(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng - điểm giao thông quan trọng trên con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, quân và dân 3 làng: Nam Ngạn, Đông Sơn và Yên Vực đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội…

Hàm Rồng chiến thắng: Từ quá khứ đến hiện tại - Cả làng ra trận...

Trong suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng - điểm giao thông quan trọng trên con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, quân và dân 3 làng: Nam Ngạn, Đông Sơn và Yên Vực đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội…

Hàm Rồng chiến thắng: Từ quá khứ đến hiện tại - Cả làng ra trận...Cựu dân quân làng Yên Vực xem lại những bức ảnh của đồng đội tại Nhà lưu niệm 75 dũng sĩ.

Hàm Rồng trong ký ức người ở lại, tôi được gặp ông Hoàng Xuân Cành, cựu dân quân tự vệ làng Nam Ngạn, là Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn. Ông hiện đã 78 tuổi. “Ngày 3 và 4-4-1965, Khu đội dân quân Nam Ngạn được thị xã giao nhiệm vụ tham gia tác chiến cùng bộ đội để bảo vệ cầu Hàm Rồng. Khu đội dân quân Nam Ngạn gồm trung đội dân quân nam và trung đội dân quân nữ. Anh chị em trong đội, người tuổi nhiều nhất là 30, ít nhất là 19. Lúc bấy giờ, chúng tôi chiến đấu với tinh thần chỉ chờ máy bay đến là bắn”, khu đội phó Hoàng Xuân Cành kể lại.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong 2 ngày 3 và 4-4-1965, cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ cầu Hàm Rồng, Nhân dân Nam Ngạn và thị xã Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Không chấp nhận thất bại, ngày 26-5-1965, máy bay Hải quân Mỹ đánh tàu hải quân ta dưới hạ nguồn cầu Hàm Rồng, cả làng Nam Ngạn ra trận đánh giặc. Cả làng ra trận bởi 4 xóm của làng là Toàn - Dân - Kháng - Chiến, xóm nào cũng có các bà, các mẹ, có cả trẻ em tham gia. Người không trực tiếp cầm súng bắn máy bay thì làm nhiệm vụ cứu thương, tải thương, lo liệu thực phẩm. Khu đội phó Hoàng Xuân Cành kể: “Ngày ấy, trong làng có em Nguyễn Văn Tánh, khoảng 12 - 13 tuổi, em trèo hái dừa mang cho bộ đội, dân quân uống. Còn các bà, các mẹ thì tiếp tế cơm, cháo, bột, đường…”.

58 năm đã qua đi, nhiều người đã mất, người còn sống thì phần lớn tuổi cao, khó có thể nhớ vẹn nguyên ký ức cuộc chiến. Nhưng khi tôi được gặp Khu đội phó Khu đội dân quân Nam Ngạn, ông Hoàng Xuân Cành, mừng là sức khỏe, tinh thần ông vẫn còn minh mẫn. Trong số những dân quân nam trực tiếp tham gia chiến đấu tại Khu đội dân quân Nam Ngạn ngày ấy, hiện ông là người còn lại duy nhất.

“Đạn hai mươi ly bắn thủng xi măng/ Bom tấn ép bẻ cong cột sắt/ Tên lửa nổ thép già thành nước/ Trụ cầu Hàm Rồng chỉ làm bằng cốt sắt xi măng”… Đạn réo, bom rơi, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã. Hàm Rồng của một thời rực lửa vang mãi những chiến công. Hàm Rồng hôm nay, viết tiếp câu chuyện thời bình nhiều dấu ấn…

Cùng với Nam Ngạn, làng Đông Sơn, Yên Vực trở thành pháo đài thép, viết lên huyền thoại mới về cầu Hàm Rồng. Làng Yên Vực (phường Tào Xuyên) của những năm tháng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, nơi đây không chỉ có 75 dũng sĩ mà còn có các mẹ, các em thi đua cùng nhau chặt lá ngụy trang, đưa giẻ lau pháo, nấu nước cho bộ đội. Cũng trong cuộc chiến này, dân quân làng Yên Vực đã không quản nguy nan chở hàng trăm lượt thuyền đạn vượt sông Mã dưới mưa bom, bão đạn của địch để sang bờ Nam cầu Hàm Rồng chi viện cho bộ đội đánh giặc…

Về làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng), tôi được gặp hai cựu dân quân là bà Lương Thị Thơ và bà Nguyễn Thị Tèo. Bà Thơ tuổi đã 87 còn bà Tèo 78 tuổi. Bà Thơ, trong chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, tại trận địa Đồi C4, bà tham gia nấu cơm, tải thương, gánh lá ngụy trang, gánh nước… Cùng nhiệm vụ với bà là chị Dung, chị Lời, chị Huê, chị Nhơ…

Hàm Rồng chiến thắng: Từ quá khứ đến hiện tại - Cả làng ra trận...Cựu dân quân Lương Thị Thơ và Nguyễn Thị Tèo.

Ngày 3-9-1967, địch tập trung toàn bộ hỏa lực của tốp đi đầu ném bom bi chùm lên cả trận địa pháo và đồi Chỉ huy của Đại đội 4. Lúc bấy giờ, do thiếu pháo thủ nên huy động 6 nữ dân quân, trong đó có nữ dân quân Nguyễn Thị Tèo lên thay pháo thủ tại trận địa Đồi C4. Bà Tèo nhớ lại: “Khi bắt đầu lên là tôi dự bắn luôn với các anh. Lúc đấy, rất run vì tôi chưa trực tiếp dự bắn bao giờ. Tôi nghĩ trong đầu, hôm nay nhất định là chết chứ không sống được vì lúc bắn thì lửa tóe, đất đai mù mịt nhưng cuối cùng thì không chết mà còn có thêm sự tự tin, kinh nghiệm để làm tròn nhiệm vụ của một pháo thủ”.

Với tinh thần dũng cảm, kiên cường, lại có hệ thống công sự hầm hào kiên cố, Đại đội 4 đã đứng vững trên Đồi C4 đánh trả quyết liệt mọi công kích của địch, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng nhiều năm liền. Chiến công này, làng Đông Sơn, hậu phương vững chắc của Đại đội 4 có đóng góp quan trọng.

Cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ Hàm Rồng, Nhân dân Thanh Hóa nói chung, Nhân dân khu vực Hàm Rồng - Yên Vực - Nam Ngạn nói riêng đã góp một phần đặc biệt quan trọng cho Hàm Rồng chiến thắng. Ông M.Da-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Mỹ đã từng viết: “Hàm Rồng là chiếc cầu đẹp nhất mà trước đây chúng ta chưa từng thấy. Không phải vì nó rộng, dài, nguy nga hơn các cây cầu khác, mà chính truyền thống anh hùng của chiến sĩ và Nhân dân Việt Nam đã mang lại cho cầu vẻ đẹp diệu kỳ. Cầu Hàm Rồng là một tượng đài kỷ niệm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân và thanh niên Việt Nam. Một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

“Từ năm 1965 đến năm 1973, quân và dân Hàm Rồng đã đánh trả 2.857 lần tốp máy bay tối tân của Mỹ, bắn rơi 117 máy bay, trong đó có cả pháo đài B52".

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]