(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tính đến Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã lên tới con số 11. Điều đó là niềm vui và cũng là sự lo âu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (Kỳ cuối): Cần kiểm kê di sản văn hóa một cách khoa học

(VH&ĐS) Tính đến Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã lên tới con số 11. Điều đó là niềm vui và cũng là sự lo âu.

Năm 1989, trong một kỳ họp tại Paris (Pháp), đề cập tới vai trò của các nghệnhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, UNESCO đưa ra khái niệm về báu vật nhân văn sống, qua đó kêu gọi các nước cần tôn vinh, có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Và ở Việt Nam, hơn 10 năm qua, đã có nhiều cuộc vinh danh nghệ nhân của các tổ chức chính trị, xã hội. Nói như GS. TS Tô Ngọc Thanh: Đó là thứ văn hóa nằm trong ký ức xa xôi, tiềm ẩn trong trí nhớ của con người... và tôn vinh chủ thể văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập là cách để nhận ra bản sắc riêng trong thế giới văn minh vật chất hôm nay.

Khi chúng tôi hỏi về chế độ khi các nghệ nhân tham gia biểu diễn, ông Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc trung tâm văn hóa tỉnh đã rất nghiêm túc cho rằng: Chúng ta đang tôn vinh các nghệ nhân, điều đó rất cần thiết. Nhưng còn cần thiết hơn là có những tiêu chí cụ thể nhất để được gọi là nghệ nhân. Ví dụ trong nghệ thuật chèo có 36 làn điệu, vậy thì đạt mức bao nhiêu làn điệu, và đạt trình độ nào thì ta xác nhận và tôn vinh đó là nghệ nhân. Có như thế mới đỡ thiệt thòi cho các cụ hơn là những tiêu chí Bằng khen, Giấy khen.

Thanh Hóa có nhiều lĩnh vực di sản phi vật thể cần được bảo vệ, vì mỗi di sản có khi chỉ còn một nghệ nhân. Có một Đông Anh (Đông Sơn) với di sản dân ca dân vũ Đông Anh; Xuân Phả (Thọ Xuân) với di sản trò diễn Xuân Phả là rất hiếm. Tuy nhiên, khi chúng tôi về Đông Anh ngay sau khi 2 cụ Lê Thị Dòn và cụ Nguyễn Duy Giăng được nhận danh hiệu NNƯT thì được biết còn có một vài cụ rất ấm ức khi mình không được nhận danh hiệu đợt này, trong khi họ đã lưu trữ và truyền dạy từ rất sớm. Sau một thời gian dài bị bỏ quên, từ năm 2002 đến 2007 cùng với sự giúp đỡ về chuyên môn và hỗ trợ kinh phí của Viện Âm nhạc Việt Nam, huyện Đông Sơn cũng đã hỗ trợ 350 triệu đồng để khôi phục lại 12 trò diễn gồm: Múa đèn, Chiêm Thành, Trống Mõ, Tiên Cuội, Hà Lan, Trò Thủy, Trò Thiếp... Hiện nay, 7/7 thôn trong xã đều có CLB văn hóa văn nghệ, mỗi CLB có 15 đến 20 thành viên tham gia sinh hoạt, biểu diễn.

Dù đã có nhiều lần dân ca, dân vũ Đông Anh được khảo sát, tìm hiểu, song những lần khảo sát, tìm hiểu ấy chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu tính quy mô và chưa xây dựng được đề án thực hiện nên quá trình khôi phục, bảo tồn gặp không ít khó khăn. Vì thế, dân ca, dân vũ Đông Anh vẫn chỉ là “cây nhà lá vườn” và quanh quẩn ở xứ Thanh. Chính vì thế để các cụ có được những giấy khen, bằng khen, hay thành tích khi xét tặng danh hiệu là rất khó.

Nhưng cũng còn rất nhiều người như thầy mo Quách Văn Cung (thôn Khe Khoai, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân), người đã dành gần hết cuộc đời cho mo Mường, nhưng các danh hiệu nhà nước thì ông không có được. Chính vì thế ông chưa được vinh danh ở đợt này.

Bà Lang Thị Pen (huyện Thường Xuân) đã hơn 80 tuổi, song vẫn say mê truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa Khặp.

Người hiếm hoi giành nhiều giải thưởng cao hiện đang sống ở Thanh Hóa là NNƯT Ngô Trọng Bình. Ông học ca trù từ cha khi còn nhỏ tuổi, sau một thời gian bẵng đi vì chiến tranh, đến tuổi “thất thập” ông mới quay trở lại với ca trù. Với niềm đam mê ca trù, ông Bình đã lập ra CLB Ca trù và Dân ca Thành Hạc với hơn 20 thành viên tham gia. Đến nay ông có đủ các loại danh hiệu, trong đó đáng chú ý là Huy chương Vàng ca trù toàn quốc; giải thưởng Ngón đàn giỏi nhất Liên hoan ca trù toàn quốc; giải sáng tác đặt lời mới bài hát ca trù...

Nhưng để có một tiêu chí cụ thể cần phải có một hội đồng có trình độ. Các phòng văn hóa huyện chủ yếu quản lí về mặt hành chính hơn là chuyên môn. Các cán bộ văn hóa có thể liệt kê được các giá trị văn hóa nhưng để đánh giá và xếp loại các nghệ nhân là điều không dễ. Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 67 Di sản. Trong đó: Di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại là 48 di sản; Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một là 5 di sản; và Di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một là 14 di sản. Đương nhiên, trong đó lí do quan trọng nhất chính là việc thực hành của chủ thể bị hạn chế, thậm chí không còn. Trên thực tế, hầu như các thế hệ nghệ nhân không có văn bản ghi chép, nhưng sự gắn bó với văn hóa cộng đồng, nhiệt huyết và trí nhớ, đã giúp họ giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự sáng tạo - truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Vào giữa năm 2016, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn các huyện Yên Định, Ngọc Lặc và Lang Chánh. Nhưng có thể khẳng định, điều tra và kiểm kê mới chỉ là bước cơ bản đầu tiên của quá trình bảo vệ và phát huy di sản. Việc định hướng bảo tồn và phát huy di sản còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi chúng ta đã có nhiều cuộc kiểm kê không chỉ quy mô cấp tỉnh, mà ngay cả cấp quốc gia, sau hội nghị kiểm kê, mọi chuyện lại vẫn y nguyên, không hề có sự thay đổi. Và sau nhiều năm thực hiện, thực tế đã chứng tỏ, để bảo vệ và phát huy một di sản văn hóa phi vật thể, chỉ một mình ngành văn hóa nỗ lực thôi thì chưa đủ.

Di sản cần bảo vệ, là vấn đề rốt ráo được đặt ra. Nhưng chừng nào chúng ta còn chỉ nói và xem các nghệ nhân là báu vật, mà không có sự tôn vinh thích đáng, chưa có chế độ thường xuyên lâu dài, thì chảy máu và làm biến mất di sản sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]