(vhds.baothanhhoa.vn) - Càng gần đến ngày nhà giáo Việt Nam, tôi lại càng thêm nhớ đến người thầy của mình. Người đã ít nhất hai lần từ chối thuốc lá tôi mời, dù thầy nghiện thuốc.

"Thầy hút bao thuốc này là em mất mấy bữa cơm"...

Càng gần đến ngày nhà giáo Việt Nam, tôi lại càng thêm nhớ đến người thầy của mình. Người đã ít nhất hai lần từ chối thuốc lá tôi mời, dù thầy nghiện thuốc.

“Thầy hút bao thuốc này là em mất mấy bữa cơm”...

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chúng tôi học phổ thông hơn 30 năm trước, ở thời kỳ đất nước còn rất nhiều khó khăn, nhưng bù lại môi trường giáo dục vô cùng thân thiện.

Mỗi ngày chúng tôi chỉ học một buổi, khi gần thi đại học nhà trường đề nghị dạy tăng tiết không thu tiền. Chúng tôi cơ bản chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, họa hoằn thầy giáo mới tìm được cuốn sách tham khảo cả lớp cùng đọc, chuyền thay nhau đến nhầu nát, sau đó cuốn sách tiếp tục được thầy “gia cố” để phục vụ học sinh lớp sau.

Ở nhà chúng tôi tự làm bài hoặc học nhóm để cùng thảo luận những bài tập khó, chứ không phải cứ khó là lên mạng tra cách giải như bây giờ. Ai tìm ra cách giải thường được “thưởng” một củ khoai lang luộc ăn luôn tại bàn. Chỉ thế, nhưng nhiều người đậu đại học với số điểm cao, sau này đều thành đạt. Một môi trường giáo dục khó khăn nhưng “sạch” đúng nghĩa, có sự hỗ trợ đúng cách của gia đình, nhà trường, nhất là những người thầy dạy các môn thi đại học.

Ngoài học chúng tôi đều có trách nhiệm với trường, nhưng không phải là cách nộp tiền xây dựng cơ sở vật chất như bây giờ. Đó chỉ là những buổi lao động tập thể học sinh cùng đào ao cá Bác Hồ, trồng rau, xây tường rào bị hỏng… Những buổi lao động đầy ắp tiếng cười, học sinh cả trường biết nhau. Buổi chiều chúng tôi đạp xe đến thăm nhà nhau có khi cách xa gần chục cây số. Nhà trường quản lý học sinh bằng hình thức tự quản là chính, không có đội cờ đỏ, ít áp dụng kỷ luật, nhưng nền nếp luôn được giữ nghiêm. Ai vi phạm người nhà phải lên gặp giáo viên chủ nhiệm để cam kết mới được vào lớp, bằng không phải đứng ở cửa, và đó là sự xấu hổ tột cùng. Trò giữ mình, thầy có thời gian chuyên tâm vào chuyên môn hơn.

Có một kỷ niệm đến giờ tôi còn nhớ, khi chuẩn bị thi đại học thầy giáo dạy môn Lịch sử đặt vấn đề đến nhà thầy học thêm, nhưng thầy không thu tiền.

Biết thầy nghiện thuốc lá chúng tôi gom tiền mua bao thuốc Thu Bồn, là loại thuốc sang lúc đó để biếu thầy, nhưng thầy không hút. Chúng tôi cố để lại thì hôm sau thầy đưa cho chúng tôi số tiền bằng giá mua bao thuốc lá. Thầy không nhận quà, chỉ là nhờ chúng tôi mua thuốc. Chúng tôi nhìn thầy, một đứa chạy lại ôm thầy, những đứa khác cũng chạy đến nức nở.

Khi tôi đang học đại học nghe tin thầy được chuyển công tác lên làm chuyên viên Phòng Phổ thông, Sở Giáo dục Thanh Hóa, về thăm thầy tôi mua bao thuốc lá Lotus - là loại thuốc sang lúc đó do Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa sản xuất để biếu thầy, nhưng vẫn phong cách ấy, thầy nhất mực từ chối. Thầy bảo: “Thầy hút bao thuốc này là em mất mấy bữa cơm”.

Đúng là để có bao thuốc ấy tôi phải cắt mấy phiếu ăn cơm nhà bếp. Tôi không nói, thầy cũng không nói thêm, nhưng đều biết chỉ một sự vụ lợi dù nhỏ thôi là tình cảm thầy trò sẽ không còn vẹn nguyên.

Sau khi nghỉ hưu thầy ốm hơn, thường phải nằm viện. Nhưng hạnh phúc nhất mà thầy có được là dù nằm viện ở quê, ở bệnh viện tỉnh hay có những lần ra tuyến Trung ương, nhưng biết là nhiều học sinh tìm đến chơi với thầy. Với chúng tôi, thầy không chỉ đem đến kiến thức để thi đậu đại học, mà còn là kiến thức để làm người có trách nhiệm.

Với thầy, với chúng tôi, đó là một thứ tình cảm rất tự nhiên, không giống những gì mà nhiều học sinh bây giờ đang trải qua.

Đúng là điều gì chân thành thì có muốn bỏ cũng khó. Còn những thứ thiếu trong sáng, có cố ép đến mấy cũng chỉ là sự khiên cưỡng, như nước chảy qua lá, ướt rồi lại khô.

Giáo dục mỗi thời kỳ một khác nhưng tựu chung đều vì sự nghiệp “trồng người”. Giáo dục hôm nay đang bị tác động trái chiều từ cuộc sống khiến tạo ra những thay đổi nhất định có phần bất lợi, vấn đề đặt ra cho những người làm công tác quản lý giáo dục và cả xã hội là cần phải có sự ứng xử phù hợp để giáo dục không đi ngược lại lợi ích “trồng người”.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]