(vhds.baothanhhoa.vn) - Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời, Hội An cần Thanh Hóa có” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của, cả vật chất lẫn tinh thần cho chiến trường Hội An, góp phần cùng chiến thắng kẻ thù...

Tin liên quan

Đọc nhiều

60 năm ấy biết bao nhiêu tình!

Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời, Hội An cần Thanh Hóa có” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của, cả vật chất lẫn tinh thần cho chiến trường Hội An, góp phần cùng chiến thắng kẻ thù...

Trong những năm đánh Mỹ, hòa trong tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, mối quan hệ mật thiết ruột rà giữa mảnh đất và con người Thanh Hóa - Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khó phai và hết sức có ý nghĩa. Nhìn lại quãng thời gian đó khi thực hiện Nghị quyết số 15 của BCH TƯ Ðảng (khóa II) chỉ đạo các tỉnh, thành phố miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh, thành phố miền Nam; ngày 12/3/1960, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính, MTTQ tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Thống nhất TƯ, Hội đồng hương Quảng Nam và hàng vạn đồng bào, chiến sĩ Thanh Hóa tổ chức Lễ kết nghĩa hai tỉnh tại TX Thanh Hóa (ngày nay là TP Thanh Hóa). Ở cấp huyện của hai tỉnh cũng lần lượt diễn ra nhiều lễ kết nghĩa. Trong đó có thị xã Thanh Hóa với thị xã Hội An, Tĩnh Gia với Ðại Lộc, Hoằng Hóa với Ðiện Bàn, Ðông Sơn với Thăng Bình, Quảng Xương với Hòa Vang, Thọ Xuân với Quế Sơn...

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của cho miền Nam và Quảng Nam thân yêu. Lớp lớp thanh niên Thanh Hóa đã rời ruộng đồng, công trường, nhà máy, tạm xếp bút nghiên, xung phong lên đường vào Nam chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó có 5.413 thanh niên lên đường vào chiến trường Hội An, Quảng Nam chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc; nhiều người đã anh dũng hy sinh vì đất Quảng thân yêu, vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Công an Thanh Hóa tình nguyện vào Quảng Nam chiến đấu và công tác.

Năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một trong những sự kiện quan trọng để lại dấu ấn cho tình nghĩa Thanh Quảng. Trung ương quyết định điều động Công ty thuyền nan vào tuyến lửa. Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc đó quyết định đổi "Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước" thành "Ðoàn Vận tải Lam Sơn". Ngày 12/2/1969, tỉnh Thanh Hóa tổ chức 15 thuyền vượt biển, sau đó là 36 thuyền, sau cùng là 59 thuyền, tổng cộng có 361 thủy thủ dũng cảm đưa được 110 thuyền nan vượt biển. Sau hai năm, Ðoàn Vận tải Lam Sơn đã vận chuyển cho chiến trường B khoảng 103.400 tấn hàng; vận chuyển trong nội địa 33.600 tấn hàng.

Thanh Hóa đã cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị ở Quảng Nam như: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 890 Đặc công, bệnh xá 78... Có thời điểm tại Quảng Nam có hơn một nửa quân số là con em Thanh Hóa.

Ngoài việc tăng cường quân số cho các đơn vị, Thanh Hóa thành lập Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn để chi viện cho tỉnh Quảng Nam, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu hàng trăm trận lớn, nhỏ trên khắp các địa bàn Hòa Vang, Ðại Lộc, Duy Xuyên, Ðiện Bàn và đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã cử nhiều cán bộ chính trị, quân sự khác vào tăng cường cho Quảng Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có 1.200 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thanh Hóa hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam kết nghĩa.

Không chỉ chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, trên vùng trời miền Bắc, Thanh Hóa đã tổ chức chiến tranh nhân dân, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng lực lượng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Quân và dân Thanh Hóa đã chiến đấu bắn rơi 360 máy bay phản lực, 57 chiến hạm, bắt sống nhiều giặc lái... Chiến công đó góp phần buộc Mỹ chấp nhận Hội nghị bốn bên tại Paris về chấm dứt chiến tranh phá hoại và rút quân về nước, mở ra điều kiện thuận lợi thống nhất Tổ quốc.

Ở hậu phương, nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi được dấy lên rộng khắp trên các vùng miền, các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với tinh thần quyết tâm hăng say lao động sản xuất, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa. Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên các công trường xây dựng, đâu đâu cũng dấy lên phong trào lao động “Thắm tình kết nghĩa Bắc - Nam, thi đua lao động lập thành tích cao”, “Vượt chỉ tiêu thiêu đầu Mỹ - ngụy”; nhiều phân xưởng sản xuất mang tên Hòa Vang, Ấp Bắc, những trụ cầu Quảng Nam, những mẻ gang Đà Nẵng, xí nghiệp dầu dừa mang tên Quảng Nam đã ra đời; nhiều tổ, đội tiên tiến mang tên kết nghĩa đã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, tạo ra của cải vật chất chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với khí thế “Ta tiến công ra đồng như Quảng Nam xông vào đồn giặc”, với khẩu hiệu “Phụ nữ Quảng Nam đấu tranh chống Mỹ, phụ nữ Thanh Hóa cấy nhanh, cấy khéo”..., nông dân Thanh Hóa đã đào đắp hàng vạn mét kênh mương mang tên Quảng Nam; xây dựng hàng chục con sông mang tên Thống Nhất; thành lập hàng ngàn đội cấy Quảng Nam; xây dựng những cánh đồng mang tên Quảng Nam, Điện Bàn, Hòa Vang... Với những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp ấy, trên địa bàn Thanh Hóa đã xuất hiện hàng trăm cánh đồng 5 tấn Thanh Hóa - Quảng Nam, hàng nghìn đồi cây, vườn cây Thanh Hóa - Quảng Nam và nhiều công trình thủy lợi Thanh Hóa - Quảng Nam, góp phần làm ra nhiều thóc gạo chi viện cho miền Nam, cho quân và dân Quảng Nam đánh Mỹ. Nhiều công trình văn hóa - xã hội Thanh Hóa - Quảng Nam cũng được tập trung đầu tư xây dựng như: Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam, Công viên Thanh Quảng, Rạp hát Hội An...

Ðáp lại tình cảm của Ðảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, quân và dân Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, khích lệ tinh thần chiến đấu cho quân và dân Thanh Hóa. Cảm động nhất là những cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An, không quản chế độ lao tù hà khắc, đã thêu chiếc khăn lớn có hình nhà lao Hội An tặng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII vào năm 1969.

Trong suốt những năm chiến tranh, lòng người Thanh Hóa - Quảng Nam ngày đêm luôn hướng về nhau; mỗi lá thư, mỗi bức điện, mỗi hạt gạo từ Thanh Hóa gửi vào và mỗi dòng chữ, mỗi tin chiến thắng từ Quảng Nam ra, đều chan chứa tình cảm, sâu nặng nghĩa tình, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào, chiến sĩ Quảng Nam - Thanh Hóa sát cánh bên nhau chiến đấu trung dũng, kiên cường, góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiếp nối truyền thống đoàn kết, thắm tình đồng chí anh em, hai tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động thể hiện mối tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt. Thanh Hóa đã tăng cường hàng trăm cán bộ lãnh đạo quản lý chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ lương thực thực phẩm, giống cây, giống con giúp nhân dân Quảng Nam khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; gửi tặng nhân dân Quảng Nam 4 vạn cuốn sách, hàng vạn văn hóa phẩm, cử cán bộ giúp bạn xây dựng thư viện của tỉnh và các huyện; tạo điều kiện cho con em Quảng Nam ra Thanh Hóa học tập. Ngoài ra, nhiều hoạt động như xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách khó khăn; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, nhận phụng dưỡng mẹ VNAH, mẹ liệt sĩ neo đơn; quyên góp, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào vùng gặp thiên tai, bão lũ sớm ổn định sản xuất và đời sống.

60 năm một chặng đường của mối tình Thanh - Quảng, đó là khoảng thời gian của những mồ hôi, nước mắt, và không ít sự chia ly mất mát. 60 năm cũng là dịp Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh cùng nhau ôn lại truyền thống cao đẹp, hào hùng, nghĩa tình, thủy chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua; đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát triển mối quan hệ nghĩa tình đặc biệt này lên tầm cao mới, cùng nhau phấn đấu xây dựng Thanh Hóa, Quảng Nam ngày càng giàu đẹp.

60 năm ấy biết bao nhiêu tình!

Hoàng Anh


Hoàng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]