(vhds.baothanhhoa.vn) - ...Dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về việc tạm đình chỉ hoạt động chở khách ngang sông của bến đò Cồn Đình hay còn gọi là bến đò xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) nối với xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa). Song, đến thời điểm này, nghĩa là hơn nửa năm kể từ khi có các văn bản trên, cả 2 chủ đò của 2 địa phương này vẫn không chịu chấp hành. Liệu còn “uẩn khúc” gì phía sau sự “chống đối”?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bến đò hoạt động dù chưa được cấp phép: Lỗi thuộc về ai?

...Dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về việc tạm đình chỉ hoạt động chở khách ngang sông của bến đò Cồn Đình hay còn gọi là bến đò xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) nối với xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa). Song, đến thời điểm này, nghĩa là hơn nửa năm kể từ khi có các văn bản trên, cả 2 chủ đò của 2 địa phương này vẫn không chịu chấp hành. Liệu còn “uẩn khúc” gì phía sau sự “chống đối”?

Ông Mai văn Huỳnh, hiện đang là chủ đò bên xã Hải Lộc và ông Trương Đình Long, chủ đò bên xã Hoằng Trường đều có thâm niên chở khách qua sông hàng chục năm nay trần tình: Thú thật với cô, khi nhận được các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền về việc đình chỉ con đò, gia đình chúng tôi rất bức xúc. Bởi vì, bến đò này có từ thời chiến tranh, từng tham gia vận chuyển vũ khí, quân lương phục vụ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài ra, bến đò còn nhiều lần chở đồng chí Tố Hữu qua lại 2 địa phương Hậu Lộc, Hoằng Hóa chỉ đạo phong trào cách mạng...

Ngày nay, bến đò được dùng chở khách qua sông với lượng khách qua lại mỗi ngày lên đến hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm lượt khách. Đảm nhận việc chở khách qua sông, hàng chục năm nay, chúng tôi luôn đặt an toàn tính mạng của con người là trên hết nên bến đò này chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông. Hơn nữa, đảm bảo cho khách đi đò thuận lợi, an toàn đầu năm 2017, chúng tôi đã đầu tư, trang bị 2 con đò sắt và làm đường bê tông lên xuống đò với số tiền lên đến gần tỷ đồng. Số tiền này, ngoài huy động vốn của anh em trong gia đình, chúng tôi còn phải vay thêm ngân hàng. Trong khi, hàng trăm triệu đồng nợ ngân hàng đang còn “treo lơ lửng” thì việc đình chỉ không cho con đò hoạt động, vô tình chính quyền đang đẩy chúng tôi... vào chỗ chết.

Bằng giọng bức xúc, các ông cho biết: Việc “o ép” đình chỉ không cho con đò hoạt động được bắt đầu từ khi bến phà xã Hoằng Yến do HTX Dịch vụ Thương mại Quyết Thắng, địa chỉ xã Hoằng Yến được tỉnh cấp phép đi vào hoạt động cuối năm 2017. Từ khi bến phà đi vào hoạt động, họ đã nhiều lần gửi văn bản lên các cấp chính quyền, ban, ngành, lực lượng chức năng kiến nghị, xử lý, ngăn chặn hoạt động của bến đò. Đồng thời, tung tin rằng chúng tôi thuê “xã hội đen” để lôi kéo, lùa khách lên đò. Như vậy là hoàn toàn bịa đặt. Chúng tôi nghĩ, có thêm bến phà Hoằng Yến cùng tham gia chở khách ngang sông (dù bến phà này cùng nằm trên tuyến sông Lạch Trường và chỉ cách đò của chúng tôi chưa đầy 500m) - đó là việc tất yếu trong thời buổi kinh tế thị trường. Trong thế cạnh tranh đó, nếu cạnh tranh lành mạnh, buộc mỗi chủ đò phải tự mình hoàn thiện, nỗ lực, cố gắng nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Và chúng tôi cũng đang nỗ lực để làm điều đó. Vậy nên, dù đã có bến phà, khách vẫn qua lại đò của chúng tôi với hàng chục lượt khách mỗi ngày vì họ thấy cũng dịch vụ như nhau nhưng đi đò nào thuận lợi cho điểm họ cần đến... thì họ lựa chọn.

Bến đò ở Hoằng Trường.

Lý giải về việc chủ đò không chấp hành dừng hoạt động của bến đò bắt đầu từ ngày 10/4/2018 theo như các văn bản chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành chức năng, cả ông Huỳnh và ông Long trần tình: Việc không chấp hành, chúng tôi biết là sai nhưng đều có nguyên do. Bởi thực tế, hàng chục năm tham gia chở khách qua sông, đò Cồn Đình có được cấp phép đâu mà đình chỉ. Hơn nữa, làm nghề chở đò mà có khách đi đò lại không chở thì không đúng với lương tâm của người chèo đò. Rồi ông Huỳnh cho hay: Tuy đã có bến phà nhưng hiện lượng khách qua đò của các ông lên đến hàng chục lượt người/ngày vì từ xã Hải Lộc sang Hoằng Trường, hoặc đến khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến và ngược lại thuận lợi hơn so với việc đi phà.

Chị Lê Thị Hoa, là một trong những hành khách vừa lên đò cho biết: Ngày nào tôi cũng sang Hoằng Trường để mua cá về bán nên tôi chọn đi đò Cồn Đình vì nếu đi phà Hòa Lộc sang Hoằng Yến, cả 2 đầu bến (phía Hậu Lộc và Hoằng Hóa) tôi đều phải đi thêm quãng đường từ 400 - 500m nữa và mất thêm thời gian chờ đợi vì phà có đông khách mới chạy nên rất bất tiện. Không riêng gì tôi mà những ai từ Hải Lộc muốn sang Hoằng Trường và ngược lại, họ đều chọn đi đò vì sự thuận lợi.

Thiết nghĩ, bến đò Cồn Đình ra đời, tồn tại hàng chục năm nay và đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Việc bến đò chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, ngoài lỗi chính thuộc về 2 chủ đò cũng có phần trách nhiệm từ phía chính quyền các cấp trong việc để xảy ra tình trạng kéo dài này. Vì vậy, việc đình chỉ bến đò nên chăng các cấp chính quyền và ngành chức năng cần xem xét lại. Đồng thời, cần quan tâm, tạo điều kiện về thủ tục để đò được cấp phép hoạt động đúng như quy định của pháp luật. Đó cũng là mong muốn của 2 chủ đò xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc và Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]