(vhds.baothanhhoa.vn) - Người trồng sen, từ sáng sớm tinh mơ, chân đã lội xuống đầm hái sen. Rồi sau đó, sen được đi “trưng diện” khắp nơi, trên những con phố, trong những con chợ... Sen đẹp và sen cũng đặc biệt thú vị...

Mùa sen lên phố...

Người trồng sen, từ sáng sớm tinh mơ, chân đã lội xuống đầm hái sen. Rồi sau đó, sen được đi “trưng diện” khắp nơi, trên những con phố, trong những con chợ... Sen đẹp và sen cũng đặc biệt thú vị...

Mùa sen lên phố...

Ngày thường, hoa sen hồng khoảng 15.000 đồng/10 bông.

1. Giờ ở đồng bằng, sen được trồng nhiều hơn so với trước đây, là những cánh đồng sen bát ngát, đẹp đến nao lòng.........................

Mùa sen. Phố thêm đẹp, người thêm “say”. Nói vậy, vì sen khác với những loài hoa khác, loài cây khác. Thôi, cứ tạm gác lại những sự đặc biệt vốn dĩ đã có ở sen...

Có một điều được quan tâm hơn đó là câu chuyện về sự gắn bó với loại cây này. Vài năm trở lại đây, người trồng sen nhiều hơn. Vì đam mê, vì thích thú? Chưa hẳn. Quan trọng hơn là liên quan đến cơm áo, gạo tiền. Trên cánh đồng sen, người trồng “gieo” hy vọng, niềm tin về sự ổn định trong thu nhập.

Hơn 5 năm trên cánh đồng sen gần 10.000m2 ở phường Quảng Phú, nơi đấy, như cách nói vui của vợ chồng chị Nga ở phố Phú Quý, rằng: “Đấy là kho lương thực của gia đình”. Và không chỉ gia đình chị Nga, trên địa bàn phường còn có một số hộ khác cũng tham gia trồng sen.

Đầm sen, có chỗ nông, chỗ sâu. Nơi nào sâu thì ngập ngang bụng. Từ 4 giờ sáng, vợ chồng chị Nga, anh Trúc và con trai đã lội xuống đầm đi cắt sen. “Đồ nghề” mang theo có ủng, liềm, gang tay...

Sỹ Nguyên - con trai chị Nga, một sinh viên đại học, nhân dịp nghỉ hè về phụ giúp bố mẹ. Nguyên người nhỏ bé nhưng làm việc nhanh thoăn thoắt. Nguyên trông còn thấp hơn cả cây sen... Giữa cánh đồng sen, Nguyên lúc ẩn, lúc hiện. Cứ gần 10 phút, cậu lại ôm hàng chục bông sen lên bờ. Sau đó, sen được đưa lên xe máy, chở ra ngoài phố cho chị gái bán. Từ sáng đến giờ, Nguyên đã chở hơn 30 chuyến, cả sen trắng, sen hồng.

10 giờ 30 phút, Nguyên chạy xe về, thông báo: “Chị bảo, hoa đủ rồi, bố mẹ dừng thôi”. Chị Nga hướng về phía chồng, nói lớn: “Ông ơi, lên đi, không phải cắt nữa”.

Anh Trúc lên bờ, mồ hôi nhễ nhại. “Chui vào đấy khó thở lắm”. Anh Trúc nói. Ấy vậy, dù sức khỏe không được tốt nhưng sáng sớm nào anh cũng cùng vợ ra cánh đồng sen. Bởi, thu nhập của gia đình anh chủ yếu ở đầm sen này. “Chỗ này đất lầy, dân bỏ. Còn chúng tôi thì cứ kiên trì ở lại, bắt tay trồng sen, rất mừng, sen hợp đất. 1 ngày bán sen bằng 2 ngày đi xách hồ”.

Anh Trúc nói vậy, nghĩa là trồng sen cho hiệu quả. Ước tính, vào mùa sen (từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch), trung bình mỗi ngày nhà anh bán được khoảng 1.000 bông sen. Ngày rằm, có thể bán được nhiều hơn, dao động từ 1.500 – 2.000 bông. Sen nhà anh đi khắp nơi trong tỉnh và ra cả tỉnh ngoài. Anh Trúc cho hay: “Nhà tôi trồng 2 loại sen, sen bách diệp, tức sen hồng và sen trắng hay còn gọi sen quan âm. 2 năm trước, Hà Nội cũng vào mua, mỗi lần lấy 1.500 bông. Họ mua về để ướp chè. Năm nay, nhờ trời, sen được mùa. Được mùa cũng được giá...”.

Mùa sen lên phố...

Nghỉ hè, Sỹ Nguyên về phụ giúp bố mẹ cắt sen.

Sen trồng không khó cũng chẳng phải chăm. Mùa đông, sen lụi. Ra giêng, hai, sen mọc. 20 năm qua, ở trên cánh đồng sen gần 3.000m2, vào mùa, bà Hiền, 61 tuổi ở phường Quảng Phú lại ra chợ Đông Vệ và chợ Đầu mối nông - lâm - thủy sản Đông Hương (phường Hạc Thành) để bán hoa sen. Trước đó, bà từng có gần 20 năm trồng lúa.

Ở cánh đồng sen nhà bà Hiền, chủ yếu sen đơn, sen kép, là những loại sen lấy hoa. Như chia sẻ của bà Hiền, thì sen dễ trồng, càng lắm cỏ hoa càng đẹp. Bởi, sen chuộng nhất chất hữu cơ và cỏ cũng chính là nguồn phân hữu cơ rất thuận cho sự sinh trưởng của cây.

Với diện tích trồng sen không nhỏ nhưng trên cánh đồng sen ấy, mấy năm nay cũng chỉ mình bà Hiền lội xuống cắt sen. Chồng bà mất, con ở xa. Bà bảo: “Bán đủ lấy tiền thức ăn trong ngày thôi. 4 giờ sáng nay đi cắt mà thụp vào chỗ sâu, ướt hết người...”.

2. Cũng hiếm có loại cây nào như cây sen. Thú vị ở chỗ, tất cả các bộ phận của sen, từ củ sen, ngó sen, hoa sen, hạt sen, tim sen,... đều được tận dụng một cách ý nghĩa. Hoa sen không chỉ để trang trí mà còn dùng ướp trà, hạt sen để nấu chè, đồ xôi, tim sen pha trà... Vậy nên, sen không chỉ đẹp hình thức mà còn “đẹp” cả bên trong...

Mùa sen lên phố...

Hoa sen, bắp sen, hạt sen,... đều được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, có những bộ phận của sen, trước khi chế biến cũng phải trải qua vài công đoạn khó như rút tim sen. Thường, đối với hạt sen già, người bán sẽ chia thành 2 phần, đó là tách phần hạt và phần tim sen. Để lấy tim sen ra khỏi hạt cũng được xem là một nghệ thuật. Như chia sẻ của chị Dân, một người bán sen ở chợ Tây Thành (phường Hạc Thành), thì để lấy tim sen cần phải có một cái tăm nhưng không quá mỏng hoặc vót một thanh nan nhỏ hơn đũa nhưng đầu phải nhọn, khi xiên qua hạt phải để thẳng thì mới đẩy được tim sen ra ngoài. Chị Dân cho biết: “Nếu chưa làm thạo thì lấy dao cắt đi 2 đầu hạt sen sẽ lấy dễ hơn. Nhiều khách cũng thích để hạt có tim sen nhưng cũng có khách vì sợ tim sen đắng nên yêu cầu bỏ tim sen ra ngoài. Một ngày, thường chỉ lấy được 1, 2 lạng tim sen thôi. 5 năm nay, tôi cũng chỉ bán hạt sen, cố gắng mỗi ngày kiếm được khoảng 150 - 200 nghìn đồng là ổn”.

Sen không chỉ để ngắm hay thưởng thức mà sen còn là nguồn thu nhập của một bộ phận người dân. Và hơn thế, sen còn “đi làm”... du lịch. Ở Thanh Hóa, vài năm trở lại đây, một số tổ chức, cá nhân cũng đã trồng sen kết hợp làm du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Mùa sen đã đi qua hơn một nửa thời gian. Mùa sen này vừa được mùa, được giá...

Bài và ảnh: Bằng An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]