(vhds.baothanhhoa.vn) - “Xanh” đang là xu hướng khởi nghiệp được lan tỏa trong các bạn trẻ. Bằng trí sáng tạo, sự đam mê và nhất là ý thức coi trọng “mẹ trái đất” họ đã tạo ra những sản phẩm thân thiện, an toàn, bảo vệ thiên nhiên một cách bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi nghiệp xanh

“Xanh” đang là xu hướng khởi nghiệp được lan tỏa trong các bạn trẻ. Bằng trí sáng tạo, sự đam mê và nhất là ý thức coi trọng “mẹ trái đất” họ đã tạo ra những sản phẩm thân thiện, an toàn, bảo vệ thiên nhiên một cách bền vững.

Dự án ống hút tre của anh Lê Xuân Lâm (xã Tân Thành, Thường Xuân) đạt giải thưởng Lương Đình Của của Trung ương Đoàn năm 2019.

Hy vọng từ những sản phẩm “xanh”

Một năm trở lại đây, nhiều quán cà phê trên địa bàn thành phố đã ngưng sử dụng hoặc hạn chế ống hút nhựa mà thay bằng ống hút làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Anh Lê Xuân Lâm (xã Tân Thành, Thường Xuân) là một trong những người đầu tiên ở Thanh Hóa khởi nghiệp thành công từ dự án ống hút tre. Theo lời anh Lâm thì từ nhỏ anh đã có một tình yêu đặc biệt dành cho cây tre, anh rất thích những đồ vật làm từ tre luồng và những đồ vật đó được anh giữ gìn cẩn thận. Lớn lên tình yêu dành cho cây tre vẫn luôn âm ỉ trong anh, cho đến một hôm “gia đình anh đi dã ngoại tại một khu sinh thái. Khi đã mệt mọi người muốn uống nước nhưng quên không mang ống hút hay cốc nhựa, khi đó em trai mình là Lê Xuân Hà đã lấy cọng tre, vệ sinh sạch sẽ rồi đưa cho bọn trẻ dùng, một ý tưởng nảy lên trong đầu tôi. Có thể tình yêu đối với câytre đã khiến tôi có duyên với nó” anh Lâm cho biết. Rồi trong một lần tham gia hoạt động cùng tổ chức phi chính phủ tìm hiểu về tre luồng tại Thanh Hóa thì anh đã hiểu ra rất nhiều lợi ích từ cây tre và khi tình yêu đã có cơ sở thì sẽ bùng cháy thành ngọn lửa đam mê, anh Lâm quyết tâm khởi nghiệp từ cây tre.

Theo anh Lâm tìm hiểu thì tại thời điểm đó (năm 2016) ở Việt Nam chưa có cơ sở nào sản xuất ống hút bằng tre mà mới chỉ có ở nước ngoài. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, không ai có thể chỉ dạy cho anh kinh nghiệm hay dây chuyền sản xuất như thế nào, thậm chí trên mạng cũng chưa có cách thức làm ống hút tre. Anh khởi nghiệp bằng con số 0 tròn trĩnh. Biết là khó nhưng không gì là không thể, anh cùng những người anh em của mình tự làm tất cả mọi thứ, từ tìm vùng nguyên liệu, thử nghiệm sản phẩm đến chế tạo máy móc sản xuất ra ống hút tre. Tháng 12/2016 những chiếc ống hút tre đầu tiên ra đời. Đến nay, Lâm cùng với 2 em đã thành lập Công ty TNHH Vibabo với diện tích nhà xưởng 1.000 m2 và hơn 60 công nhân sản xuất ống hút tre, thìa tre, bút tre... Mô hình đã mang lại doanh thu đạt 5,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1,2 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thời vụ. Hiện, sản phẩm ống hút từ tre, nứa của công tychủ yếu xuất khẩu và tiêu thụ tại các thị trường khó tính gồm: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Là những sản phẩm thân thiện với môi trường hay biến những thứ mà mọi người nghĩ là rác thành sản phẩm hữu dụng là ý nghĩa chung của khởi nghiệp xanh. Nhóm tác giả Nguyễn Trường Minh (Đại học Hồng Đức) có dự án chiết xuất vỏ cây keo thành tinh dầu. Xuất phát từ thực trạng người dân trồng keo sau khi thu hoạch bỏ lại vỏ cây keo gây lãng phí, nhiều nơi vỏ cây keo quá nhiều nên người dân thu gom để đốt gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo anh Minh tìm hiểu thì bên Trung Quốc đã có phương thức chiết xuất vỏ cây keo thành tinh dầu có tác dụng làm chất phụ gia công nghiệp. Theo đó, anh đã cùng với những người bạn của mình xây dựng nhà máy chế biến vỏ cây keo tại xã Trung Thành (Như Xuân), thu mua vỏ cây keo tại các vùng ở Thanh Hóa, Nghệ An... sơ chế sau đó chuyển cho nhà máy chiết xuất. Mỗi năm nhà máy có khả năng xuất 100 tấn vỏ keo, thu về hàng trăm triệu lợi nhuận. Anh Minh chia sẻ “sự thay đổi tiêu cực từ môi trường là một phần để mình nghiên cứu dự án này, hy vọng dự án xanh này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người trong việc giữ gìn môi trường sống và là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ sáng tạo nên những dự án biến rác thành sản phẩm hữu dụng”.

Một niềm vui và cũnglà động lực cho những người khởi nghiệp xanh đó là sự đón nhận, ủng hộ nhiệt tình của mọi người dành cho những sản phẩm thân thiện, tái chế từ rác thải.

Thay đổi thói quen người tiêu dùng

Nói không với túi nilong, ống hút nhựa thời gian gần đây được khá nhiều quán ăn, tiệm trà sữa, cà phê ở TP Thanh Hóa hưởng ứng. Quán cà phê Green Houzz (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) nhộn nhịp các bạn trẻ thưởng thức đồ uống bằng ống hút tre. Anh Lê Bình Giang, chủ quán vui vẻ: “Tuy chưa thể thay thế hoàn toàn ống hút nhựa nhưng quán cố gắng hạn chế nhất việc dùng ly nhựa, ống hút nhựa. Mình cũng khuyến khích khách hàng nếu mua về thì nên mang theo bình, chai hoặc dùng ly giấy, mình thấy khách hàng rất ủng hộ việc này, đây cũng là động lực để quán và mọi người cùng thay đổi thói quen”. Nhờ ý tưởng xanh này mà ống hút tre tuy là “tân binh” trong các tiệm, quán nước nhưng đã được nhiều bạn trẻ chia sẻ, kêu gọi mọi người ủng hộ trên zalo, facebook... và thu hút khá nhiều khách đến.

Dẫu biết rằng chi phí bỏ ra để thay thế toàn bộ ống hút nhựa không hề rẻ, ảnh hưởng đến doanh thu của quán nhưng anh Giang và nhiều bạn trẻ khác vẫn chấp nhận, bởi “bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động nhỏ, là người chủ kinh doanh với khả năng của mình đến đâu thì mình sẽ làm đến đó. Với cả mình thấy rất vui và có động lực khi việc làm của mình được nhiều người ủng hộ, điều đó chứng tỏ rất nhiều khách hàng thích dùng sản phẩm thân thiện với môi trường”, anh Giang chia sẻ.

Xu hướng

Những năm qua, làn sóng khởi nghiệp đã trở nên mạnh mẽ trong giới trẻ Thanh Hóa nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Phần vì nó được truyền cảm hứng từ những người trẻ đã dám dấn thân và giành được nhiều thành công, phần vì công nghệ phát triển như vũ bão, tạo cơ hội hiện thực hóa nhiều ý tưởng sáng tạo. Ý tưởng khởi nghiệp cũng rất đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những dự án về nông nghiệp sạch, cây trồng, vật nuôi mới, những ứng dụng trong sản xuất, phần mềm công nghệ thông tin... thì khởi nghiệp xanh đang là xu hướng của nhiều người trẻ hướng tới. Không cần ý tưởng quá cao siêu, ứng dụng làm thay đổi con người, khởi nghiệp xanh bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm sống với môi trường, thiên nhiên. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh thiếu niên Thanh Hóa lần thứ 5 năm 2019 vừa qua, trong số 10 ý tưởng suất sắc nhất lọt vào chung kết có nhiều ý tưởng “xanh” như: Sản xuất các sản phẩm thủ công từ cây bèo lục bình của tác giả Lê Thị Tâm (Thọ Xuân); sản xuất, chế biến trà thảo mộc bằng máy sấy năng lượng mặt trời của Nguyễn Thị Phương (Thọ Xuân)...

Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết: “Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên những năm qua thực sự đã trở thành sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ. Mỗi cuộc thi thu hút hàng nghìn ý tưởng, trong đó các dự án đạt giải đều đã thành công trong thực tế, nhiều bạn trẻ đã thành doanh nhân thành đạt và sau đó các bạn quay trở lại chương trình với tư cách người giúp đỡ, hướng dẫn các thí sinh và sẵn sàng đầu tư cho các dự án khả thi. Tỉnh Đoàn cũng rất khuyến khích bạn trẻ khởi nghiệp xanh nhằm chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, với những dự án xanh chúng tôi sẽ ưu tiên cho vay nguồn vốn ưu đãi và cùng với các chuyên gia tạo điều kiện cho dự án triển khai trong thực tiễn”.

“Phát triển cây tre để mọi người biết và hiểu được giá trị của cây tre Việt Nam. Với đặc tính của mình, một trong những giá trị lớn nhất của cây tre là tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm sẽ góp phần làm cho môi trường trong sạch hơn. Mình hy vọng cây tre Việt Nam sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao ý thức người tiêu dùng, hạn chế sản phẩm từ nhựa và chống biến đổi khí hậu”.

Anh Lê Xuân Lâm (xã Tân Thành, huyện Thường Xuân)

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]