[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Có lẽ với nhiều người dân xứ Thanh hay trong cộng đồng cả nước, cái tên Nguyễn Thị Thu Hiền - người phụ nữ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, là người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đã nhận được Giải thưởng KOVA cho Hạng mục “Sống đẹp” và em Nguyễn Thị Thắm, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn – cô gái không tay mở lớp tiếng Anh miễn phí dạy học cho các em học sinh quê nhà, đã không còn là những cái tên xa lạ. Qua năm tháng, nghị lực sống, những việc làm hướng đến cộng đồng của họ vẫn luôn tiếp diễn, là bài ca tươi đẹp trong cuộc sống.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Nắng chiều tháng 7 gắt gỏng và người ta mong chờ một cơn mưa đến để xua tan không khí bức bối, oi nồng. Có hẹn từ trước nên khi gõ cửa ngôi nhà – chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đường Đội Cung, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa ra mở cửa, nụ cười thân thiện chào khách. Tôi nhìn người phụ nữ bé nhỏ chỉ cao 88cm, với hình dáng của một em bé mới lên 3, lên 4 tuổi mà cảm phục vô cùng bởi trước đó đã biết đến chị qua những lời kể của mọi người, qua mạng xã hội và trên báo chí. Gặp chị lần đầu tiên, tôi cảm nhận sự ấm áp lan tỏa và sự tự tin mà không phải người khuyết tật nào cũng có được điều đó.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri, chuyên sản xuất bàn ghế đá Granito và Kinh doanh dịch vụ Billiard, thể thao giải trí do chị đứng đầu cũng có phần chậm lại. Chị nói, tôi đợi chị mấy phút để ký xong số phiếu chi của công ty, chị vừa đùa vừa cười: “Mùa dịch COVID-19 phiếu chi nhiều hơn cả phiếu thu”. Tôi thầm nghĩ, không phải riêng chị mà có lẽ nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giải trí cũng rơi vào tình trạng như chị, nhưng tôi tin với một con người nghị lực, không bao giờ đầu hàng số phận sẽ biết chèo lái con thuyền kinh doanh của mình đi đúng hướng.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh năm 1981, bố chị từng là bộ đội lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Thu Hiền là con gái đầu lòng. Hiền sinh ra cũng như bao em bé khác, có cân nặng bình thường. Chỉ đến khi hơn 1 tuổi, gia đình mới bắt đầu nghi ngờ vì trong khi những đứa trẻ độ tuổi đó bắt đầu tập đi, tập chạy thì Hiền vẫn loạng choạng hay vấp ngã khi tập đứng. Đến năm 2 tuổi, Hiền đã bắt đầu bước đi, nhưng vẫn rất chậm và yếu, đặc biệt là hầu như không cao thêm. Khi Hiền lớn hơn một chút, bố mẹ đưa chị đến rất nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội. Lúc đó, các bác sĩ mới phát hiện ra: Hiền bị căn bệnh còi xương do tuyến yên không phát triển bởi ảnh hưởng của chất độc da cam.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Không mặc cảm với thân hình nhỏ bé của mình, năm 6 tuổi, Hiền được bố mẹ cho đi học. Với nghị lực phi thường, 12 năm học Hiền đã được các thầy cô thương yêu và giúp đỡ. Học xong chương trình PTTH, Hiền thi đậu vào ngành kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường Đại học Lao động Xã hội và tốt nghiệp năm 2004. Đến cuối năm 2004, Hiền quyết tâm thi đỗ vào ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Năm 2010, chị có quyết định táo bạo trong sự nghiệp khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri chuyên sản xuất bàn ghế đá Granito; cho thuê kho bãi, gara sửa chữa ô tô và Kinh doanh dịch vụ Billiard thể thao giải trí, tạo nhiều việc làm cho lao động, trong có những người khuyết tật.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Con đường kinh doanh là vậy, chị Nguyễn Thị Thu Hiền còn là Ủy viên BCH Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật Thanh Hóa, Phó chủ nhiệm Thường trực CLB thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật Thanh Hóa. Ở vai trò nào, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Là tấm gương, nghị lực vươn lên cho những người khuyết tật đang còn rụt rè, mặc cảm về bản thân thêm tự tin, hòa nhập cộng đồng.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Chị Hiền cho biết: Trước đây, CLB Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển Thanh Hóa, CLB Phụ nữ khuyết tật Thanh Hóa chưa có văn phòng, địa điểm sinh hoạt riêng, mọi hoạt động đều tổ chức tại trụ sở của Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, việc đi lại của các thành viên và tổ chức hoạt động của 2 câu lạc bộ rất khó khăn. Vừa qua chị cùng ban chủ nhiệm 2 CLB đã tìm một địa điểm mới để làm văn phòng. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động, sinh hoạt CLB thuận lợi hơn nhiều. Hiện CLB Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển mới kiện toàn lại ban chủ nhiệm, số thành viên tham gia hiện tại là gần 100 thành viên, còn CLB Phụ nữ khuyết tật Thanh Hóa có hơn 50 thành viên.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Ngoài ra, chị Hiền cũng là người tích cực trong những hoạt động thiện nguyện. Chị đã cùng người thân trong gia đình, các thành viên trong câu lạc bộ thiện nguyện Thanh Hóa đến trao quà cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và các nạn nhân chất độc da cam tại rất nhiều xã, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Cùng với đó, nhiều năm vừa qua, chị Hiền cũng tham gia các chương trình của các ban, ngành, đoàn thể xã hội, đặc biệt là Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thanh Hóa… tổ chức; tham gia chương trình chia sẻ tạo động lực cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Vinh, các em học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; Chương trình khởi nghiệp định hướng tương lai cho các em trong nhiều huyện thị và thành Phố; Làm diễn giả cho các diễn đàn truyền cảm hứng cho phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số tại các tỉnh thành ở Việt Nam. Hiền đã tham gia nhiều cuộc hội thảo trong nước và nước ngoài như Hội nghị 4 nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin về người khuyết tật năm 2007; Giao lưu người khuyết tật Châu Á. Qua những câu chuyện từ chính bản thân chị đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về bản lĩnh, nghị lực vượt qua khó khăn của những người khuyết tật, góp phần thúc đẩy thực hiện quyền của Người khuyết tật tại Việt Nam.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Với những kết quả trong hoạt động kinh doanh và hoạt động vì cộng đồng, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã được Bộ LĐ,TB&XH; UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội LHPN Việt Nam, Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin các cấp tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Đặc biệt, tháng 3-2017, chị được tôn vinh là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc; tháng 6-2017 được trao giải cao nhất cuộc thi “Thuyết trình Got Talent” do Tân Việt Thanh Hóa tổ chức và thuyết trình đỉnh cao do tổ chức phi chính phủ CBM (Đức) tổ chức tại Việt Nam; ngày 2-12-2017, Nguyễn Thị Thu Hiền là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng Kova do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề cử, trong hạng mục “Sống đẹp”. Năm 2020, chị Hiền được tôn vinh trong số 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc tham dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020”. Cũng trong năm 2020, chị được chọn là 1 trong 10 Người khuyết tật có thành tích xuất sắc nhất Việt Nam, được viết trong cuốn sách “Hãy sống như những đóa hoa”.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Chị Hiền tâm sự: “Tôi biết ơn những điều chưa hoàn hảo, những khiếm khuyết đã giúp tôi luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn. Tôi biết rằng, ngay cả những khiếm khuyết, thất bại cũng là một sự sắp đặt của tạo hóa để tôi có bài học trưởng thành. Tôi sẽ an nhiên sống với những điều chưa hoàn thiện vì biết rằng đó là bước đi khởi đầu cho thành trình hoàn thiện bản thân và tôi sẽ làm chủ hành trình ấy với sự lạc quan dám sống là chính mình”.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Nếu như chị Nguyễn Thị Thu Hiền lớn lên với hình dáng của một em bé thì Lê Thị Thắm, sinh năm 1998, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn sinh ra đã không có hai tay. Hai con người có chung hoàn cảnh như nhau, đều có những khiếm khuyết trên cơ thể nhưng vượt qua tất cả, họ có nghị lực sống mạnh mẽ và một lối sống đẹp vì cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền và em Lê Thị Thắm là hai tấm gương tiêu biểu của Thanh Hóa được vinh danh trong số 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc tham dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020”.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Theo chân chị Doãn Thị Hồng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tôi về thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh – là nơi gia đình em Lê Thị Thắm sinh sống. Con đường nhỏ đi vào gia đình em, bà con trong thôn đang tập trung làm đường giao thông, phấn đấu xây dựng thôn Đoàn Kết trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chị Doãn Thị Hồng nhận xét, em Lê Thị Thắm là tấm gương sáng về nghị lực, tinh thần vượt khó vươn lên. Vào cuối tháng 6 vừa qua, Huyện ủy Đông Sơn đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020. Xã Đông Thịnh có 1 tập thể và 3 cá nhân tiêu biểu (trong đó có em Lê Thị Thắm) được tôn vinh và được Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Đến thăm gia đình Thắm, ấn tượng với tôi Thắm là cô bé nhỏ nhắn, khuôn mặt tươi tắn. Chiều nay, Thắm có lịch dạy học Tiếng Anh cho các em nhỏ. Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Hồng Đức, Thắm đã dạy Tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ quê nhà vào mỗi dịp hè. Từ năm 2020, sau khi tốt nghiệp, ra trường, Thắm càng thêm gắn bó, dành thời gian cho các em nhiều hơn.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Nhắc lại những năm tháng bắt đầu tìm con chữ cho mình, Thắm kể, những năm đầu học tiểu học, nhiều khi em đã tưởng là mình phải bỏ lại ước mơ đi học giữa chừng vì khi tập viết các đầu ngón chân sưng tấy, mỏi nhừ. Nhiều khi đau quá em quẳng bút ngồi khóc, nhưng rồi, ngay lập tức sau đó lại nhặt bút và tiếp tục luyện chữ. Nhưng với nỗ lực phi thường, bản thân luôn nhắc mình không gục ngã trước khó khăn, cô gái bất hạnh không may mắn này đã thực hiện ước mơ đèn sách của mình như bao bạn bè đồng trang lứa khác với thành tích đáng nể 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Năm 2016, để tiện cho việc học hành và gia đình chăm sóc, Thắm quyết định thi và đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức. Khi Thắm thi đậu đại học, mẹ đã vứt bỏ mọi công việc nơi quê nhà, xuống thành phố tiện chăm sóc con. Biết được hoàn cảnh của Thắm, nhà trường đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho mẹ Thắm làm việc dọn dẹp vệ sinh trong trường để tiện cho việc chăm sóc con. Thắm từng tâm sự: Em có thể vẽ, em có thể thêu tranh, may vá và làm được rất nhiều việc khác, chỉ có điều em chưa bao giờ ôm được mẹ”.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Trong 4 năm học ở trường, Thắm luôn là sinh viên giỏi của trường và được nhận học bổng, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng về tấm gương vượt khó. Lớp học nơi quê nhà của Thắm, ban đầu chỉ có 5-6 em nhỏ theo học nhưng qua năm tháng, nhiều bậc phụ huynh đã biết đến và cho con theo học. Thành tích mà các em đạt được trong mỗi năm học có một phần đóng góp của cô gái giàu nghị lực Lê Thị Thắm. Bằng ý chí, khát vọng, nghị lực phi thường, cô gái không tay Lê Thị Thắm cứ lặng lẽ viết nên trang sử cho đời mình đầy tươi sáng. Nỗ lực cùng cố gắng bằng những việc em đã và đang làm sẽ là bài học cho những số phận bất hạnh khác có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Thắm tâm sự: Em thường xuyên bị cơn đau hành hạ do phần xương ở 2 khớp vai phát triển đâm vào da thịt gây đau nhức. Năm 2016 em đã phải tiến hành phẫu thuật, từ đó đến nay cứ 3 tháng/lần em lại phải ra Hà Nội khám lại. Gia đình phụ thuộc vào công việc quét dọn vệ sinh ở trường của mẹ, bố thường xuyên đi làm xa. Nếu được ước điều gì đó, em chỉ ước mong mình khỏe mạnh để bố mẹ đỡ vất vả, đồng thời tiếp tục dạy học cho các em nhỏ.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Với những đóng góp của mình, Lê Thị Thắm đã được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập và lao động giai đoạn 2007-2009; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen là tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện năm 2016; Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng Giấy khen Sinh viên Việt Nam “Những câu chuyện đẹp” năm 2018; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên lao động sản xuất giỏi giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, Lê Thị Thắm là 1 trong số 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc tham dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020”. Năm 2021, Lê Thị Thắm là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Xúc động về nghị lực, tinh thần vươn lên của em Lê Thị Thắm, thầy giáo Lê Viết Quân, giáo viên Trường TH&THCS Đông Nam, huyện Đông Sơn đã làm bài thơ gửi tặng em Thắm:

Cô gái giàu nghị lực

Em là bông thắm giữa đời

Bông hoa rực rỡ rạng ngời quê hương

Ngôi trường Đông Thịnh thân thương

Thầy cô dìu dắt con đường em đi.

Chập chững từng bước từ khi

Bập bẹ con chữ, nét chì cong cong

Đọc bài, làm toán vừa xong

Bàn chân luyện chữ từng dòng thẳng ngay.

Chăm lo cố gắng từng ngày

Bạn bè mến phục, cô thầy đều khen

Bỏ công bỏ sức luyện rèn

Trở thành cô giáo ước thèm năm xưa.

Vượt qua bão tố nắng mưa

Yêu nghề yêu trẻ say sưa giảng bài

Chăm lo thế hệ tương lai

Xây dựng đất nước ngày mai đẹp giàu.

(Tháng 7-2021).

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Sơn – Lê Thị Phương cho biết: Vừa qua, huyện Đông Sơn đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đã có 24 tập thể, 45 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn. Trong số cá nhân được biểu dương, khen thưởng, có thể nhắc đến em Lê Thị Thắm, xã Đông Thịnh. Em Thắm từ khi bắt đầu đi học cấp 1 đến khi vào đại học, ra trường đã trở thành tấm gương thường xuyên được biểu dương, tuyên truyền vì sự nỗ lực cố gắng vượt khó. Đặc biệt, Thắm đã mở lớp học dạy Tiếng Anh cho trẻ em tại địa phương, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã dạy miễn phí, lớp học của em ngày càng thu hút nhiều học sinh, phụ huynh cho con theo học. Tấm gương của em Thắm nói riêng cũng như những tấm gương tiêu biểu khác vừa được biểu dương khen thưởng nhưng cũng là cách để lan tỏa tấm gương đó đến đông đảo người dân trong và ngoài huyện, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo. Qua đó tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

[E-Magazine] - Những câu chuyện sống đẹp của 2 cô gái “đặc biệt”

Có thể khẳng định, những việc làm mà chị Hiền hay em Thắm đã và đang làm đã có sức lan tỏa về một lối sống đẹp, đem đến sự xúc động, cảm phục của cộng đồng và là tấm gương cho các thế hệ thanh niên người khuyết tật nói riêng, thanh niên xứ Thanh nói chung noi theo.

Nội dung: Ngọc Huấn

Ảnh: Ngọc Huấn và nhân vật cung cấp

Thiết kế: Mai Huyền

Xuất bản: 4:22:07:2021:10:06

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM