sáp nhập khoảng cách giữa điểm lẻ và trường chính còn xa hơn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của GV và HS.

Trường TH Ban Công, huyện Bá Thước là một ví dụ điển hình. Sau khi sáp nhập Trường TH Ban Thiết với Trường TH Ban Công thành Trường TH Ban Công thì trường hiện có 1 khu chính ở Thôn Sát (xã Ban Công) và 4 khu lẻ (trong đó khu lẻ Thiết Giang thuộc xã Thiết Ống xa khu chính tới hơn 10 km và bị chia cắt với khu chính bởi con sông). Điều này cũng đồng nghĩa với việc tập trung GV và HS từ các điểm lẻ về điểm trường chính để tổ chức các hoạt động chung của nhà trường là khó thực hiện. Việc đầu tư cơ sở vật chất dàn trải, bởi hàng năm điểm trường nào cũng có nhu cầu được đầu tư, nâng cấp...

Cô trò Trường TH Ban Công (Bá Thước).

Ông Nguyễn Tất Dũng, Hiệu trưởng Trường TH Ban Công cho biết: Hiện tại, cơ sở vật chất của các khu lẻ rất khó khăn. Khó khăn cả về bàn ghế, đồ dùng dạy học, nguồn nước và điều kiện làm việc của GV... Khi sáp nhập trường thì nên đồng bộ theo cả bộ máy nhằm tạo cho GV sự ổn định tâm lý; hợp đồng GV phải được đóng bảo hiểm; Tăng cường thêm kinh phí cho việc đi lại giữa các điểm trường, kinh phí chi trả lương cho bảo vệ bởi cả 5 điểm trường đều cần có người trông coi, bảo vệ.

Đây cũng là tình trạng chung của không ít địa phương khu vực miền núi khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp. Từ đó, đặt ra vấn đề nếu BGH các nhà trường quản lý không tốt, CB, GV không nêu cao tinh thần trách nhiệm thì việc nâng cao chất lượng giáo dục và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất như mục tiêu ban đầu của việc sáp nhập trường sẽ khó thành hiện thực.

Thêm một vấn đề được đặt ra là việc sắp xếp lại các trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều CBQL, GV, nhân viên. Mặc dù chưa thể thống kê chính xác đến khi hoàn thành đề án vào năm 2020 sẽ có bao nhiêu CBQL bị xuống cấp thậm chí là không còn là lãnh đạo mà trở thành nhân viên, GV và sẽ có bao nhiêu GV, nhân viên dôi dư. Vậy, làm thế nào để vừa sàng lọc được đội ngũ CBQL, GV có chất lượng, vừa tránh được tiêu cực trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại là một vấn đề cần được quan tâm và có phương án kịp thời.

Ông Trịnh Duy Hoan - Hiệu trưởng Trường TH Trường Minh (huyện Nông Cống) cho biết: Theo lộ trình của UBND huyện Nông Cống thì đến năm 2020, Trường TH Trường Minh sẽ sáp nhập với Trường THCS Trường Minh, tuy nhiên hiện nay nhà trường vẫn đang phấn đấu xây dựng và hoàn thành trường chuẩn Quốc gia trong năm học 2017 - 2018 để các em học sinh có cơ sở vật chất và điều kiện học tập tốt hơn.

Ông Hoan băn khoăn: “Việc sáp nhập trường sẽ khó khăn trong vấn đề quản lý bởi hoạt động chuyên môn của 2 cấp khác nhau. Thêm vào đó, theo kết quả điều tra phổ cập giáo dục, đến năm 2020 nhà trường sẽ có 10 lớp học nếu dồn trường thì sẽ gặp rất nhiều bất cập. Bản thân mỗi hiệu trưởng đều đã phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài và nghiêm túc mới được làm quản lý nhưng sau khi dồn trường, nhiều hiệu trưởng lại bị đưa xuống làm hiệu phó hoặc thậm chí là GV thì sẽ vô cùng thiệt thòi, bởi không ai muốn mình “đi xuống”.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước nêu ý kiến: Trong quá trình sáp nhập trường, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện đối với những hiệu trưởng về hưu, huyện sẽ để ra khoảng trống hiệu trưởng đó dành cho những trường sẽ sáp nhập trong thời gian tới. Đồng thời công khai xếp loại viên chức của các hiệu trưởng hàng năm cũng như kết quả lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường để làm căn cứ chọn hiệu trưởng khi cần. Bởi việc tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công khai như vậy thì những hiệu trưởng yếu hơn sẽ phải xuống làm hiệu phó hoặc phải chuyển đi trường khác sẽ không có thắc mắc hay băn khoăn điều gì.

Như vậy, để việc sáp nhập trường đạt kết quả như mong muốn, ngành chức năng cần có phương án cụ thể đối với việc sắp xếp đội ngũ CBQL, GV trước khi sáp nhập trường; có lộ trình sắp xếp cụ thể, phù hợp với thực tế từng địa phương, nhất là khi dân số sẽ tăng cơ học trong giai đoạn tới. Về phía chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các nhà trường đặc biệt là các điểm trường lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục như tinh thần của việc sáp nhập trường học đề ra.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]