(vhds.baothanhhoa.vn) - Có nhiều cung bậc cảm xúc khi Bắc - Nam nối liền một dải, thống nhất non sông. Nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đau thương... Có những người lính mãi mãi nằm lại chiến trường, nhiều người trở về vẫn mang trong mình nỗi đau thời chiến nhưng tiếp tục làm nên những “kỳ tích” trong thời bình...

Khi người lính trở về: Vết thương thời chiến

Có nhiều cung bậc cảm xúc khi Bắc - Nam nối liền một dải, thống nhất non sông. Nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đau thương... Có những người lính mãi mãi nằm lại chiến trường, nhiều người trở về vẫn mang trong mình nỗi đau thời chiến nhưng tiếp tục làm nên những “kỳ tích” trong thời bình...

Khi người lính trở về: Vết thương thời chiếnThương binh nặng Vũ Tiến Miến và vợ - bà Lê Thị Xuân.

Nhà có 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam

Chúng tôi dừng chân ở phố Quang Trung 3, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), đây là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Văn Đạc, một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu ở 3 chiến trường: Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Năm nay, ông Đạc 76 tuổi. Ông lên đường nhập ngũ năm 1965, khi vừa 20 tuổi. Thống nhất đất nước, ông ra Bắc xây dựng gia đình. Niềm vui làm cha của ông chưa bao giờ trọn vì cả 3 đứa con sinh ra đều bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) và sau này nhiễm sang thế hệ thứ 3 là cháu ngoại Nguyễn Minh Vũ.

Ông kể về cháu ngoại bằng giọng rưng rưng. Trong ký ức của ông, 9 năm về trước, khi chào đời, Vũ là một đứa bé bị dị tật đặc biệt nặng với đầu to, mắt lồi, não úng thủy, rỗng tủy sống cổ lưng, hẹp đường thở, không có lỗ tai, có 2 hậu môn, nằm liệt tại chỗ. Con người ta chỉ bị một trong những dị tật trên đã khổ sở, còn cháu ông là một nỗi thống khổ. Ông xúc động nói: “Thương và đau, nhìn cháu lòng tôi lúc nào cũng nghẹn lại. Từ khi sinh ra, cháu phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị nhưng hiệu quả không cao. Năm 2017, may mắn, cháu được tổ chức từ thiện First Children của Úc tài trợ 100% kinh phí sang Úc mổ não. Mừng, là chuyến đi này đã thành công. Cháu tôi đã được cứu sống”.

Như một phép màu diệu kỳ, 4 năm qua, tuy còn dị tật nhưng Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc sống gần như nhiều đứa trẻ bình thường khác. Vũ đã biết nghe và chân Vũ đã biết đi. Cháu đã đến trường cùng học tập, vui chơi, cười đùa các bạn. Hiện Vũ đang là học sinh lớp 3 ở Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (TP Thanh Hóa).

Nhưng ông Nguyễn Văn Đạc, vẫn canh cánh nhiều trăn trở. Cháu càng lớn nỗi lo càng nhiều, khi vợ chồng ông tuổi càng cao, sức yếu ai sẽ là người chăm sóc cho mẹ con cháu Vũ. (Hiện vợ chồng ông Đạc đang nuôi con gái và 2 cháu ngoại - PV). Trong cuộc trò chuyện, ông Đạc chia sẻ với chúng tôi về lời hứa của một bác sĩ người Úc, người đã trực tiếp mổ não cho cháu Nguyễn Minh Vũ vào năm 2017. Vị bác sĩ này cho biết, 8 năm sau, tức vào năm 2025, nếu bà còn sống thì sẽ mang Vũ sang để tiếp tục điều trị đôi mắt và tai. Bởi hiện Vũ đã nghe được nhưng như lời bác sĩ, cháu đang nghe bằng xương.

Trong tổng số 1.746 nạn nhân CĐDC thế hệ F3 trên địa bàn tỉnh, với tôi, Nguyễn Minh Vũ là cậu bé may mắn và nghị lực phi thường. Cháu vượt qua nỗi sợ hãi, qua nỗi đau để điều trị bệnh và đã chiến thắng. Với ông ngoại của cháu, dù bản thân đang mang nhiều bệnh do ảnh hưởng của chiến tranh nhưng tôi biết, trong ông có một nỗi đau lớn hơn đó là sự đau đớn về tinh thần cũng như thể xác của con, cháu ông- những thế hệ chưa một lần biết đến mùi đạn bom thời chiến...

Cựu chiến binh với 92% thương tật

Chúng tôi tìm đến số nhà 38, đường Trần Bình Trọng, khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), nơi cư trú của thương binh nặng 1/4 Vũ Tiến Miến. Buổi sáng nay, vợ ông - bà Lê Thị Xuân đang ngồi bên cạnh, quạt mát cho chồng.

Trở về từ chiến trường miền Đông Nam Bộ và nước bạn Cam-pu-chia, thương binh Vũ Tiến Miến mang trong mình vết thương của chiến tranh với hai đôi mắt hỏng, cụt gần hết 2 tay và còn nhiều mảnh đạn nhỏ găm trong người, đặc biệt là ở đầu và mặt.

Hàng chục năm qua, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương trên người ông Miến lại nhức nhối đau. Mỗi đêm ông chỉ ngủ được vài tiếng, thậm chí có những đêm thức trắng.

Trở về sau cuộc chiến, ông không thể làm được gì, tất cả nhờ sự chăm sóc của vợ và các con. Cách đây 2 năm, ông bị tiểu đường, sau đó biến chứng sang zona thần kinh. Thời điểm này, ông thường bị giật nửa đầu. Ông kể: “Thời chiến, tôi đã bị bom vùi lấp, tưởng như không thể trở về. Thời bình, vẫn còn đó những cơn đau của chiến tranh, đến biến chứng zona thần kinh khiến tôi nhiều lần sống đi chết lại. Khi lên cơn giật, nửa đầu tôi nóng và sưng đỏ, vợ phải lấy một chậu nước lạnh để tôi nhú đầu vào nhưng chỉ 2 tiếng sau, đầu giật trở lại. Thời gian gần đây, tôi đi điều trị nên cũng đỡ hơn...”.

Có một điều khiến tôi xúc động trong cuộc gặp gỡ này, là trái tim nồng ấm của những người lính. Vợ ông Miến từng là thanh niên xung phong. Hai ông bà nên chồng, nên vợ từ “ông tơ bà mối” là những người thân trong gia đình. Bà Lê Thị Xuân nhớ lại: “Khi tôi gặp, ông ấy hỏi tôi anh thương tật 92%, em có muốn làm vợ anh không? Lúc đấy thoáng qua trong tôi suy nghĩ, lẽ nào thấy người bệnh tật, khó khăn như vậy lại quay lưng. Và tôi đã đồng ý về chung một nhà với ông ấy trong 47 năm qua...”.

47 năm ấy, bà đã đồng cam cộng khổ cùng ông, bên ông lúc trái gió trở trời, đút cho ông ăn từng miếng cơm, thìa cháo...

Sáng nay, ngồi nhìn bà quạt cho ông, tôi thấy ấm áp trong lòng. Lại nhớ lời tâm sự của ông: “Từ nay đến cuối đời, chỉ mong sao vợ chồng con cái được mạnh khỏe, hòa thuận. Từ ngày tôi lấy bà ấy, hai vợ chồng chưa bao giờ xảy ra điều tiếng gì, lúc nào cũng yêu thương, chia sẻ cùng nhau...”.

Có ai đó đã nói, đại ý rằng: Người lính, người cầu nguyện cho hòa bình, bởi chính họ là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu và hằn lên những vết thương của chiến tranh.

Và ngay khi đã có hòa bình, họ vẫn mang trên mình vết thương thời chiến. Nỗi đau vẫn dai dẳng, âm ỉ...

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]