(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, việc bảo tồn và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học luôn được ngành giáo dục Thanh Hóa quan tâm, nhất là tại những vùng có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các thầy cô đã có những cách làm sáng tạo giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, sự tự tôn dân tộc mình và tôn trọng các dân tộc khác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường học bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, việc bảo tồn và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học luôn được ngành giáo dục Thanh Hóa quan tâm, nhất là tại những vùng có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các thầy cô đã có những cách làm sáng tạo giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, sự tự tôn dân tộc mình và tôn trọng các dân tộc khác.

Cứ vào thứ 2 hằng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ giúp các em ghi nhớ đặc điểm hoa văn, họa tiết, mà còn hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục. Ngoài ra, nhà trường còn đưa dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động giữa giờ cho các em trải nghiệm. Đó là truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Mường, Thái; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc...

Trao đổi với chúng tôi cô giáo Hà Thu Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc, cho biết: Học sinh của trường là con em đồng bào tộc thiểu số nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể ở trường giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Qua đó, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước biểu diễn khua luống trong ngày lễ lớn của nhà trường.

Tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước, thời gian qua, nhờ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng các cấp chính quyền địa phương, quy mô trường lớp, cơ sở vật chất cũng như công tác phổ cập giáo dục được duy trì, củng cố vững chắc. Ngoài việc giảng dạy, học tập theo chương trình chính khóa, nhà trường còn lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Đối với văn hóa vật thể, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống dân tộc Mường, Thái; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, sản xuất và sử dụng các loại nhạc cụ... Nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử. Đặc biệt, vào thứ hai đầu tuần và các dịp lễ, tết, các hoạt động, nhà trường đều yêu cầu các em học sinh mặc đồng phục của dân tộc mình. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tới việc giới thiệu các món ăn của đồng bào dân tộc như cơm nếp tam sắc, ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng, bánh ú, gà nướng, cá nướng, canh loóng, canh đắng của đồng bào các dân tộc trong các hoạt động của ngày lễ trong năm.

Thầy giáo Trần Văn Thuần - Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Bá Thước, cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhà trường đã có những việc làm thiết thực, như: Quy định các em mặc đồng phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Đây là một cách giáo dục hiệu quả cho các em về nét đẹp văn hóa, biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Các thầy, cô giáo được phân công, giao nhiệm vụ truyền dạy văn hóa cũng tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng, cho biết: Việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh. Học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trong học tập. Huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn hóa các dân tộc cho học sinh trên địa bàn. Thông qua các cuộc thi, giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Đồng thời, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh trong các trường học là việc làm có ý nghĩa. Nó có thể được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức đều có những khó khăn riêng, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn. Làm tốt được công tác này, tin rằng, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh sẽ từng ngày được bảo tồn và phát huy.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]