(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại huyện Thiệu Hóa, tình trạng thiếu trang thiết bị, đồ dùng khiến công tác dạy và học ở nhiều trường THCS gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thiếu trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông

Tại huyện Thiệu Hóa, tình trạng thiếu trang thiết bị, đồ dùng khiến công tác dạy và học ở nhiều trường THCS gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thiếu trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông

Do chưa được cấp gói trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT mới, thầy và trò Trường THCS Thiệu Trung vẫn đang tận dụng trang thiết bị, đồ dùng thí nghiệm được trang cấp từ trước đó.

Thiệu Hóa hiện có 23 trường THCS và 5 trường liên cấp tiểu học và THCS. Hiện tại, các trường chưa được nhận gói thiết bị theo Chương trình GDPT mới đối với bậc THCS. Trong điều kiện khó khăn, việc tận dụng, phát huy tối đa công năng của thiết bị sẵn có và chủ động sáng tạo ra nhiều loại đồ dùng dạy học phù hợp, phục vụ công tác giảng dạy là giải pháp mà nhiều trường đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng trên cũng khiến nhiều giáo viên tỏ ra lúng túng khi thực hiện công tác giảng dạy, bởi “đụng đâu thiếu đó”. Một số giáo viên bậc THCS trên địa bàn huyện cho biết, do chưa được cấp gói thiết bị theo chương trình GDPT mới, họ đang phải tận dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học được cấp từ lâu. Song một số loại dụng cụ, hóa chất dùng trong các phòng thí nghiệm, phòng thực hành không còn sử dụng được, hoặc không còn phù hợp với nội dung chương trình mới.

Thầy giáo Lê Văn Hanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Đô, cho biết: Hiện nay, khi thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường gặp nhiều khó khăn do sự thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên phải chủ động tự làm thiết bị, đồ dùng, cho học sinh thực hành thí nghiệm “ảo” đối với các môn học tự nhiên. Đồng thời, cố gắng tận dụng các trang thiết bị, tranh ảnh được cấp từ trước.

Theo quan điểm của thầy Hanh, mặc dù yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học là đội ngũ giáo viên, tuy nhiên trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc thiếu trang thiết bị, đồ dùng cũng tạo ra trở ngại lớn trong việc giúp học sinh tiếp cận chương trình mới, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập, giảng dạy.

Thiếu trang thiết bị để triển khai chương trình giáo dục phổ thông

Riêng bậc tiểu học đã được cấp gói thiết bị theo Chương trình GDPT mới.

Năm học 2022 – 2023, Trường THCS Thiệu Trung có 2 lớp khối 6 với 60 học sinh, 2 khối lớp 7 với 57 học sinh, do chưa được cấp gói thiết bị mới, nhà trường phải sử dụng trang thiết bị được cấp từ trước đó, đồng thời sửa chữa lại một số trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũ để phục vụ giảng dạy.

Thầy Lê Doãn Chiến, giáo viên dạy các môn Toán học, Vật lý của Trường THCS Thiệu Trung cho biết, nhà trường chủ yếu cho học sinh học qua hình thức mô phỏng, sử dụng thí nghiệm ảo. Tuy nhiên, theo chương trình mới, học sinh phải được học từ thực nghiệm. Do vậy, với việc dạy “chay” như hiện nay chỉ giúp giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu dài sẽ thiệt thòi cho học sinh khi không thể trải nghiệm, thực hành thực tế.

Theo thầy Chiến, để chất lượng dạy học được nâng cao, không chỉ cần sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò, mà còn cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

TRUNG LÊ


TRUNG LÊ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]