(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp CNC.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ vọng và thách thức

Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp CNC.

Kết quả khả quan

Việc chú trọng ứng dụng CNC và phát triển nông nghiệp theo hướng CNC thực sự đã tạo ra sự chuyển mình lớn cho nền nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Điều này được minh chứng rõ khi mà tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định.

Qua nhiều năm đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực, du nhập và tuyển chọn được nhiều giống cây trồng bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống hoa đồng tiền, hoa lan; đồng thời, xây dựng được mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới...

Đầu tư nhà lưới trồng rau, quả theo hướng CNC cần kinh phí rất cao khoảng 1,5 tỷ đồng/ha.

Thanh Hóa đã thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông, Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty CP Nông sản Phú Gia.... Có thể nói mô hìnhtiên phong về ứng dụng CNC của Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn đầu tiên, do Công ty CP Mía đường Lam Sơn đầu tư thực hiện, với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2013 - 2018 hơn 200 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, được sự khuyến khích, hỗ trợ của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đã xây dựng mô hình dưa Kim Hoàng Hậu trên diện tích trên 1.600m2.

Ông Phạm Văn Kiên - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kiên Thọ cho biết: “Đến nay, qua các vụ sản xuất, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu ứng dụng CNC đã mang lại hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác. Đây là hướng đi nhằm hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp”.

Để chuyển dần từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình ứng dụng CNC, huyện Ngọc Lặc đã tuyên truyền vận động nhân dân, có cơ chế thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất. Đặc biệt, việc ứng dụng CNC vào sản xuất còn giúp huyện Ngọc Lặc thực hiện tốt các dự án phát triển nông nghiệp, tuyển chọn và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện địa phương phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Không như kỳ vọng

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thu hút, phát triển doanh nghiệp ứng dụng CNC, song, việc thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn khá hạn chế. Trong số 790 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, chưa đến 10% số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Và trong số các doanh nghiệp hiện đang đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh chỉ có 6 doanh nghiệp có quy mô và vốn đầu tư lớn, còn lại là các doanh nghiệp có quy mô đầu tư nhỏ, lẻ. Theo phân tích, đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy việc phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nguyên nhân là do thiếu quỹ đất tập trung, thời gian thuê đất ngắn, vốn đầu tư lớn, tỉ lệ rủi ro về thời tiết, thị trường cao.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc đầu tư phát triển CNC trong sản xuất, anh Phạm Văn Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Alaka, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) cho biết: “Để đầu tư 1 ha trồng rau, quả theo hướng CNC, yêu cầu nguồn vốn đầu tư tối thiểu từ 3 đến 5 tỷ đồng, đối với nhà lưới là khoảng 1,5 tỷ đồng/ha trong khi tỷ lệ rủi ro về thời tiết, thị trường tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp phải đối mặt lên tới 50 đến 60%. Bên cạnh đó, quá trình tích tụ đất đai quy mô lớn để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất còn gặp bất cập về nhận thức của người dân, hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai, khiến thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất. Ngoài ra, nhân lực, lao động có trình độ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu, khiến quy trình ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất gặp không ít cản trở, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế”.

Nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có những khó khăn cần sớm nhận diện để chủ động vượt qua. Tin rằng với định hướng phát triển đúng đắn của Thanh Hóa đã được đưa ra cùng mục tiêu rõ ràng, cụ thể, nông nghiệp CNC sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và có những bước đột phá và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]