(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân Kẻ Rỵ xưa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) vẫn tự hào nơi đây là vùng đất tốt tươi, con người tài hoa. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của Bảng nhãn Lê Văn Hưu, “Trạng nguyên” Lê Quát được người đời nhắc nhớ bởi nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, thông minh hiếu học, đỗ đạt làm quan để lại danh thơm cho đời.

Lê Quát: Vị “Trạng nguyên” tài hoa vượt lên nghịch cảnh

Người dân Kẻ Rỵ xưa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) vẫn tự hào nơi đây là vùng đất tốt tươi, con người tài hoa. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của Bảng nhãn Lê Văn Hưu, “Trạng nguyên” Lê Quát được người đời nhắc nhớ bởi nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, thông minh hiếu học, đỗ đạt làm quan để lại danh thơm cho đời.

Lê Quát: Vị “Trạng nguyên” tài hoa vượt lên nghịch cảnhKẻ Rỵ (xã Thiệu Trung ngày nay) là quê hương của danh sĩ Lê Quát.

Lưu truyền dân gian tại vùng đất Kẻ Rỵ cho biết, Lê Quát (Lê Bá Quát) hiệu là Mai Phong sống vào thời nhà Trần. Cậu bé Lê Quát mồ côi cha từ nhỏ, mẹ mở bán hàng nước ở chợ Rỵ. Tuy nhiên do mẹ sức khỏe yếu, gia cảnh khốn khó nên dù còn nhỏ, Lê Quát đã biết phụ mẹ bán hàng, rồi lao động quét dọn ở chợ để mưu sinh. Có lẽ bởi vậy mà người dân trong vùng vẫn thường gọi “mẹ con bà Quét”, còn cậu bé là “cu Quét”.

Cậu bé Quát thông minh, thường bày nhiều trò chơi khiến chúng bạn thích thú. Chuyện kể lại, có lần Lê Quát nặn con voi nhỏ bằng đất sét, sau đó bắt bốn con cua đồng buộc vào bốn chân voi, rồi lại bắt thêm hai con bướm cắm vào hai tai voi, thêm con đỉa cắm vào miệng voi làm vòi, ấy thế mà sau đó chú voi cử động như thật.

Vốn thông minh, lanh lợi vì thế dù gia cảnh nghèo khó, Lê Quát vẫn được viên quan trong vùng thương quý gả con gái. Và chuyện lấy con gái nhà quan của Lê Quát cũng được dân gian lưu truyền với giai thoại hấp dẫn. Lại có chuyện kể rằng, viên quan trong vùng nổi tiếng nghiêm khắc, gia đình ông có cô con gái xinh đẹp vừa tuổi trăng tròn. Một lần con gái viên quan ra chợ mua sắm, nhiều trai làng làm quen, trêu ghẹo nhưng cô đều không bận tâm. Đám trai làng liền bày trò “xúi” cậu Quát đến xin trầu thiếu nữ. Nhìn thấy Quát mặt mũi sáng sủa, phần cũng muốn làm cho đám trai làng bẽ mặt nên cô gái con quan liền mở túi lấy trầu đặt vào tay Lê Quát. Tình cờ lúc đó cha nàng đi qua, trông thấy con gái đưa trầu cho một thiếu niên vẻ ngoài nghèo khó thì nổi cơn giận giữ.

Về nhà cô gái khóc lóc kể rõ sự tình với cha nhưng không được chấp nhận, cô bị cha đuổi đi. Người mẹ vì thương con gái nên đành dúi vào tay con ít tư trang, vàng bạc để phòng thân. Bị đuổi ra khỏi nhà, thiếu nữ đành ra chợ Rỵ tìm mẹ con chàng Quét. “Chỉ vì tôi cho anh miếng trầu để anh khỏi bẽ mặt trước đám trai làng mà cha tôi đuổi tôi khỏi cửa nhà, chịu cảnh bơ vơ. Âu là duyên phận trời xe, tôi xin theo về hầu mẹ thay anh. Từ đó, cô gái cùng bà Quét quét chợ và mua hàng đầu chợ bán cuối chợ kiếm sống. Có được ít vốn do mẹ giấu cho, nàng tìm thầy cho chàng học tập và khuyên chàng Quét gắng sức học tập, sau này thi cử tiến thân, mong được “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” thoát cảnh cơ hàn” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Không phụ tấm lòng của vợ, chàng Quét đến Kẻ Bôn (xã Đông Thanh ngày nay) xin theo học với thầy đồ họ Nguyễn. Cũng bởi tư chất thông minh, lại chăm chỉ đèn sách, chỉ vài năm sau thầy đồ đã “cạn” chữ để dạy Quát. Được sự chỉ dẫn của thầy, Lê Quát khăn gói ra chốn kinh kỳ tìm đến thầy Chu Văn An để được theo học. Ở đây, Lê Quát đã có thêm nhiều bạn cùng chí hướng, trong đó có Phạm Sư Mạnh, trở thành bạn đồng khoa (cùng đỗ đại khoa một năm), bạn đồng liêu (cùng làm quan một triều). Dưới sự dạy dỗ của thầy Chu Văn An, Lê Quát và Phạm Sư Mạnh đều là học trò xuất sắc.

Nhờ tu chí học hành, Lê Quát thi đậu Thái học sinh, rồi Đệ nhất giáp Tiến sĩ, Đệ nhất danh. “Do khoa thi đó triều đình không mở thi Đình để chọn Tam khôi nhưng người đỗ đầu là Lê Quát vẫn được truyền tụng là Trạng nguyên… Tin vui từ kinh kỳ về Kẻ Rỵ, Nhân dân vẫn gọi ông là Trạng nguyên với cái tên thân thương là “Trạng Quét”, ghi nhớ một thuở hàn vi” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

“Trải qua các triều vua Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông ông được triều đình trọng dụng và giao giữ nhiều chức vụ như Binh bộ Thượng thư, Hữu bộc, Đại Hành khiển, Hàn lâm, Thừa chỉ… Từ cậu bé sớm mồ côi cha phải sống cuộc đời nghèo khổ, Lê Quát đã rèn luyện ý chí trở thành một danh sĩ có học vấn uyên thâm” (sách Địa chí huyện Thiệu Hóa).

Là người theo Nho học, ông luôn khát khao dốc sức đem tài năng, tri thức của mình góp phần củng cố triều đình, cải cách chính sách để làm cho đất nước vững mạnh, người dân được hưởng lợi ấm no. Tuy nhiên thời bấy giờ, nhà Trần vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đạo Phật, lại thêm các vị trí trọng yếu trong triều đình vẫn dành cho các thân vương họ Trần, vì thế mà theo sử liệu, nhiều đề xuất cải cách của Lê Quát khi dâng lên vua nhà Trần đã không được chấp thuận. Dẫu vậy, ông vẫn được sử liệu và dân gian nhắc đến với sự đề cao, coi trọng.

Lê Quát: Vị “Trạng nguyên” tài hoa vượt lên nghịch cảnhĐền thờ Lê Quát ngày nay không còn, trên khu đất được cho là đền thờ cũ, một hộ dân đã lập miếu nhỏ để thờ phụng vị “Trạng Quét”.

Đâu chỉ làm quan lớn, với học vấn uyên thâm, giỏi chữ nghĩa, trên phương diện văn chương Lê Quát còn là thi nhân - tác gia nổi tiếng thời Trần. Ông có nhiều sáng tác thơ nổi tiếng để đời, được tuyển trong “Toàn Việt thi lục” (Lê Quý Đôn biên soạn), “Tinh tuyển chư gia luật”… Theo sách Địa chí huyện Thiệu Hóa: “Sinh thời ông từng là bạn học thân thiết và từng làm quan với Phạm Sư Mạnh. Đôi bạn văn chương đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị làm phong phú kho tàng văn thơ Lý - Trần. Đương thời, sự nghiệp và cuộc đời của Lê Quát còn trên cả Phạm Sư Mạnh. Khi Phạm Sư Mạnh được cử đi sứ sang nhà Nguyên, Lê Quát tiễn bạn và làm bài thơ chữ Hán “Tống công Phạm Sư Mạnh Bắc sứ” dịch nghĩa là: "Nay bác lên ngựa đi qua ba nghìn trạm đất/ Tôi về núi nơi mười hai cửa biển/ Kẻ thì làm sứ giả Nam triều, kẻ thì làm khách tiêu dao bên chân trời/ Bác được công danh, tớ được nhàn rỗi”.

Không chỉ làm thơ hay, sinh thời Lê Quát còn là người thích du ngoạn, “dấu chân đã để lại trong hầu nửa thiên hạ”, sách Văn tài võ lược xứ Thanh khi nhắc đến sở thích du ngoạn và vịnh thơ, đề văn của vị Trạng nguyên đất Kẻ Rỵ cũng dẫn giải: “Cụ Nguyễn Trãi một lần du chơi ở núi Long Đại (Hàm Rồng) xứ Thanh có đề thơ “Long Đại Nham” trên vách đá có nhắc đến thơ Lê - Phạm (tức Lê Quát và Phạm Sư Mạnh) trước kia cũng từng đề thơ ở đây nhưng lúc ấy đã bị rêu phong: Lê - Phạm phong lưu ta tiệm viễn/ Thanh đài bán thực bích gian thi” (được hiểu là Lê Phạm phong lưu đâu thấy nữa/ Vách thơ rêu biếc nửa phôi pha).

Tấm gương nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cuộc đời và sự nghiệp quan trường vẻ vang, cùng tài năng văn chương của Lê Quát khiến người đương thời và hậu thế kính phục. Bởi vậy, sau khi mất, ông đã được người dân quê hương Kẻ Rỵ lập đền thờ phụng tưởng nhớ. Tương truyền, tại đền thờ khi xưa còn lưu đôi câu đối ngợi ca, đại ý: Văn thơ nức tiếng người đời ai cũng biết/ Đức hiếu trung còn lưu mãi về sau.

Đáng tiếc, trải qua thời gian, đến nay đền thờ vị danh sĩ tài hoa Lê Quát không còn. Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết: “Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khi xưa đền thờ cụ Lê Quát nằm trên đất thôn 3, ngày nay đã thuộc đất ở của một hộ dân. Người dân Thiệu Trung bao đời nay vẫn dành sự kính ngưỡng cho tiền nhân Lê Quát. Việc khôi phục, tôn tạo đền thờ cũng là mong mỏi chính đáng của người dân Thiệu Trung, tuy nhiên với quyền hạn của xã, vấn đề này rất khó. Vì vậy, xã Thiệu Trung rất mong có sự quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn để mong mỏi khôi phục đền thờ Lê Quát, nếu có thể sẽ sớm được thực hiện”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]