(vhds.baothanhhoa.vn) - Cả trăm công trình nước sạch từ các chương trình 134, 135, chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư tại huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước... nhanh chóng rơi vào quên lãng, kém phát huy hiệu quả hoặc hư hỏng và không thể sử dụng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Khát” bên những công trình nước sạch

Cả trăm công trình nước sạch từ các chương trình 134, 135, chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư tại huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước... nhanh chóng rơi vào quên lãng, kém phát huy hiệu quả hoặc hư hỏng và không thể sử dụng.

Lãng phí những công trình tiền tỷ

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tại khu vực miền núi Thanh Hóa hiện có 493 công trình nước sinh hoạt, trong đó có 485 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, phục vụ cho khoảng 73.480 người dân. Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho bà con vùng sâu, vùng xa thì có không ít công trình sau bàn giao không lâu đã bỏ hoang, hư hỏng gây lãng phí.

Công trình nước sinh hoạt tự chảy tại bản Na Ấu, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn là một ví dụ. Nhiều năm qua, công trình này rơi vào quên lãng khi không phát huy hiệu quả, bỏ không, gây lãng phí. Nhiều hộ dân bản Na Ấu tỏ rõ sự khó hiểu: “Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt cho bà con bản Na Ấu là sự quan tâm đặc biệt trước những khó khăn của bà con về nước sạch. Công trình được bỏ tiền từ khâu đầu tư, khảo sát, lựa chọn địa điểm... Nhưng vì sao sau khi đưa vào sử dụng lại không phát huy hiệu quả?”

Một thực tế buồn mà chúng tôi ghi nhận, sau khi có công trình nước sạch được đầu tư, bà con bản Na Ấu vẫn khát bên công trình nước sạch cả tỷ đồng. Trong khi đó, vì công trình không phát huy hiệu quả, bà con dân bản đã tự đầu tư hệ thống giếng khoan, cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định, thiết thực cho hơn 30 hộ dân.

Công trình nước sinh hoạt ở bản Chiềng, xã Xuân Phú (Quan Hóa) sau khi được đầu tư không lâu đã không phát huy hiệu quả.

Tương tự, công trình nước sinh hoạt tại làng Oi, xã Quang Hiến (Lang Chánh) được xây dựng từ năm 2012 bằng nguồn vốn Chương trình 134, tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình này sẽ giải quyết tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn bộ dân làng Oi. Tuy nhiên, các bể nước của công trình sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được 3 tháng thì cũng bỏ hoang do không có nước.

Cụ thể, theo khảo sát của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Sở NN&PTNT, trong tổng số các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy có tới 103 công trình bị hư hỏng phải ngừng hoạt động, 138 công trình kém chất lượng, bị hư hỏng đường ống, bể chứa. Trong đó, huyện Quan Hóa có 27 công trình ngừng hoạt động, huyện Quan Sơn có 20 công trình, huyện Lang Chánh có 15 công trình, huyện Thường Xuân có 13 công trình...

Đâu là nguyên nhân?

Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, khẳng định: Các công trình đầu tư nước sạch 134, 135, chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư trên địa bàn qua các giai đoạn, thời kỳ đã góp phần to lớn vào việc cải thiện đời sống, cũng như nhu cầu nước sạch cho bà con nhân dân huyện Quan Sơn. Tuy nhiên, theo thời gian, một số công trình sau đầu tư không phát huy hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là các công trình do UBND xã làm chủ đầu tư.

Lý giải cho điều này, ông Đạt cho rằng, thời điểm mà Ban quản lý dự án của huyện chưa được thành lập, các dự án nước sạch bấy giờ chủ yếu do UBND các xã làm chủ đầu tư. Với việc, các chủ đầu tư là các xã không có chuyên ngành, công tác giám sát, thanh kiểm tra còn chưa chặt chẽ, dẫn đến các công trình được đầu tư nhiều nhưng chỉ làm theo kiểu áng chừng.

Bên cạnh đó, về khách quan mà nói, các công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đều nằm ở những vị trí địa lý phức tạp, khó khăn, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện và tiến độ công trình; định suất vốn đầu tư thấp và bình quân theo đầu xã nên khó khăn cho việc lựa chọn công trình phù hợp với lượng vốn được giao; các cán bộ phụ trách trong công tác xây dựng các công trình thời kỳ trước đều làm công tác kiêm nhiệm, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến một số công trình tiến độ thi công chậm; một số nhà thầu thiếu trách nhiệm, để kéo dài thời gian thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng các công trình.

Nguyên nhân là vậy, điều ai cũng nhìn thấy, song giải pháp nào cho những công trình nước sinh hoạt bỏ hoang; trách nhiệm trước những công trình vừa làm đã hỏng thuộc về ai... vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ?

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]