(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi tác phẩm văn học thiếu nhi được ví như một người thầy bồi dưỡng tâm hồn và định hướng cho các em trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, nên tại Thanh Hóa, nhiều năm trở lại đây, mảng văn học dành cho thiếu nhi vẫn là khoảng trống...

Văn học thiếu nhi: Khoảng trống vắng

Mỗi tác phẩm văn học thiếu nhi được ví như một người thầy bồi dưỡng tâm hồn và định hướng cho các em trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, nên tại Thanh Hóa, nhiều năm trở lại đây, mảng văn học dành cho thiếu nhi vẫn là khoảng trống...

Văn học thiếu nhi: Khoảng trống vắngSách văn học kích thích tư duy và trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. (Ảnh tư liệu của Thu Trang)

Nhiều năm rồi dư luận không ngớt lên tiếng than phiền về chất lượng của văn học cho thiếu nhi. Lý do chính là thiếu sức hấp dẫn, giáo điều, ít sự tưởng tượng... Chính cái tinh thần phục vụ bằng thứ ý chí luận người lớn là nguyên nhân để mảng văn học thiếu nhi bị “lơ” đi.

Cố nhà thơ Mai Ngọc Uyển (1941-2013), người được gọi là nhà thơ thiếu nhi ở tỉnh Thanh. Sau tập đầu tiên “Thơ thiếu nhi” (1965) ông còn có “Vào mùa biếc” (1974), “Trăng của bé” (1975), “Sao hôm sao mai” (in chung cùng Phạm Đình Ân - 1985), “Trăng trên ống khói” (1991), “Rừng trong phố” (1992) và “Ngôi sao trốn chạy” (2000). Cả cuộc đời viết cho thiếu nhi, ông đã từng rất vui khi trẻ nhỏ nào cũng ngân nga: “Hạt mưa vừa rơi vừa bay/ Tung tăng như bé được ngày đi chơi/ Hạt mưa vừa bay vừa rơi/ Ríu ran như bé hát lời ca vang” (Mưa và Bé).

Nhà thơ Định Hải đã ra mắt độc giả nhỏ tuổi 50 tập thơ. Với ông: “Làm thơ cho trẻ em cũng khó như làm thơ cho người lớn. Có bài tôi chỉ viết một lần rất nhanh, nhưng có bài phải sửa chữa nhiều lần, có khi đến giờ vẫn phải sửa tiếp. Thường một bài thơ hay, không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng yêu thích”. Ông đã được hàng chục giải thưởng của nhiều cơ quan, nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất của ông là được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam rộn ràng cất cao tiếng hát “Trái đất này là của chúng mình”.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, người có 4 tập thơ, truyện thơ thiếu nhi: “Chàng Nẹ” (1983), “Thành đất đánh giặc” (1985), “Những người bạn mặt trời” (1990), “Tí tách mưa rơi” (2008) đã từng chia sẻ: Văn học thiếu nhi đang ở cấp báo động. Người lớn và các nhà văn quá vô tâm bỏ quên thế hệ trẻ. Để Việt Nam hòa nhập với khu vực và thế giới, đâu chỉ cần thành thạo vi tính, ngoại ngữ... mà còn cần một tâm hồn Việt Nam trung thực, tình nghĩa, thủy chung.

Hà Thị Cẩm Anh một giọng điệu riêng cho mảng văn học các dân tộc thiểu số, đã ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên “Thím cò Khoai” (1968) nhưng phải 34 năm sau đó chị mới có tập thứ 2. Thời điểm bạn đọc biết đến Hà Thị Cẩm Anh phải tính từ năm 2000 trở lại đây. Chỉ một thời gian rất ngắn, chị đã có nhiều tập truyện, trong đó có 3 tập viết cho thiếu nhi, in ở NXB Kim Đồng: “Những đứa trẻ mồ côi” (2003), “Lão thần rừng bé nhỏ” (2007), “Chẫu Chàng Cóc Tía và những cư dân xóm Bờ ao” (2014). Gần đây nhất là “Hà Thị Cẩm Anh - Tuyển tập truyện thiếu nhi” (NXB Thanh Hóa, 2020).

Ngoài ra, còn có những tác giả viết cho thiếu nhi không thể không nhắc đến, đó là: Lã Hoan, Đỗ Xuân Thanh, Đặng Ái, Từ Nguyên Tĩnh... Điểm danh các nhà văn để thấy rõ ràng có một thời kỳ văn học cho thiếu nhi ở Thanh Hóa thật rộn ràng.

Chia sẻ điều này, nhà văn Đào Hữu Phương cho biết: “Viết cho các em với tôi không chỉ là niềm đam mê mà còn là một nhu cầu để được chia sẻ. Đối tượng miêu tả của tôi hầu hết đều có hoàn cảnh éo le, chịu nhiều thiệt thòi. Đấy là những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi phải sống cuộc đời lang thang, cơ nhỡ. Tôi luôn ý thức tìm cho mình một cốt truyện hay, những chi tiết lạ và cách thể hiện thật cảm động để những trang viết của mình có thể được các em chấp nhận. Mỗi tác phẩm in ra tôi hy vọng được chia sẻ ít nhiều với các nhân vật của mình, những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ như tuổi thơ tôi, một tuổi thơ mà nỗi buồn và nước mắt nhiều hơn niềm vui”.

Nhà văn Đào Hữu Phương cho biết thêm: Trước năm 2000, phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi của cả nước nói chung và Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa nói riêng rất được quan tâm. Nhiều cuộc thi được tổ chức liên tiếp, nhiều giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi và quan trọng là cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn có riêng Hội đồng văn học thiếu nhi. Thời điểm ấy, ở Thanh Hóa khi xét giải thưởng, Hội Văn học nghệ thuật cũng tách riêng mảng văn học thiếu nhi.

Sau thời kỳ huy hoàng, văn học thiếu nhi bị bỏ trống, các tác phẩm văn học thiếu nhi được xét chung vào hội đồng văn xuôi, hội đồng thơ và đặc biệt không có cuộc thi nào dành cho các tác phẩm viết về thiếu nhi. Xét vào các hội đồng thể loại, tác phẩm văn học thiếu nhi khi đưa ra “đều bị chê là mỏng”. Nhà văn Đào Hữu Phương lấy ví dụ về hầu hết các tập sách của ông khi đưa tới các nhà xuất bản đều được yêu cầu co kéo lại cho phù hợp với tiêu chí mỗi đầu sách kể cả bìa chỉ giới hạn 100 trang, đặc biệt là sách trong chương trình tài trợ cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cuốn “Tiếng vọng rừng xanh”, ban đầu ông định tự bỏ tiền ra in ở NXB Văn hóa dân tộc khoảng 210 trang, nhưng khi gửi bản thảo sang NXB Kim Đồng để được trong danh mục sách tài trợ phải chấp nhận điều kiện rút ngắn chỉ còn 100 trang.

12 cuốn truyện dài viết cho thiếu nhi, những tưởng mạch nguồn ấy sẽ khó vơi cạn với nhà văn Đào Hữu Phương, nhưng ông thành thật: “Tìm một đề tài viết cho thiếu nhi khó lắm, không như viết cho người lớn. Viết cho thiếu nhi khó ở chỗ phải có cốt truyện trong sáng, văn phong rõ ràng, mẫu mực”. Bản thân ông cũng thấy “vốn liếng chữ nghĩa” đã cạn, không còn nguồn cảm hứng. Truyện dài “Tếng vọng rừng xanh” in năm 2012 cũng là tác phẩm cuối cùng về đề tài này. Gần 10 năm nay, ông chỉ viết thêm được chừng 5-6 truyện ngắn. Đơn giản vì ông chỉ quanh quẩn ở nhà, phạm vi hoạt động của ông trong bán kính 10km nên trong 5 truyện dài ông đã in thì có 4 cuốn bối cảnh không gian chỉ khai thác trong phạm vi bán kính 3km.

Lê Huyền, một cây viết trẻ, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khê 1 (Ngọc Lặc), gần đây có một số truyện ngắn, thơ về đề tài thiếu nhi. Chị chia sẻ: “Tôi là giáo viên tiểu học, nên những câu chuyện của các em học sinh gắn bó với tôi và tôi viết ra để lưu giữ kỷ niệm với các em. Còn để gắn bó với mảng văn học này hay không, tôi cũng chưa dám khẳng định và không thể khẳng định”.

Đương nhiên khoảng trống tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi chẳng phải riêng ở Thanh Hóa. Nhà văn Ngân Hằng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh, cho biết: “Thi thoảng mới có người viết một bài về đề tài thiếu nhi. Khoảng 15 năm trước, tạp chí có trang “Văn học nhà trường” dành “đất” để in các sáng tác văn học thiếu nhi. Về sau, không có người viết, trang này bị cắt. Tôi vẫn có ý định mở lại nhưng số lượng bài vở không duy trì được nên Tạp chí Xứ Thanh cũng không thể thực hiện”.

Lặng lẽ viết và làm việc là phẩm chất của văn nghệ sĩ. Nhưng nếu không có sự kích hoạt của bầu không khí chung, liệu văn học thiếu nhi có cơ hội để phát triển? Nên chăng đã đến lúc cần có những cuộc thi để tìm kiếm, tạo hưng phấn để văn học thiếu nhi có một chỗ đứng xứng đáng bên cạnh các dòng văn học khác.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Sách văn học kích thích tư duy và trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. (Ảnh tư liệu của Thu Trang)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]