(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời giá buốt của mùa đông, tôi bắt đầu hành trình ngược ngàn, với hơn hai giờ đi xe máy, băng qua con đường rừng heo hút, thưa người qua lại, cuối cùng cũng đặt chân đến địa phận thôn Tô 1 (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy) - có ngôi làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, là nơi cư ngụ của những bệnh nhân phong, những phận người nhỏ bé kém may mắn, nhưng luôn mang trong mình khát vọng, những mong ngày mai tươi sáng hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc sống mới ở làng phong Cẩm Bình (Cẩm Thủy)

Trong tiết trời giá buốt của mùa đông, tôi bắt đầu hành trình ngược ngàn, với hơn hai giờ đi xe máy, băng qua con đường rừng heo hút, thưa người qua lại, cuối cùng cũng đặt chân đến địa phận thôn Tô 1 (xã Cẩm Bình, Cẩm Thủy) - có ngôi làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, là nơi cư ngụ của những bệnh nhân phong, những phận người nhỏ bé kém may mắn, nhưng luôn mang trong mình khát vọng, những mong ngày mai tươi sáng hơn.

Ngôi làng đặc biệt giữa rừng già

Hơn 40 năm qua (khoảng năm 1967), tại thôn Tô 1 xuất hiện một ngôi làng nhỏ, bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao chót vót, nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Nơi đó, từ bao đời nay là nơi cư ngụ của những bệnh nhân phong (hủi, cùi...), họ bị đày đọa, chịu đựng nỗi đau từ thể xác đến tinh thần, bản thân bị lở loét, cụt tay, cụt chân, mắt kém, da sần sùi, cò ngón... đến tình cảnh bị người đời xa lánh, hắt hủi.

Một góc khu điều trị phong.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng phong trước đây từng được xem là nơi từ người già, trẻ, gái, trai không ai dám bén mảng đến gần, thậm chíngười dân trong làng còn cấm đoán những bệnh nhân phong không được ra ngoài vì sợ lây nhiễm. Thế nên mới có chuyện ngôi làng “không nằm trong địa giới hành chính”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Vũ, Điều dưỡng - Trưởng khoa (BV Da liễu Thanh Hóa), người đã gắn bó với những bệnh nhân phong, cho biết: phần lớn bệnh nhân mắc chứng bệnh phong đều được điều trị tại đây, vào những năm 1967, khu điều trị phong như một “ốc đảo”, người bệnh ngày đêm “thui thủi” một mình, quằn quại đau đớn dưới những căn nhà cấp 4 cũ kỹ, với trên 150 bệnh nhân đến từ nhiều địa phương trong tỉnh (Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn...).

Đối với bệnh nhân phong, họ phải chịu đựng sự dè bỉu, miệt thị của những người xung quanh, mang nặng mặc cảm tự ti về căn bệnh. Trước hoàn cảnh éo le đó, đội ngũ y bác sỹ nơi đây không khỏi cảm thương, đồng cảm với những số phận thiếu may mắn trong cuộc sống, và bác sĩ Nguyễn Quang Vũ là một trong số đó. Được điều động lên công tác từ năm 1992, khi bước chân lên vùng đất này, bản thân bác sĩ Vũ (quê Hậu Lộc) không khỏi lo lắng, sợ hãi, gia đình, bạn bè khuyên ngăn, nơi làm việc thì heo hút, nằm sâu trong những hẻm núi, lạnh lẽo. Chứng kiến những “kiếp người” ngày đêm vật lộn với nỗi đau thể xác và tinh thần đã thôi thúc, làm động lực để anh gắn bó làm việc.

Cuộc sống nay đã đổi thay

Làng phong hay còn gọi khu điều trị phong nay đã đổi khác, ngôi làng như khoác lên mình chiếc áo mới. Cuộc sống của bệnh nhân phong hiện tại luôn tràn ngập tiếng cười, náo nhiệt, đông vui đến lạ.

Trên diện tích rộng hơn 15ha, khu điều trị phong được xây dựng khang trang, kiên cố, với hai phân khu: khu điều trị với 50 giường bệnh; khu nhà ở, sinh hoạt của 27 hộ gia đình bệnh nhân phong cả những người đã khỏi bệnh xin ở lại sinh sống.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ kinh phí, thuốc men, cuộc sống của những bệnh nhân phong đã có sự đổi thay. Vượt qua mọi nỗi đau, những con người ấy đã làm thay đổi số phận, họ tự tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Tại khu ở và sinh hoạt, những nếp nhà với đàn trâu, bò, lợn gà đầy ắp, tiếng cười nói giòn giã. Mọi định kiến về sự xa lánh, kỳ thị nay không còn, người mua, kẻ bán từ khắp nơi ra vào nhộn nhịp như minh chứng cho sự đổi thay cuộc sống của những “thân phận” từng bị xã hội ruồng bỏ.

Nếu như trước đây, không chỉ những người mắc bệnh phong mà ngay cả người thân của họ rất khó xây dựng hạnh phúc gia đình với những người bình thường. Giờ đây, sự kỳ thị ấy đã biến mất, ở làng phong nhiều bệnh nhân đã lấy vợ, lấy chồng, hạnh phúc bên con cháu, như bệnh nhân Lê Duy Lâm, Bùi Thị Sáu, Phạm Văn Ngôn...

Tại làng phong bây giờ, tất cả con em trong độ tuổi đều được đến trường, theo học tại các trường cao đẳng, dạy nghề. Trường hợp của bệnh nhân Trịnh Xuân Tỵ (65 tuổi, quê Nga Sơn), cả hai vợ chồng đều mắc bệnh phong, hiện ông bà có hai người con, một đang công tác tại Trường THCS xã Điền Quang (Bá Thước), còn một người đang làm cho một Công ty tại Hà Nội, thu nhập tương đối ổn định; anh Trịnh Văn Tuấn, con bệnh nhân Trương Thị Viên (Nga Sơn) hiện làm công nhân hàn công nghệ cao, thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng; hay trường hợp chị Trương Thị Nhung (30 tuổi) con bệnh nhân Đặng Thị Nha (Hoằng Hóa) làm tại công ty du lịch ngoài Hà Nội...

Căn nhà do chính tay mình dựng lên của bệnh nhân Trịnh Xuân Tỵ, quê Nga Sơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Bình, cho biết: “Hiện nay khu điều trị bệnh phong được Nhà nước quan tâm, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, người bệnh được thừa hưởng mọi chế độ chính sách như thuốc men, sinh hoạt, địa phương luôn tạo điều kiện cấp đất sản xuất cho bà con ổn định cuộc sống, con cháu đi học được miễn giảm mọi khoản đóng góp”.

Tạm xa khu điều trị phong, với những con người đã vượt lên trên số phận, mạnh mẽ vượt lên sự đau đớn tột cùng của thể xác lẫn tâm hồn để hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Chúng tôi không thể nào quên những đôi bàn tay, bàn chân lở loét, cùi, cụt, di chứng của bệnh phong để lại trên thân thể những bệnh nhân đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, hay xa hơn hình ảnh những bệnh nhân cô độc, lạc lõng trong căn phòng điều trị...

Làng phong của ngày hôm nay, không còn dáng vẻ hoang sơ, heo hút như thưở ban đầu, thay vào đó những kiếp người “đáng thương” đó đang từng ngày, từng giờ hồi sinh trên mảnh đất khô cằn, lạnh giá nơi “thâm sơn cùng cốc”.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]