(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Phát triển làng nghề đã và đang mang lại nhiều lợi ích, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay tại các làng nghề truyền thống việc xử lý nước thải vẫn còn bỏ ngỏ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn bỏ ngỏ việc xử lý nước thải tại các làng nghề truyền thống

(VH&ĐS) Phát triển làng nghề đã và đang mang lại nhiều lợi ích, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay tại các làng nghề truyền thống việc xử lý nước thải vẫn còn bỏ ngỏ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Báo động ô nhiễm làng nghề

Thống kê từ Chi cục Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 31 nghề truyền thống, song hiện chỉ còn 25 làng nghề hoạt động, phân bố rải rác tại các huyện đồng bằng và ven biển. Các làng nghề truyền thống tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, cung cấp phần lớn sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh.

Thu nhập ổn định, đời sống không ngừng được nâng cao, nhưng phần lớn các làng nghề truyền thống chưa ý thức được tác hại trong việc xử lý môi trường.

Nghề nấu rượu làng Quảng (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) có truyền thống trên 200 năm, nổi tiếng không chỉ bởi men thuốc đặc biệt, mà còn ở kỹ thuật pha chế, ủ, trưng cất, bảo quản. Hiện, tại địa phương có khoảng trên 30 hộ làm nghề nấu rượu, tập trung ở phố Quảng Xá 2, Mật Sơn, thu hút trên 100 lao động tham gia, sản phẩm được tiêu thụ khắp nơi, mang lại nguồn thu ngân sách cho phường hàng tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay môi trường nơi đây đang bị “đe dọa” bởi phần lớn các hộ nấu rượu thường có thói quen xả trực tiếp nước thải ra cống, rãnh trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Duy Hiệp - Trưởng phố Quảng Xá 2, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, cho biết: “Trung bình mỗi ngày gia đình đổ ra ngoài môi trường khoảng 1 khối nước thải. Do dân cư tập trung đông, địa phương khó khăn về kinh phí nên chưa xây dựng được công trình xử lý nước thải bảo đảm, vì vậy bao năm nay người dân vẫn đổ trực tiếp nước thải ra bên ngoài”.

Không chỉ ở phường Đông Vệ, tại làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, Thiệu Hóa), tình trạng hộ dân làng nghề ngang nhiên xả nước thải ra môi trường từ lâu đã trở thành câu chuyện hết sức bình thường.

Trao đổi với ông Hoàng Viết Đức - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề ươm tơ truyền thống của xã, được biết xã Thiệu Đô có 65 ha trồng dâu, nuôi tằm, mỗi năm sản xuất được 250 - 270 tấn kén, doanh thu bình quân trên dưới 3 tỷ đồng/năm. Riêng làng Hồng Đô hiện có 37 hộ ươm tơ, tập trung tại các thôn 7,8,9,10. Chỉ tính riêng cơ sở gia đình ông, mỗi năm giải quyết việc làm cho 25 lao động. Do diện tích xưởng chật, hẹp, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nên hàng ngày xưởng dệt của ông Đức thải ra trên 15 khối nước thải.

Nguồn nước ao, hồ bị ô nhiễm do nước thải từ các cơ sở ươm tơ, dệt nhiễu tại làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô, Thiệu Hóa.

Không chỉ riêng hộ gia đình ông Đức, nhiều hộ gia đình tại đây vẫn xả nước chưa xử lý, thông qua hệ thống cống, rãnh, trực tiếp đổ ra ngoài hệ thống ao, hồ. Nước thải phát sinh gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn tiếp nhận như ao, hồ, kênh mương, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của người dân xung quanh.

Phát triển làng nghề phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Theo số liệu của Sở Tài nguyên & Môi trường, hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chiếm tỉ lệ thấp; nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa qua xử lý thải trực tiếp ra ngoài môi trường nước mặt, nước ngầm; các cơ sở hoạt động tại các làng nghề truyền thống hầu hết chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải... Dẫn đến nước thải tại một số làng nghề có nhiều chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,23 đến 8,58 lần.

Nguyên nhân, trước hết do các làng nghề còn phân tán trong khu dân cư, sản xuất mang nặng tính thủ công, chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Chính quyền một số nơi chưa quan tâm hoặc thiếu nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề truyền thống, đồng thời để phát triển làng nghề đi đúng hướng, trước mắt chính quyền, địa phương các cấp cần có lộ trình cụ thể trong việc quy hoạch, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề, lắp đặt hệ thống đường ống thu gom, bể lọc, trạm xử lý nước thải, bể biogas, tại các cụm làng nghề khu vực nông thôn, đồng thời tăng cường quản lý môi trường thông qua hương ước làng, xã; thực hiện đồng bộ các giải pháp từ vận động, tuyên truyền đến kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo các làng nghề phát triển bền vững.

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]