(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, chính vì thế trên mỗi số báo Văn hóa và Đời sống, những bài viết về đất và người xứ Thanh là một “đặc sản”, một món ăn quen thuộc nhưng qua bàn tay người chế biến nó lại được sáng tạo theo một cách riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồn đất và người xứ Thanh trên báo Văn hóa và Đời sống

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, chính vì thế trên mỗi số báo Văn hóa và Đời sống, những bài viết về đất và người xứ Thanh là một “đặc sản”, một món ăn quen thuộc nhưng qua bàn tay người chế biến nó lại được sáng tạo theo một cách riêng.

Từ vỉa quặng quý

Không phải chỉ sau khi báo Văn hóa và Đời sống (VH&ĐS) tổ chức cuộc thi viết “Đất và người xứ Thanh” năm 2015 thì những câu chuyện, những vấn đề này mới được quan tâm. Trước đó, ngay từ những số báo đầu tiên của tờ báo, với tôn chỉ mục đích của mình, báo VH&ĐS đã coi vấn đề văn hóa, đặc biệt là văn hóa xứ Thanh là mảnh đất để khai thác và sử dụng dài lâu.

Đất và người xứ Thanh là vỉa quặng quý để báo chí và những phóng viên mảng văn hóa khai thác. Bởi, chúng ta biết, với vị trí trung gian giữa Bắc bộ và Bắc Trung bộ mà dân gian hiện nay vẫn coi Thanh Hoá là "Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào". Nói như PGS. TS Ngô Đức Thịnh: Tính chất trung gian của xứ Thanh là có thật, là một thực thể địa - văn hoá, để lại dấu ấn nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của con người xứ Thanh.

Thanh Hoá cũng là một vùng đất lịch sử lâu đời với đầy đủ những mốc nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử, từ tối cổ đến tận ngày nay. Từ di chỉ núi Đọ - nơi tìm được dấu tích con người thuộc thời đại đá cũ sơ kỳ, cách ngày nay khoảng hai chục vạn năm. Rồi di chỉ hang Con Moong phát hiện ở Thạch Thành, chứa đựng các dấu vết khảo cổ học từ văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ). Văn hoá khảo cổ Đa Bút ở lưu vực sông Mã vào thời đá mới, cách ngày nay khoảng trên dưới 6.000 năm; Văn hóa Hoa Lộc sơ kỳ thời đại kim khí có niên đại khoảng 4.000 năm; và đặc biệt Văn hóa Đông Sơn ở thời đại kim khí (đồ đồng, sơ kỳ sắt). Để Thanh Hóa được gọi là một “Việt Nam thu nhỏ”, nơi này còn là mảnh đất sinh ra những hiền tài, là quê hương - nơi phát tích của nhiều bậc đế vương, danh nho: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn; Hồ Quý Ly; Thái Tổ nhà Hậu Lê (Lê Lợi); cho tới cả Trịnh - Nguyễn phân tranh... hay những nhà văn hóa như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Thống kê rằng: Từ Trưng Vương đến Bảo Đại, Việt Nam có tất cả 97 vua thì Thanh Hóa chiếm 48 người (49,5%), tất cả 20 chúa Trịnh và Nguyễn đều là người Thanh Hóa.

“Người xứ Thanh bên cái chất tế nhị, mềm mỏng, khôn khéo của người xứ Bắc là cái chất chân thật, cởi mở, mộc mạc, thô phác, thẳng thắn của người miền Trung, vì thế họ dễ thích nghi hòa hợp cho dù ra Bắc hay vào Nam”. Đặc biệt, người Thanh Hóa còn là đối tượng thẩm mỹ trong văn chương nghệ thuật: Đẻ đất đẻ nước, Lam Sơn thực lục, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Lam Sơn lương thủy phú, Quỳnh uyển cửu ca, Thanh Hóa quan phong, Ái Châu danh thắng...

Trong chặng dài lịch sử ấy rất nhiều di tích văn hóa ra đời, vừa là nơi tưởng nhớ công đức của tiền nhân, là những công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn, vừa được hoà mình vào các hoạt động lễ hội, trò chơi, trò diễn và các tích trò đặc sắc. Chẳng thế mà Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có tới 1.535 di tích. Gắn với mỗi di tích là các câu chuyện, các nhân vật, các trò diễn và lễ hội. Từ điệu hò sông Mã đến múa đèn (Đông Anh, Thiệu Quang), trò Xuân Phả, trò Tiên Cuội, trò Chuộc (múa rối), trò Ngũ Bôn, trò Thuỷ, trò Thiếp... rồi múa quạt, múa nón, trò diễn Kin Chiêng boọc mạy của người Thái, múa Pồông pôông của người Mường, múa rùa, múa bát của người Dao, múa ô, múa khèn của người Mông...

Cũng chính vì thế mà theo GS Trần Quốc Vượng: “Xứ Thanh là vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hoá quan trọng của Việt Nam”. Và sau này hầu hết trên các tờ báo ở trong và ngoài địa phương đều luôn khẳng định, đây là đất đế vương, là vị trí quan trọng, là vùng đất văn hóa, là một xứ để mỗi con người khi sinh ra ở đây đều phải tự hào và tự tôn.

Đến những khó khăn khi khai thác

Tuy vậy, bản thân đất và người xứ Thanh đã quá đồ sộ, viết gì và viết thế nào là sự trăn trở của không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn với ngay cả các phóng viên. Vấn đề cũ, ôn cố tri tân, những câu chuyện hay, những đề tài hấp dẫn đã được khai thác khá đầy đủ, đa dạng. Như thế có nghĩa là không còn gì để viết? Không phải, cái mỏ quặng quý ấy sẽ chẳng thể vơi cạn nếu biết sử dụng và khai thác. Chính bởi thế, trải qua 95 năm kể từ báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, các đề tài đất và người xứ Thanh luôn làm phong phú các trang báo địa phương và trung ương. Chỉ riêng báo Văn hóa và Đời sống, sau khi rất thành công với cuộc thi viết “Đất và Người xứ Thanh” nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa, hiện nay chuyên mục Sắc thái văn hóa xứ Thanh đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, cộng tác của người viết. Từ câu chuyện cũ để người ta hiểu hơn cách làm mới văn hóa, và cái nhìn mới những vấn đề văn hóa tưởng như đã cũ xưa.

Với báo VH&ĐS, việc duy trì nhiều năm một chuyên mục là nỗ lực lớn. Không chỉ vì đây là cơ quan báo chí của ngành văn hóa mà hơn hết là trách nhiệm của một tờ báo địa phương trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất giàu truyền thống. Đó là những bài viết như: Về thăm làng cổ Bồng Thượng; Gìn giữ nét đẹp lễ hội đầu xuân: Bảo tồn các trò chơi văn hóa dân gian; Về biển ăn “Tết thuyền”; Mặn mòi làng mắm Do Xuyên - Ba Làng; Nhà Trịnh với sự nghiệp trung hưng... Hay những bài viết kết hợp giữa việc giữ gìn giá trị văn hóa và hiện đại hóa để thích nghi với cuộc sống hiện nay: Để trò chơi, trò diễn dân gian “sống” giữa lòng thành phố hiện đại; Khôi phục những trò diễn dân gian gắn với lễ hội lịch sử: Một hướng làm du lịch; Gian nan bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Những nỗ lực đã được đền đáp; Kết nối với du lịch - con đường để di sản sống khỏe...Ngoài đội ngũ phóng viên chuyên trách mảng văn hóa, báo VH&ĐS còn tập hợp được nhiều cộng tác viên có tên tuổi là những nhà nghiên cứu: Hoàng Tuấn Phổ, Phạm Tấn, Lê Ngọc Tạo...

Việc quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh ngoài việc để độc giả có dịp tìm hiểu sâu hơn thì cũng là cơ hội để Thanh Hóa có thể tiếp cận với những nhà đầu tư văn hóa, kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và kinh tế của người dân. Để từ đó nhiều người biết đến Thanh Hóa.

Tại Hội thảo “Giải pháp phát huy giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” năm 2016, các nhà khoa học đã đưa ra những thế mạnh, đồng thời đã chỉ ra những đặc điểm chưa được của người Thanh Hóa. Trong đó, lý do chính và xuyên suốt để người Thanh Hóa không tạo được sự thiện cảm đó là tính trội, coi mình là nhất đồng nghĩa với việc coi thường người khác. Trong khi, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, đất nghèo nàn, lạc hậu, con người vẫn còn bảo thủ, trì trệ... Tuy vậy, vài năm gần đây, với nỗ lực xây dựng hình ảnh đất và người Thanh Hóa, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có cái nhìn thay đổi về xứ Thanh. Cụ thể, các nhà đầu tư đã đến với mảnh đất này. Năm 2017, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa, quy mô cấp Quốc gia đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Và gần đây nhất, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, vừa diễn ra ngày 12/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ngoài những giá trị văn hóa truyền thống, hiện nay “Thanh Hoá hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về KT-XH, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 trên địa bàn đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 cả nước, quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng (chiếm 8,5% cả nước), thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu/người/năm”...

Khi đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Lê Huy Ngọ nhân hội thảo về Lê Văn Hưu có ra vế đối: "Rừng nhiều, đất nhiều, người nhiều làm sớm làm chiều sao vẫn đói". Vế đối thể hiện trăn trở, băn khoăn của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thanh, về sau có người đối lại: "Vua có, Chúa có, Trạng có nói trăng nói gió bụng không no". Một giai thoại như vậy cho thấy người Thanh Hóa nhìn rõ mạnh yếu của mình. Mong một sự đổi thay về hình ảnh đất và người Thanh Hóa là mơ ước của hơn 3,6 triệu dân. Và trong hành trình đóng góp vào sự đổi thay của đất và người Thanh Hóa, có một phần nhỏ của đội ngũ nhà báo của báo Văn hóa và Đời sống. Họ đã và đang góp phần vào việc xây dựng hình ảnh xứ Thanh giàu truyền thống văn hóa, và có sự chuyển động mạnh mẽ trong quá trình xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh khá.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]