(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa. Bởi vậy, OCOP được kỳ vọng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình OCOP mở lối cho sản phẩm “Made in Thanh Hóa”

Phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa. Bởi vậy, OCOP được kỳ vọng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đa dạng sản phẩm OCOP

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có sự đa dạng về sinh thái gồm: đồng bằng ven biển, trung du và miền núi, được xem là những lợi thế để có thể tạo ra sản phẩm đa dạng từ nông nghiệp, nông thôn gắn với đặc trưng của vùng, miền. Song, dù đã có những đột phá về chính sách, nỗ lực trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác, gắn phát triển kinh tế với du lịch... nhưng kinh tế nông thôn vẫn chậm phát triển, thậm chí còn nảy sinh những bất cập do thiếu đồng bộ trong tổ chức sản xuất từ nghiên cứu, thiết kế sản phẩm đến bảo quản, xây dựng thương hiệu và nhất là xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hầu như không có. Nhìn rõ những khó khăn nội tại, tỉnh Thanh Hóa đã chọn thực hiện Chương trình OCOP làm mũi đột phá, nhằm biến lợi thế trở thành nguồn lực.

Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, có 13 sản phẩm được xếp hạng, công nhận sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao, gồm: dưa lưới taki, dưa chuột baby của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong cách mới (Quảng Xương); nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa).

Trang trại trồng dưa lưới Taki của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới.

Năm 2020, Thanh Hóa có thêm 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt hạng 4 sao là: ống hút tre của Công ty TNHH ViBaBo (Thường Xuân) và 16 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao, như: Chè lam Phủ Quảng của cơ sở sản xuất Lâm Thu (Vĩnh Lộc); nấm bào ngư xám, nấm mộc nhĩ khô, nấm linh chi đỏ của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh); cam đường canh, cam Xã Đoài của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Công (Như Xuân); lá xông hơi cảm lạnh, ngâm chân Mộc Việt của hộ sản xuất Nguyễn Thị Lan Anh (Quảng Xương); dầu lạc Linh Phượng của hộ sản xuất Nguyễn Thị Thùy Linh (Hà Trung)... Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa đã có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 24 sản phẩm xếp hạng 3 sao...

Nếu như trước đây, đặc sản Thanh Hóa chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, và chỉ tiêu thụ ở một mức độ khiêm tốn thì nay các sản phẩm đó đang ngày càng vươn ra thị trường lớn, mang lại giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm sau khi được lựa chọn tham gia OCOP của tỉnh đã nâng cao giá trị gia tăng, trở thành “thương hiệu” cho sản phẩm Thanh Hóa. Chương trình OCOP như làn gió mới giúp cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: “Sản phẩm dầu lạc Linh Phương là một trong 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019 và được đánh giá, xếp hạng 3 sao. Để phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, thời gian qua, UBND huyện đã chủ động tư vấn để cơ sở hoàn thiện phiếu đăng ký phương án kinh doanh, hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhận diện thương hiệu; mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, qua đó, khẳng định một thương hiệu thực phẩm sạch của địa phương”.

Đẩy mạnh hoạt động kết nối

Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ Chính phủ, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương.

Ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm, song cơ bản mới ở dạng tiềm năng. Hiện một số người vẫn hiểu, sản phẩm làng nghề truyền thống là sản phẩm OCOP là chưa đúng, cần phải nâng tầm sản phẩm theo hướng “sản phẩm địa phương, hướng tới toàn cầu”. Ngoài quảng bá, phát triển bền vững thị trường, cần phải gắn với sự sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm thành một chuỗi. Sản phẩm phải đặc trưng, cần gắn với xuất xứ, ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nhân văn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Các yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP cũng đặt ra vấn đề phải đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất sản phẩm nhằm khơi dậy sự sáng tạo, kỹ năng, thổi hồn cho sản phẩm, áp dụng được khoa học - kỹ thuật vào khâu sản xuất”.

Có thể khẳng định rằng, Chương trình OCOP sau khi triển khai đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và các chủ thể kinh tế. Nhờ đó, sau hơn 1 năm triển khai, chương trình đã thu được những “trái ngọt” đầu tiên.

Anh Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), cho biết: Trước khi tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép của doanh nghiệp đã được người tiêu dùng biết đến. Song, chỉ dừng lại ở nhóm hàng thực phẩm thuần túy, chưa toát lên được sự ưu việt, vượt trội và giá trị văn hóa, truyền thống của sản phẩm. Các sản phẩm của đơn vị được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh chính là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng và tính truyền thống trong sản phẩm của địa phương mà còn góp phần quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong, ngoài tỉnh và vươn ra thế giới. Được biết, đến cuối năm 2019, mắm và nước mắm mang nhãn hiệu Lê Gia được xuất khẩu đi Nga, Nam Phi và Hàn Quốc. Hiện, công ty đang tiếp tục xúc tiến để đưa sản phẩm truyền thống của địa phương đi thị trường Hoa Kỳ và các nước EU.

Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, Thanh Hóa đã có những bước đi cụ thể, linh hoạt. Theo đó, tính đến nay tỉnh đã hỗ trợ 13 sản phẩm đạt sao, mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm để thực hiện các nội dung: tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR Code; in bao bì... Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]