Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”
Bức chân dung về con người, cuộc đời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được khắc họa rõ nét qua chính các sáng tác của ông. Ông sống gần một thế kỷ, đến khi rời đi vẫn “Cùng tình yêu ở lại”, vẫn cho thấy nguyên vẹn giá trị “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Nhân 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11/11/1924 - 29/6/2015), gia đình kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức chương trình nghệ thuật Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại cùng nhiều hoạt động khác tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng).
Đạo đức và tình yêu con người
Con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - nhạc sĩ Phan Hồng Hà nằm trong ê-kíp thực hiện - cho biết, chương trình này rất có ý nghĩa với cá nhân, gia đình anh cũng như những người yêu quý âm nhạc của bố anh. “Sự kiện này không những ghi nhận, vinh danh những sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho nền ca khúc cách mạng, mà còn là sự thừa nhận bố tôi xứng đáng với danh hiệu”Con chim vàng“của nhạc trữ tình Việt Nam”, anh chia sẻ.
Là một trong những người lên ý tưởng, biên tập ca khúc và tổ chức thực hiện, nhạc sĩ Phan Hồng Hà tiết lộ, đêm nhạc Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại đặc biệt khác những chương trình trước đây về bố anh, khi ê-kíp thực hiện đã đúc kết được những điểm tinh túy nhất trong âm nhạc. Anh cho biết thêm: "Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, chúng tôi đã cố gắng đưa đến cho người xem những nét đẹp, sự quyến rũ trong âm nhạc mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ấp ủ, thai nghén trong cả cuộc đời sáng tác".
Sân khấu chương trình “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”. Ảnh: Anh Đào
Tuy vậy, anh cũng thừa nhận, khó khăn nhất khi lên ý tưởng cho đêm nhạc chính là tránh được sự sáo mòn, trùng lặp trong cách thể hiện những tác phẩm để đời của bố. Bởi âm nhạc của người nhạc sĩ tài năng này đã được vang lên trong rất nhiều chương trình suốt nhiều thập niên qua. "Nên trách nhiệm của chúng tôi là phải làm sao cho khán giả luôn thấy nét tươi mới, vẫn và mãi yêu thích các ca khúc của ông. Điều này không dễ dàng chút nào", nhạc sĩ Phan Hồng Hà chia sẻ.
Nói về 9 năm sau ngày mất của bố, anh trải lòng: "Ông để lại cho chúng tôi rất nhiều tài sản quý giá, đó là đạo đức, tình yêu con người, yêu quê hương đất nước thông qua những sáng tác. Tôi luôn tin rằng thời gian sẽ trôi qua, nhưng những bài hát chan chứa yêu thương của ông sẽ còn mãi với những con người nhân hậu của quê hương, đất nước này".
Tái hiện chân dung Phan Huỳnh Điểu
Đêm nhạc Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại có 16 ca khúc được trình diễn. Ca sĩ thể hiện có NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSƯT Phạm Khánh Ngọc, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Phạm Thế Vĩ, NSƯT Ngọc Lê, Mặt Trời Đỏ và các ca sĩ trực thuộc Đoàn Văn công Quân khu 5 (Đà Nẵng). Đặc biệt, gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã cùng hòa ca trong tiết mục kết. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà lấy làm tiếc vì thời lượng có hạn nên không thể đưa thêm vào chương trình các ca khúc được mọi người yêu mến.
Ê-kíp thực hiện đã tái hiện chân dung Phan Huỳnh Điểu thông qua các ca khúc. Trong đó, phần đầu tiên đưa người xem đến với thời trẻ của ông trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, đất nước bị chia cắt. Lứa thanh niên vệ quốc miền Nam vừa tập kết ra Bắc, mới bắt đầu vun đắp được tổ ấm tình yêu thì đã khẩn trương trở lại chiến trường miền Nam.
Chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu khi ấy cũng không phải ngoại lệ khi giã biệt vợ con, vượt Trường Sơn cùng các chiến sĩ giải phóng quân lên đường ra mặt trận.
Mùa Đông năm 1964, khi hành quân ngang qua Hà Nội, chàng trai trẻ ấy nhớ lại nhiều kỷ niệm, nhớ nhất là "Vân cùng các con". Tình yêu gia đình và quê hương khi đó đã giúp một Phan Huỳnh Điểu thời trẻ viết nên các ca khúc Mùa Đông binh sĩ, Đêm nay anh ở đâu, Hành khúc ngày và đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sợi nhớ sợi thương...
Và một Phan Huỳnh Điểu lãng mạn, say đắm trong tình yêu được khắc họa rõ nét hơn với các ca khúc làm nên tên tuổi của ông như Bóng cây kơ-nia, Những ánh sao đêm, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa Thu, Anh ở đầu sông em cuối sông...
Được bao bọc bởi tình yêu quê hương, ông đã viết nên những ca khúc gắn liền với nơi sinh thành như Quảng Nam yêu thương, Ngày ấy, Làng, Đoàn vệ quốc quân, Đà Nẵng ơi chúng con đã về...
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã đến và đi, để lại cho đời những bản tình ca say đắm, lạc quan, với điểm nhìn, cũng là đúc kết của ông: “cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay “Trầu Cau” sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài “Đoàn giải phóng quân” viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là “Mùa đông binh sĩ” được viết khoảng giữa thập niên 1940. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên Khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như: “Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch”, “Quê tôi ở miền Nam”... Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1975, khi thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban Chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12 năm 1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu. Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang. Sau năm 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ. Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong trong thể loại hành khúc, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”... Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như: “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, “Bóng cây Kơnia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Người ấy bây giờ đang ở đâu”, “Tình ca Đămbri”, “Tia nắng”... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”... |
Theo Thể thao & Văn hóa
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-11-11 08:35:00
Những thành tích đầu tiên của Nam vương Tuấn Ngọc tại Mr World 2024
Mỗi thanh niên là một sứ giả văn hóa
Ảnh hưởng của địa lý tới vị thế của quốc gia
Hãy để tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện văn hóa
“Hương đảng” không phải là “Phe cánh trong làng”
Tướng quân Nguyễn Phan
Tác phẩm về sự sáng tạo trong việc học ngôn ngữ giành giải cuộc thi Pháp ngữ
Người trẻ và sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc: Khi người trẻ giữ “lửa”
Triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu-Cánh chim bay về”
Niềm vui với Toán học