(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2017 Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh với quy mô cấp Quốc gia. Qua sự kiện này đã có tổng nguồn vốn đăng ký 6,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Hội nghị này cũng góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa lên vị trí thứ 3 cả nước ở phân khúc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làn sóng đầu tư mang kỳ vọng hiện đại hóa quê Thanh

Năm 2017 Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh với quy mô cấp Quốc gia. Qua sự kiện này đã có tổng nguồn vốn đăng ký 6,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Hội nghị này cũng góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa lên vị trí thứ 3 cả nước ở phân khúc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ

Là một trong những hoạt động bản lề của quá trình xúc tiến đầu tư, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa diễn ra vào ngày 18/5 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đã và đang tác động mạnh mẽ tới kết quả phát triển KT-XH của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô quốc gia và lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Thanh Hóa.​

Hội nghị diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự tham gia của 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế. Tại hội nghị, có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ USD. Thông qua sự kiện, các ngân hàng cũng trao cam kết tài trợ vốn tín dụng cho các nhà đầu tư của 10 dự án đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, cảng biển, hạ tầng... với tổng số tiền hơn 10.500 tỷ đồng.

Trong 32 dự án này, có những dự án quy mô lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II do Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đầu tư có tổng vốn 62.005 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất ô tô điện do Công ty TNHH MTV đầu tư Hồ Huy và Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) đầu tư với tổng vốn 11.100 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I do Công ty BS Heidelberg Solar GmbH (Đức) đầu tư với tổng vốn 4.317 tỷ đồng... Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt, theo cam kết của tỉnh Thanh Hóa về việc tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án, 32 dự án này cũng như các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau hội nghị đang từng bước được thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thanh Hóa năm 2017: Số vốn đầu tư thu hút được từ Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017 là kết quả rất đáng trân trọng mà Thanh Hóa đạt được. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ 19/5. Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này đã góp một viên gạch vào việc thực hiện mong ước của Bác.

Thủ tướng khẳng định: "Với quyết tâm, với đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công. Không những thành công ở ven biển, đồng bằng mà thành công ở cả phía Tây rộng lớn để đời sống của người dân nâng lên một bước mới, tăng trưởng phát triển bao trùm”.

Sau hội nghị, Thanh Hóa đã tiếp tục và kêu gọi thêm nhiều dự án đầu tư khác vào tỉnh. Tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh đã thu hút được 249 dự án đầu tư trực tiếp (10 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 32.656 tỷ đồng và 3.059,4 triệu USD, tăng 65 dự án và gấp 4,8 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tạo điều kiện triển khai các dự án

Sau khi tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan báo cáo tình hình triển khai và báo cáo đề xuất hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản hợp tác đầu tư tại hội nghị. Và hiện tại với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh tới địa phương, nhiều dự án trong 32 dự án được kí kết trong và sau hội nghị đã, đang được triển khai tích cực. Thanh Hóa đặc biệt chú trọng tới công tác cải cách hành chính và công tác giải phóng mặt bằng cũng như đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ nằm ngoài các chính sách của Trung ương, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã ban hành Kế hoạch về tiến độ triển khai thực hiện 82 dự án đầu tư kinh doanh lớn trên địa bàn. Trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ theo dõi các dự án cụ thể để chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh lớn trên địa bàn; phân công các sở, ban, ngành làm nhiệm vụ đấu nối, tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong công tác tham mưu, phối hợp và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án;...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân được phân công lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi thực hiện kế hoạch, chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, cập nhật tình hình triển khai dự án vào ngày 15 hàng tháng (tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc) và tổ chức giao ban định kỳ để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Tiếp đó, trong tháng 8/2017, Công ty TNHH Heidelberg Việt Nam và UBND tỉnh đã có buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời tại xã Phú Lâm (Tĩnh Gia). Theo đó, hai bên đã thảo luận, thống nhất phương án điều chỉnh mặt bằng phục vụ dự án, diện tích khoảng hơn 170 ha và số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 110 hộ.

Đặc biệt, vào tháng 11 vừa qua, bộ hợp đồng của Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 bao gồm hợp đồng thuê đất, hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT cũng đã được ký chính thức, đánh dấu bước tiến mới trong triển khai của dự án. Dự án này có quy mô hơn 2,793 tỷ USD, công suất 1.200 MW bao gồm 2 tổ máy, dùng than nhập khẩu, địa điểm đặt tại KKT Nghi Sơn. Theo lộ trình, dự án có 1 năm để thu xếp tài chính trước khi chính thức bước vào xây dựng. Theo kế hoạch, dự án sẽ vận hành thương mại vào năm 2022 với sản lượng điện hàng năm là 8,1 tỷ kWh. Đây là dự án có vốn đầu tư lớn trên địa bàn chỉ sau Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động.

Từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Thanh Hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây không chỉ là thành công, mà còn là niềm tự hào, mang theo kỳ vọng hiện đại hóa quê Thanh.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thanh Hóa năm 2017, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết, số lượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thanh Hóa đã lên đến con số 14, đứng đầu cả nước, cao hơn cả tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cộng lại.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]