[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Giữa không gian bao la của núi rừng, cảm nhận bầu không khí trong lành, của tiếng gió vi vu, tiếng lá xào xạc, của tiếng gà ríu rít gọi nhau về… Chúng tôi tin Nguyễn Lê Ngọc Linh đã và đang lựa chọn hướng đi đúng khi trái tim hướng về quê hương để đánh thức những cánh rừng thêm xanh và tạo ra những sản phẩm bền vững.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Chiều chạng vạng. Nắng đã nhạt và trời đầy gió. Chúng tôi theo chân Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân) Trương Ngọc Ánh về thôn Thanh Xuân, đến thăm đoàn viên thanh niên tiêu biểu Nguyễn Lê Ngọc Linh. Giữa khu vườn rừng xanh mướt của các loại cây, Linh đang hì hục buộc lại rào cho mấy cây mít vừa trồng. Thấy khách đến, cô dừng công việc, nở nụ cười và dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rừng của mình. Ấn tượng trong tôi – Linh là cô gái nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và nhìn sâu trong đôi mắt là sự kiên cường, nghị lực.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Nguyễn Lê Ngọc Linh (sinh năm 1990), cô gái dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ. Linh tốt nghiệp khoa Quan hệ công chúng – Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) năm 2013 và ở lại Thủ đô Hà Nội làm truyền thông cho một công ty thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Linh có một công việc thu nhập tốt, là niềm mơ ước trong mắt bao bạn bè, nhưng bao năm phấn đấu, có được những điều tốt đẹp giữa Thủ đô vẫn không làm cho Linh nguôi đi nỗi đau đáu khi mỗi lần về quê nhận thấy, ngày càng nhiều những quả đồi trơ trụi; là bố mẹ và người thân đang lăn lộn chật vật kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người… Linh muốn người thân có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào dân tộc Thổ; muốn con cái của mình và những thế hệ mai sau được chạy nhảy chơi đủ trò cùng thiên nhiên, dưới những cánh rừng xanh ngút ngàn…

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Với suy nghĩ ấy, Linh quyết định bỏ phố về quê trước con mắt ngỡ ngàng của bạn bè, sự phản đối kịch liệt của bố mẹ, bởi bao năm nuôi Linh ăn học chỉ mong con thoát khỏi quê hương nghèo khó để có cuộc sống tốt đẹp nơi thành thị.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Không chờ bố mẹ đồng ý, Linh về quê, lăn lộn trên diện tích vườn rừng gia đình mình vốn chỉ trồng độc canh cây keo với quyết tâm xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ” và thành lập Hợp tác xã Bản Thổ, hướng tới mục tiêu tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững và thành công: Ở đó sinh kế được đảm bảo mà không cần chặt đi cây rừng nào; không cần hủy hoại sức khỏe của con người và cả hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà năng suất cây trồng vẫn cao. Sau đó, sẽ nhân rộng và liên kết với các hộ nông dân xung quanh để trồng vườn rừng và mở rộng diện tích ra những vùng đồi trọc, trồng độc canh keo, cao su để người nông dân có thể sống đủ đầy, sống khỏe mạnh trên chính mảnh đất của mình.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình “Vườn rừng bản Thổ” của mình, Linh bộc bạch:

“Sáu năm trước, khi mới hình thành ý tưởng, tôi đã bị mọi người nói gàn dở. Trước khi bắt tay làm và ngay cả bây giờ khi mô hình đã thành hình, ai đặt chân tới “Vườn rừng bản Thổ” cũng khuyên tôi suy nghĩ lại, ở đây khó khăn trùng trùng: đất xấu, đường xá giao thương không có, cớ gì tôi cứ phải làm ở đây. Quả thực, tôi không biết trả lời sao, chỉ có ý nghĩ này rất rõ ràng trong đầu: Nếu ở nơi khó khăn trăm bề như thế này, mô hình của tôi vẫn thành công, thì ở bất kì nơi đâu, rừng cũng sẽ được tái sinh lại, người nông dân sẽ sống thật tốt trên mảnh đất của mình”.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

“Vườn rừng bản Thổ” được xây dựng là mô hình mẫu thúc đẩy canh tác thuận tự nhiên, tự chủ nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp. Đất trở nên màu mỡ hơn thông qua việc đa dạng hóa cây trồng, bổ sung lại vật chất hữu cơ cho đất; phục hồi sinh cảnh, tái sinh những cánh rừng, góp phần ngăn chặn sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tiêu cực của biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán, xói mòn) và giảm thiểu ô nhiễm không khí; phủ xanh bền vững hàng trăm ha đất đồi đang trọc hoặc độc canh cây lâm nghiệp trên địa bàn.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Mô hình “Vườn rừng bản thổ” được khởi đầu với 3ha, nằm giữa quả đồi 6ha, bao quanh là hàng trăm ha keo và rừng thứ sinh, cách xa vùng dân cư và canh tác nông nghiệp khác, đảm bảo vùng đệm cách ly cho canh tác sạch thuần tự nhiên. Từ năm 2014 đến nay đã không dùng phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích tăng trưởng, không các thuốc bảo vệ thực vật khác và để đa dạng sinh học các loài cây bản địa.

Mô hình vườn rừng là nỗ lực bắt chước hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán, đa loài cây trồng trên cùng một diện tích canh tác. Từ đó, có thể sử dụng tối ưu năng lượng mặt trời và thu hoạch được nhiều vụ khác nhau trên cùng 1 diện tích, đa dạng nguồn thu. Đất cũng sẽ được cải tạo, phì nhiêu hơn qua mỗi lần thu hoạch, cắt tỉa khi được trả lại lượng sinh khối che phủ lớn.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Sản phẩm từ mô hình vườn rừng (Nông - lâm nghiệp kết hợp) chính là trồng cây rừng, dược liệu bản địa, trồng cây ăn quả và chăn nuôi các giống bản địa với thức ăn sử dụng được chế biến 100% từ nguyên liệu sản xuất tại chỗ.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình, Linh trò chuyện háo hức, say xưa như cách Linh đang làm cho mảnh đất này. “Tôi đang ngày ngày sống trọn với khu rừng của mình, tận tâm làm ra những sản phẩm mang thương hiệu Bản Thổ để mang kết tinh của đất – nước – khí trời và cả năng lượng hạnh phúc của “Vườn rừng Bản Thổ” tới mọi người, vì chính tôi, vì người thân của tôi và những người nông dân quê tôi và vì “mộng tưởng” xã hội hóa mô hình này tới nơi nơi để nơi nào cũng còn mãi những khu rừng xanh mướt”, Linh chia sẻ.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Đến nay, với việc áp dụng mô hình vườn rừng tương hợp năng lượng, HTX bản Thổ đã trồng và phủ xanh được 3ha với gần 60 loài với cây rừng bản địa lâu năm như dổi, trám, dẻ, bồ hòn, tai chua…; các cây ăn quả: Ổi, bưởi, cam, quýt, hồng xiêm, xoài, lê, táo, na, mít, đào, mận, chuối, dứa, đu đủ…; cây dược liệu: Sả, gừng, tỏi, nghệ, tía tô, bồ công anh…; cây lương thực để chủ động làm thức ăn chăn nuôi: Ngô, sắn, củ từ, khoai lang; cây cải tạo đất và lấy sinh khối phủ đất: Đậu đen, vừng, đậu tương, lạc, chùm ngây… Đối với rau màu, gia vị, mùa nào thức ấy, Linh lựa chọn trồng bầu, bí ngô, mướp, đậu đũa, rau muống, mùng tơi, rau dền, mùi tàu, lá lốt, lá đắng, mía, kết hợp chăn nuôi gà bản địa và nuôi ong.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Ngoài việc chọn và triển khai một mô hình cây trồng bền vững, HTX Bản Thổ còn gắn con đường phát triển với việc chế biến nông sản để hoàn thiện và nâng cao giá trị nông sản, các sản phẩm bản địa để đưa ra thị trường, đồng thời chủ động hoàn toàn nguồn phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi. Linh tự làm được phân bón từ vật liệu cây cỏ xung quanh: thân đậu, thân chuối, cá tạp, cỏ lau; tự làm thuốc trừ sâu từ cây cỏ,…bằng việc ứng dụng vi sinh vật bản địa có lợi IMO. Đồng thời, triển khai và dần hoàn thiện chế biến sâu một số loại nông sản bằng công nghệ lên men: Mật ong lên men; gừng ngâm mật ong lên men, tỏi ngâm mật ong lên men, nghệ ngâm mật ong lên men.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Để tạo ra sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, Linh đầu tư lò sấy năng lượng mặt trời, trong tương lai dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nông sản; phát triển du lịch bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cổ truyền của người dân tộc Thổ.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Linh nhận định, diện tích đất đồi, nương rẫy tại huyện Như Xuân nói riêng và các huyện miền núi Thanh Hóa rất rộng lớn. Khi mô hình “Vườn rừng bản Thổ” thành công có thể nhân rộng thành các vùng nguyên liệu vệ tinh có kiểm soát quy trình. Nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho xưởng chế biến sau này, đáp ứng được các đơn hàng lớn. Quy mô sản xuất của dự án ở giai đoạn đầu là 3ha làm mô hình mẫu, các năm tiếp theo sẽ phát triển thêm 4ha tại Như Xuân và 3ha tại Ngọc Lặc. Linh cho biết, món quà hạnh phúc nhất đối với cô chính là giờ đây đã được bố mẹ, gia đình cùng đồng hành trên con đường còn nhiều gian nan ở phía trước.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Nhìn mảnh đất đã thấm bao mồ hôi, nước mắt và nghị lực của cô gái trẻ, chúng tôi càng khâm phục và trân trọng những gì Linh chia sẻ và đang thực hiện, ở đó không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân cô mà còn mong muốn đóng góp những điều tâm huyết ấy cho cộng đồng.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Nguyễn Lê Ngọc Linh – nữ Giám đốc HTX Bản Thổ, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân được các cấp, các ngành ghi nhận. Năm 2020, Dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ - Như Xuân – Thanh Hóa” của nhóm tác giả Nguyễn Lê Ngọc Linh và Phạm Văn Phong đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 và đạt giải “Dự án nông nghiệp phát triển bền vững”. Đồng thời được tặng Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Vừa qua, Nguyễn Lê Ngọc Linh được tặng Bằng Khen của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi; được tôn vinh là 1 trong 90 cán bộ đoàn viên, thanh niên tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1930-26-3-2021) do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Thời gian qua, Nguyễn Lê Ngọc Linh tham gia giới thiệu sản phẩm do chính mình tạo ra tại phiên “Chợ nhỏ an lành” do những người trẻ khởi sự và nhận được sự khích lệ, quan tâm của những người có chung chí hướng khởi nghiệp. Những sản phẩm của “Vườn rừng bản Thổ” được lựa chọn trưng bày sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ Như Xuân tại Đại hội Đại biểu phụ nữ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 vào cuối tháng 4 vừa qua.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

“Xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân có 14 thôn, xã 1.814 hộ, 8.030 khẩu với các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Thổ, trong đó đồng bào dân tộc Thổ có 502 hộ, 2.226 khẩu, sinh sống hầu hết ở 14 thôn, trong đó đông nhất là thôn Thịnh Lạc, Liên Hiệp, Tân Thịnh, Luống Đồng, Đồng Xuân, Thanh Xuân… Nguyễn Lê Ngọc Linh là đoàn viên thanh niên dân tộc Thổ tiêu biểu, năng động. Hiện Đoàn Thanh niên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2021 cho đoàn viên thanh niên Nguyễn Lê Ngọc Linh”.

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hóa Quỳ Trương Ngọc Ánh

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Hi vọng, với những gì Linh đã và đang làm, không chỉ đem lại giá trị bền vững cho cộng đồng mà còn tạo động lực cho đoàn viên thanh niên khác noi theo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn để thành công.

[E-Magazine] - Cô gái dân tộc Thổ và khát vọng hồi sinh những cánh rừng

Nội dung: Ngọc Huấn

Ảnh: Hoàng Đông

Đồ họa: Mai Huyền

Xuất bản: 2:25:05:2021:10:40

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM