09:51 21/08/2023 GMT+7
(vhds.baothanhhoa.vn) - Với Luật bảo vệ trọng tài, Ngoại hạng Anh đang cấm những "người con" cãi lại "cha mẹ" của mình.

Luật bảo vệ trọng tài tại Ngoại hạng Anh: Đã là "con" thì không được cãi lại "cha mẹ"!

Với Luật bảo vệ trọng tài, Ngoại hạng Anh đang cấm những “người con” cãi lại “cha mẹ” của mình.

Luật bảo vệ trọng tài tại Ngoại hạng Anh: Đã là “con” thì không được cãi lại “cha mẹ”!

Những hành vi “pressing” trọng tài như của Bruno Fernandes sẽ không được phép tái diễn.

1. “Vua sân cỏ” – danh xưng được nhiều người đặt cho các vị trọng tài, để nói lên quyền lực tối thượng của những người cầm cân nảy mực, với những quyết định có thể thay đổi cục diện trận đấu.

Nhưng, dùng từ “vua” vẫn hơi xa cách và có phần trịnh thượng. Để gần gũi và đúng nghĩa, chúng ta nên gọi trọng tài là “cha mẹ” (trọng tài là cha là mẹ). Bởi với cách gọi này, gán luôn trách nhiệm cho các trọng tài khi điều hành trận đấu và cũng thể hiện sự kính trọng của các cầu thủ, HLV đối với những người cầm cân nảy mực.

Ngoại hạng Anh - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, đang tiên phong cho cách làm bóng đá văn minh, “kính nể tuyệt đối” các trọng tài, với luật mới được áp dụng ở mùa bóng năm nay - Luật bảo vệ quyền lợi cho trọng tài (gọi tắt là Luật bảo vệ trọng tài).

Theo đó, bất kỳ cầu thủ nào có hành động gây sức ép với trọng tài, phản đối trọng tài, đều phải nhận hình phạt từ phía những người điều hành trận đấu.

Luật bảo vệ trọng tài tại Ngoại hạng Anh: Đã là “con” thì không được cãi lại “cha mẹ”!

Trọng tài sẽ được quyền rút thẻ nhiều hơn nếu HLV gây sức ép hoặc có hành vi thái quá. Ảnh: The Telegraph.

Qua hai lượt trận mở màn, người theo dõi Ngoại hạng Anh đã thấy rõ việc “lạm phát” thẻ vàng… vì “cãi lại” trọng tài.

Trận Super Sunday ở vòng 1, giữa Liverpool vs Chelsea, Nicolas Jackson bị Konate chặn lại, anh phản ứng - anh nhận thẻ, Conor Gallagher phạm lỗi ngay khi Mac Allister phản công, tiền vệ của Liverpool giơ tay lên đòi thẻ - anh nhận thẻ.

Đến trận cầu đinh ở vòng 2, giữa Tottenham vs Man United, “chuyên gia pressing trọng tài” Bruno Fernandes như thói quen lao đến đòi công bằng, nhưng khác với sự phân bày trước đó, lần này ông Michael Oliver… trao cho anh tấm thẻ vàng.

Thông qua điều luật mới, và qua hai trận đấu mở màn, BTC giải Ngoại hạng Anh đang muốn nêu rõ vấn đề: cầu thủ tập trung vào chơi bóng, HLV tập trung vào chỉ đạo, còn việc xác định đúng hay sai, hãy để trọng tài (nói theo cách dân dã: khi trọng tài đã đưa ra quyết định thì “cấm cãi”).

2. Một điểm rất dễ nhận thấy, Luật bảo vệ trọng tài tại EPL hướng đến việc các cầu thủ phải tôn trọng quyết định từ phía những người cầm cân nảy mực. Tôn trọng con người - nếu tiếp cận theo góc độ này, thì chẳng có gì phải bàn cãi, bởi nó mang tính nhân văn.

Tuy nhiên, qua hai vòng khởi màn mùa giải mới, khi Luật bảo vệ trọng tài đi vào thực tế, đã bộc lộ nhiều tồn đọng, khiến những người theo dõi cảm thấy chưa thỏa đáng, thậm chí đi đến hoài nghi về năng lực chuyên môn của các vị trọng tài.

Trong trận đấu muộn nhất vòng 1 giữa Man United vs Wolves, tổ trọng tài điều hành trận đấu đã mắc sai lầm nghiêm trọng, khi “cướp trắng” quả Pen của đội khách Wolves, trong tình huống mà thủ thành Andre Onana của Man United đã vi phạm luật chơi.

Hệ luỵ phía sau thì ai cũng đã rõ, Wolves nhận trận thua với tỷ số 0 - 1, trọng tài chính Simon Hooper và 2 trợ lý phòng VAR là Michael Salisbury, Richard West bị cấm điều hành ở vòng sau.

Sai lầm của trọng tài là vấn đề muôn thuở, điều rất bình thường trong bóng đá, nên chúng ta không bóc tách, phân tích nhiều. Nhưng riêng trong tình huống này, khi áp dụng Luật bảo vệ trọng tài, cho ta thấy, trọng tài là người sai – “cha mẹ” là người sai, nhưng “các con” không được phép cãi lại.

Đi vào sâu hơn nữa năng lực của các trọng tài. Đúng là có nhiều tình huống mà phản ứng của cầu thủ, HLV khiến các trọng tài rối rắm suy nghĩ, dẫn đến đưa ra những quyết định thiếu tính khách quan. Nhưng, chỉ vì những phản ứng nêu trên mà trọng tài “không còn giữ được mình”, thì liệu những người được giao trọng trách điều hành trận đấu đã đủ năng lực làm nghề hay chưa? Và diễn giải theo hướng này, biết đâu sẽ có ngày EPL “cấm CĐV gây áp lực”… vì làm ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài.

Chúng ta cũng tìm thấy điểm tương đồng giữa các trọng tài xuất sắc của bóng đá thế giới như Collina, Markus Merk, Howard Webb, Daniele Orsato,… là gì? Họ rất giỏi, khi phải đối diện với những phản ứng gay gắt từ phía cầu thủ, HLV. Những phản ứng này là bộc phát hay có chủ đích, nhưng không dễ gì thao túng được tâm lý của những người điều hành trận đấu tài ba.

Khi phân tích Luật bảo vệ trọng tài, chúng ta cũng đang đặt mình trong hoài nghi lớn, với trình độ chuyên môn của các vị trọng tài tại Ngoại hạng Anh.

Luật bảo vệ trọng tài tại Ngoại hạng Anh: Đã là “con” thì không được cãi lại “cha mẹ”!

Tình huống các cầu thủ Wolves bị mất oan quả phạt đền trong trận gặp MU. Nguồn: Vietnamnet.vn.

Trên đất Nga, năm 2018, trọng tài người Anh vắng bóng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, lần đầu tiên sau 80 năm. Đến kỳ World Cup vừa rồi tại Qatar, nước Anh cũng chỉ có đúng hai đại diện cầm còi là ông Taylor và Oliver. Ông Taylor cầm còi ở hai trận vòng bảng, còn ông Oliver thậm chí bị “trả về” sau những sai lầm mắc phải ở trận tứ kết giữa Croatia vs Brazil.

Từ những hoài nghi trên, mới lục lại vấn đề, vậy phản ứng từ phía truyền thông, BHL, cầu thủ có phải là phiến diện, có hẳn chỉ là những tiêu cực hay không? Và trọng tài tại EPL đã đáp ứng được chuyên môn của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hay chưa?

Thêm một vấn đề nữa mà người theo dõi giải bóng đá Ngoại hạng Anh cũng nhận thấy, Luật bảo vệ trọng tài đang trói buộc cảm xúc rất đời thường của con người.

Tình huống mà Mac Alister bị nhận thẻ đỏ (đối với phần lớn, đây là tình huống mà trọng tài Paul Tierney đã quá nặng tay), hàng chục nghìn người tại Anfield phản đối, la hét gay gắt, biểu thị thái độ bất bình? Nhưng trên sân, Klopp ngoan ngoãn, Mac Alister dù phải nhận thẻ đỏ cũng rất ngoan ngoãn.

Lẽ đương nhiên, người hâm mộ Liverpool không muốn thấy thái độ như vậy từ phía thành viên của đội bóng, người hâm mộ các đội bóng khác khi đặt mình vào vị trí của các Liverpudlians, ắt hẳn cũng có cảm giác tương tự. Nhưng bây giờ, từ việc không muốn, họ dần phải cảm thông cho nhau.

Trước đó, công nghệ VAR khi áp dụng vào bóng đá, đã gây nên những phản ứng trái chiều, mà người tranh biện đưa ra quan điểm của mình rằng, VAR trói buộc cảm xúc, huỷ diệt cảm xúc của con người.

Nhưng, VAR dù sao cũng là mối tương giao giữa công nghệ với con người. Còn bây giờ, ngay đến giữa người với người, cảm xúc cũng đang bị kìm hãm, trói buộc và những mong muốn đối thoại cũng không còn nữa.

Chúng ta đã quen với thói cũ, nên một điều luật mới được áp dụng, dẫn đến những phản ứng ngược là lẽ bình thường (điều này khiến cho chúng ta cũng phải có những suy xét khi đánh giá về Luật bảo vệ trọng tài). Nhưng rõ ràng, xét trên nhiều phương diện, Luật bảo vệ trọng tài khi đi vào hoạt động đã lộ rõ những hạn chế, bất cập.

Chúng ta không phản biện cách tiếp cận vấn đề của BTC giải Ngoại hạng Anh, là các cầu thủ phải giành sự tôn trọng đối với trọng tài. Vấn đề đặt ra ở đây, vừa giành sự tôn trọng cho các trọng tài, vừa khiến các cầu thủ phải phụ, thì phải làm như thế nào? Cách duy nhất là các trọng tài phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, chất lượng làm nghề.

Còn bây giờ, khi mà năng lực của trọng tài đang bị hoài nghi – “cha mẹ” chưa đúng, thì cứ cấm “các con” cãi lại trước đã!.

Thắng Nguyễn


Thắng Nguyễn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]