(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Theo Quyết định số 59 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo sẽ được xem xét từ cả góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn các hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc đánh giá này cũng nảy sinh nhiều thách thức mới...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm nghèo đa chiều: Khó lại thêm khó

(VH&ĐS) Theo Quyết định số 59 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo sẽ được xem xét từ cả góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn các hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là phương thức để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc đánh giá này cũng nảy sinh nhiều thách thức mới...

Khi số hộ nghèo tăng đột biến

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các xã phải đạt tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 5%. Vấn đề đặt ra là hiện nay, việc áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của nhiều xã tăng lên rất cao. Từ đó tạo áp lực lớn không chỉ đối với các xã phấn đấu về đích NTM mà còn với xã đã đạt chuẩn NTM.

Tại xã Yên Lâm (Yên Định) sau gần 2 năm đạt chuẩn NTM, theo số liệu thống kê đến nay xã vẫn còn tới trên 100 hộ nghèo. Toàn xã có trên 1.700 hộ với gần 7 ngàn nhân khẩu nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 16,4%, tăng thêm 11,5% so với năm 2015, khi xã bắt đầu công nhận đạt chuẩn NTM.

Còn tại xã Đồng Tiến (Triệu Sơn), cũng trong tình trạng tương tự khi mà sau2 năm được công nhận xã đạt chuẩn NTM số hộ nghèo tăng đột biến từ 4,9% (2015) lên 11, 19% (2017). Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Đồng Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Trước đây, chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo, thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Còn hiện nay, thực hiện theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, địa phương gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số huyện miền núi thì từ khi tiếp cận giảm nghèo đơn chiều sang đa chiều đã khiến các địa phương này gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện cơ sở hạ tầng ở đây chưa đồng bộ, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn thiếu, nhà ở theo tiêu chuẩn 3 cứng cũng chưa đạt... Bởi thế, nhiều cán bộ chính sách ở các huyện miền núi đều cho rằng: Số hộ nghèo về sau giảm rất khó. Do bởi xét tiêu chí đa chiều nên mặc dù họ đạt về thu nhập thì vẫn còn vướng về nhà ở hoặc bảo hiểm y tế hay thiếu hụt về thông tin... Xét theo đa chiều tuy dễ mà rất khó.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng cho rằng: Với phương thức tính điểm dựa trên biểu mẫu, chuẩn nghèo mới được xác định căn cứ vào thu nhập đặc trưng của hộ, đồng thời kết hợp với việc thực hiện các tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt ở 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin và môi trường. Theo đó, tương ứng với từng tiêu chí, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có tổng số điểm từ 120 điểm trở xuống, và có thu nhập bình quân dưới 700.000 đồng/ người/ tháng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương tăng lên và sẽ là áp lực cao cho các xã chuẩn bị đạt chuẩn NTM.

Đào tạo nghề góp phần tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cần những giải pháp phù hợp

Bà Lê Thị Chinh - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định, cho biết: Với cách đánh giá mới, tình trạng xin được nghèo hoặc quyết tâm bám trụ hộ nghèo sẽ bị loại dần. Hơn nữa, khi xác định rõ nguyên nhân sẽ có giải pháp hỗ trợ kịp thời hơn. Đây là cơ hội để các hộ nghèo được tiếp cận với những hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Triệu Sơn, cho rằng: Các tiêu chí mới đã thực chất hơn và cũng dễ hơn cho cán bộ cơ sở thực hiện điều tra đánh giá. Tuy nhiên, những tiêu chí có thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm, nhà ở, nước sạch... thì dễ dàng đánh giá, nhưng với tiêu chí thu nhập việc điều tra, bình xét khó khăn vì người dân thường né tránh việc điều tra, hoặc kê khai đầy đủ do có tâm lý “muốn” nghèo.

Thực tế cho thấy, có những hộ nhìn bề ngoài có vẻ khá giả nhưng nếu đo lường 5 dịch vụ cơ bản thì lại rơi vào hộ nghèo, hoặc có hộ dù nuôi tới 3 con ăn học đại học, con cái tham gia bảo hiểm y tế... rõ ràng đạt chỉ tiêu giáo dục nhưng lại vẫn nghèo về thu nhập vì kiếm được 1 đồng phải chi đến 2, 3 đồng cho con cái ăn học. Do đó, việc đánh giá chuẩn hộ nghèo mới cần có giải pháp căn cơ và biện pháp hỗ trợ đúng và trúng.

Trong công tác giảm nghèo, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm yếu tố bền vững. Ngay cả trong giai đoạn 2011 - 2015, khi chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập để đánh giá nhưng kết quả giảm nghèo của tỉnh cũng chưa thật sự bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo, khi gặp những biến cố, rủi ro về bệnh tật, tài chính, các hộ này rất có khả năng lại rơi vào hộ nghèo. Vì vậy, khi chuẩn nghèo được xem xét trên góc độ đa chiều thì việc giảm nghèo bền vững sẽ càng khó khăn hơn.

Các tiêu chí trong Quyết định 59 của Chính phủ về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đòi hỏi toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực và phải đảm bảo các yếu tố như: Giáo dục, y tế, điều kiện sống về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, thông tin... Trong khi đó áp dụng các yếu tố này nhiều địa phương vùng biển, miền núi,... trong tỉnh còn thiếu và yếu. Vì thế, các địa phương cần có những bước đi, giải pháp phù hợp để thực hiện thành công giảm nghèo bền vững.

Yến Vy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]