(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối năm 1964 để cứu vãn tình thế trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn sau khi “Chiến tranh đặc biệt” đã bị thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ quay ra trò “Chiến tranh cục bộ”, đưa đoàn quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 13/12/1965 Tổng thống Giôn-Xơn phát lệnh kế hoạch “Sấm rền” cho máy bay leo thang ném bom đến vĩ tuyến 19. Thanh Hoá đã nằm trong tầm ngắm của không lực Hoa Kỳ. Ngày 16/3/1965 máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Thanh Hoá, bắn phá một số điểm ở Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Như Xuân và trinh sát khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hai ngày rực lửa chiến công trong cuộc đọ sức đầu tiên với không lực Hoa Kỳ

Cuối năm 1964 để cứu vãn tình thế trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn sau khi “Chiến tranh đặc biệt” đã bị thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ quay ra trò “Chiến tranh cục bộ”, đưa đoàn quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 13/12/1965 Tổng thống Giôn-Xơn phát lệnh kế hoạch “Sấm rền” cho máy bay leo thang ném bom đến vĩ tuyến 19. Thanh Hoá đã nằm trong tầm ngắm của không lực Hoa Kỳ. Ngày 16/3/1965 máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Thanh Hoá, bắn phá một số điểm ở Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Như Xuân và trinh sát khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn.

Ngày 25/3/1965 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 3 họp bàn đề ra nhiệm vụ phải đánh thắng hoàn toàn chiến tranh cục bộ, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân, bảo vệ xây dựng miền Bắc, chi viện cho miền Nam và giúp cách mạng Lào.

Ý thức được vị trí chiến lược quan trọng của địa phương đối với cả nước, thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời chuyển hướng lãnh đạo từ thời bình sang thời chiến, đề ra các phương án về quốc phòng, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, tổ chức; triển khai các kế hoạch chiến đấu, phòng không sơ tán, đảm bảo giao thông vận tải, thông tin liên lạc, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống và quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ ngay từ trận đầu.

Pháo phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng khỏi các trận ném bom của máy bay Mỹ.

Các phong trào thi đua “3 sẵn sàng, “3 đảm đang”, “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” được phát động rộng khắp trong thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân. Tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược nung nấu, trào dâng trong tâm thức và hành động của tất cả các tầng lớp nhân dân.

Đúng như dự định và được cấp trên báo trước, 8h45’ ngày 3/4/1965 đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ đã lệnh cho 16 máy bay A4 và F8 vào đánh phá cầu Đò Lèn để hòng cô lập cầu Hàm Rồng và làm phân tán lực lượng phòng không của ta. Lập tức Đại đội 4 Bộ đội Cao xạ cùng với dân quân các xã Hà Ngọc, Hà Phong, Hà Lâm (Hà Trung), Đồng Lộc, Đại Lộc (Hậu Lộc) và tự vệ các cơ quan khu vực Đò Lèn đã dũng cảm chiến đấu bắn rơi 1 máy bay địch. Tuy vậy bọn giặc trời vẫn từng tốp thay nhau lao vào ném bom bắn phá mục tiêu cầu và các trận địa pháo. Bất chấp những thương vong tổn thất ban đầu, chiến sỹ ta vẫn hiên ngang kiên cường đánh trả. Cùng lúc ấy một biên đội máy bay MIC của ta do Phạm Ngọc Lan chỉ huy xuất hiện và lao vào công kích bắn rơi ngay tại chỗ 1 máy bay Mỹ. Thừa thắng bộ đội mặt đất cùng phối hợp với không quân ta đánh mạnh đánh trúng. Trận chiến mở màn kết thúc lúc 9h59’ và lập chiến công xuất sắc, bắn hạ 5 máy bay Mỹ, bắt sống 1 giặc lái. 13h ngày 3/4 địch bắt đầu đánh phá Hàm Rồng, 109 lần tốp máy bay Thần sấm, Con ma liên tục nối tiếp nhau lao vào đánh phá cầu. Tại các trận địa làng Yên Vực, đồi 74, 75 các đại đội cao xạ 37 ly, 14,5 ly, phân đội 7 Hải quân cùng với các đơn vị dân quân Yên Vực, Nam Ngạn, tự vệ nhà máy điện đã chuẩn bị sẵn sàng và hợp đồng đánh trả quyết liệt. Đáng chú ý là từ trên đỉnh núi Ngọc tổ trung liên do đồng chí Phạm Gia Huấn chỉ huy đã phóng ra những đường đạn chính xác làm cho lũ giặc trời phải hoang mang khiếp sợ mỗi khi bổ nhào xuống cắt bom. Cuộc không kích của địch kéo dài 5h35’. Cũng trong thời khắc đó nhân dân ta càng đánh mạnh, đánh giỏi, nhiều máy bay Mỹ bị rơi, bị cháy. Kết thúc trận đầu ra quân ngày 3/4/1965, 17 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, nhiều phi công bị bắt. Cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn vẫn được bảo vệ an toàn. Chiến công oanh liệt này đã cổ vũ động viên mạnh mẽ quân dân tỉnh nhà cùng đồng bào cả nước và làm xôn xao dư luận thế giới.

Bị dính đòn đau ở ngày đầu, ngày 4/4 địch tiếp tục lao vào đánh phá với cường độ mạnh hơn và phạm vi rộng hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh Đội đã kiểm điểm rút kinh nghiệm để bổ sung phương án chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng không sơ tán. Bộ Tổng tư lệnh cũng điều động thêm 3 đại đội pháo cao xạ 57 ly để tăng cường lực lượng bảo vệ cầu Hàm Rồng. 7h30’ ngày 4/4 địch bắt đầu xâm phạm vùng trời Thanh Hóa dọc theo Quốc lộ 1A. 8h sáng ngày 4/4 một đơn vị cao xạ đang trên đường hành quân từ Tĩnh Gia ra phà Ghép thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Bộ đội ta phải đặt pháo ngay trên đường để chiến đấu. Liền theo đó các đơn vị dân quân trực chiến cũng nhanh chóng cùng với bộ đội cao xạ nổ súng. Kết quả đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bảo vệ được bến phà Ghép, bảo vệ cho đoàn xe pháo tiếp tục tiến ra Hàm Rồng. Đến 10h20’ máy bay trở lại đánh phá Hàm Rồng. Để hỗ trợ cho lực lượng mặt đất, không quân Việt Nam lại xuất kích. Biên đội MIC 17 của đồng chí Trần Hanh đã bắn tan xác 2 chiếc Thần sấm của địch. Chiều 4/4 với chiến thuật bất ngờ, chớp nhoáng chúng lại tiến công Hàm Rồng và nhiều trọng điểm dọc Quốc lộ 1A. Phấn khởi trước những thành tích đã đạt được quân dân khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn, Quảng Xương, Tĩnh Gia càng hăng say hợp đồng chiến đấu và giành thêm nhiều chiến công mới. Đến 17h ngày 4/4 đã có thêm 30 máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhiều giặc lái bị bắt sống.

Như vậy trong 2 ngày 3 - 4/4/1965 tuy địch đã huy động đến 454 lần máy bay, ném gần 600 quả bom, bắn hàng trăm tên lửa rốc két xuống các địa bàn trọng điểm, riêng khu vực Hàm Rồng phải hứng chịu 1/2 cơ số đó nhưng chúng đã thất bại nặng nề, 47 máy bay tan xác, nhiều giặc lái bị bắt, uy lực của không lực Hoa Kỳ giảm sút nghiêm trọng. Cầu Hàm Rồng, mục tiêu cực kỳ quan trọng mà đế quốc Mỹ muốn đánh sập để cắt đứt con đường giao thông chi viện của miền Bắc cho miền Nam vẫn đứng vững và hiên ngang soi bóng trên dòng sông Mã thân thương thơ mộng.

Phi công Mỹ bị bắt ở Hàm Rồng. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

Chiến công rực rỡ 3 - 4/4/1965 là biểu hiện sinh động của đường lối chiến tranh nhân dân, sự tổ chức, lãnh đạo sáng suốt, táo bạo, quyết đánh, quyết thắng, sự hợp đồng chiến đấu dũng cảm khôn khéo của các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và của cả cao trào toàn dân xung trận. Với lời thề “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tất cả chiến sỹ ta đều nỗ lực chiến đấu, sẵn sàng hy sinh quên mình, người này thương vong, người khác xông vào thay thế, bộ đội thì lo ngắm trúng bắn trúng, nhân dân thì lo tải đạn, tiếp lương, cứu thương, san lấp hố bom, hướng dẫn sơ tán, giải quyết hậu quả. Già trẻ, trai gái, đến cả thiếu niên, học sinh, người tu hành đều xung phong ra trận. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ.

Ngày 4/4/1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng lá cờ mang dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” cho quân dân Thanh Hoá.

55 năm trôi qua, Hàm Rồng, Đò Lèn, phà Ghép đã trở thành những địa danh huyền thoại được nhân dân ta cùng bạn bè năm châu luôn nhắc tới và ngợi khen. Đó là chiến thắng quan trọng của quân dân Thanh Hóa, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 3 - 4/4 hàng năm đã trở thành ngày lịch sử truyền thống chiến đấu, chiến thắng vẻ vang của quân dân Thanh Hóa anh hùng.

Như Văn


Như Văn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]