(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã hơn 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhưng những ký ức về ngày tháng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong lòng người lính thì vẫn vẹn nguyên. Trong câu chuyện kể lại cho chúng tôi, mọi thứ như vừa chỉ mới xảy ra ở ngày hôm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức tháng tư

Đã hơn 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhưng những ký ức về ngày tháng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong lòng người lính thì vẫn vẹn nguyên. Trong câu chuyện kể lại cho chúng tôi, mọi thứ như vừa chỉ mới xảy ra ở ngày hôm qua.

“Đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến thắng lợi hoàn toàn”

Đã hơn 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhưng những ký ức về ngày tháng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong lòng người lính Trịnh Văn Ba (quê ở làng Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa) thì vẫn vẹn nguyên. Trong câu chuyện ông kể lại cho chúng tôi, mọi thứ như vừa chỉ mới xảy ra ở ngày hôm qua.

Hơn 40 năm đi qua, Thượng tá Trịnh Văn Ba chưa bao giờ quên những ký ức lịch sử của tháng 4/1975.

Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng chiếc bi đông đựng nước có phần cũ kỹ nhưng sáng bóng. Có vẻ như nó đã được chủ nhân giữ gìn rất cẩn thận. Và chẳng để chúng tôi đợi lâu, ký ức như những thước phim quay chậm trong ông lần lượt hiện ra.

Sau 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị, anh Thiếu úy Trịnh Văn Ba được đơn vị cử ra Bắc theo học lớp bổ túc hệ chính trị tại trường Sỹ quan Lục quân 1. Vào một ngày của tháng 12/1974, anh đột ngột nhận được lệnh điều động của cấp trên về nhiệm vụ mới vô cùng gấp gáp. Xếp lại sách vở, quay trở lại chiến trường với những chộn rộn và không khỏi băn khoăn. Phần vì công việc học hành chưa xong, phần vì nhiệm vụ mới nơi chiến trường khói lửa. Chẳng đủ thời gian để trở về tạm biệt người thân. Chiếc xe thời binh lửanhanh chóng đưa chàng trai trẻ trở về với chiến trường miền Nam, trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 316.

Sư đoàn 316 lúc bấy giờ vốn là đơn vị chuyên hoạt động ở khu vực miền rừng núi giáp với nước bạn Lào. Vì những tính toán quân sự, những gấp gáp trong nhiệm vụ mà sư đoàn nhanh chóng được điều động về Tân Kỳ (Nghệ An). Tại đây, sư đoàn đã được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ: “đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến thắng lợi hoàn toàn”. Dù rất ngắn gọn song anh lính Trịnh Văn Ba và những đồng đội trong đơn vị đều ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ mới. Vì thế, đã có không ít những lo lắng. Tuy nhiên, cảm xúc ấy nhanh chóng đi qua, chỉ còn lại ý chí quyết tâm, khát vọng “đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Dọc theo sườn đông của dãy Trường Sơn, Sư đoàn 316 nhanh chóng tập kết tại căn cứ Đắc Lắc. Đó thực sự là một cuộc hành quân lịch sử. Tất cả xe cơ giới của cả quân đội và nhân dân được huy động tối đa cho việc đưa các chiến sĩ về với chiến trường Tây Nguyên. Tại đây, với đặc thù của đơn vị chuyên “đánh rừng rú”, Sư đoàn 316 đã có hơn nửa tháng tập luyện để “làm quen với địa hình”. Và đó cũng là Tết Nguyên đán thực sự đáng nhớ với những người lính như anh. Trong không khí ngày đầu năm, ở miền đất đỏ Tây Nguyên, tết với mỗi người lính của sư đoàn 316 lúc bấy giờ là “10 điếu thuốc, 1 cái bánh chưng và hơn 2 lạng thịt lợn. Tất cả là hàng viện trợ từ ngoài Bắc vào”.

Những ngày tết đi qua cũng là lúc bắt đầu nhiệm vụ đặc biệt. Mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ tấn công kho quân lương Mai Hắc Đế và chi khu quân sự Chư Sê của địch. Thua trận, địch co cụm về sân bay Hòa Bình, ủ mưu đợi lực lượng viện trợ để tái chiếm. Sau bốn ngày đêm giằng co với địch, cuối cùng toàn bộ tỉnh Đắc Lắc đã được giải phóng.

Từ Đắc Lắc, tất cả các loại xe cơ giới trong vùng giải phóng đã được trưng dụng tối đa, nhằm đảm bảo cho cuộc hành quân thần tốc xuống khu vực Dầu Tiếng (Đông Nam Bộ). Tại đây, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ chặn không cho địch rút từ Tây Ninh về Sài Gòn theo đường 22.

Với khí thế hừng hực quyết chiến của hàng vạn chiến sĩ, cùng sự tính toán tài tình của cấp chỉ huy, quân ta đã đẩy kẻ địch đến chân tường tuyệt vọng, buông súng đầu hàng. Để rồi sau đó, cờ của Sư đoàn 316 đã nhanh chóng cắm trên nóc nhà Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, gióng lên hồi chuông thắng trận của lịch sử dân tộc nước nhà.

Sau hơn 40 năm khép lại chiến tranh, lịch sử dân tộc cũng bước sang những trang mới với nhiều đổi thay. Nhưng với những người lính như cựu quân nhân Trịnh Văn Ba thì tất cả vẫn còn đó, ở một góc trang trọng trong ký ức. Với họ, đó là thanh xuân, là tuổi trẻ tuy bi hùng nhưng đầy vinh quang. Bởi vậy, dẫu sau đó là cả cuộc đời binh nghiệp với những thăng trầm, chiếc bi đông nước lấy được từ một lính ngụy thua cuộc vẫn theo ông đến tận bây giờ. Nó nhắc nhớ ông, ngày hôm nay, ngày mai được bắt đầu từ ngày hôm qua.

Ngày 30/4 - không thể nào quên

20 tuổi, chàng học sinh Nguyễn Văn Loan, quê xóm Trung, xã Đông Thọ (nay là phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Lớp ông ngày ấy có 5 chàng trai cùng nhập ngũ một đợt vào năm 1970. Đóng quân ở Lạc Thủy - Hà Sơn Bình (nay là tỉnh Hà Nam) được hơn 10 ngày thì đơn vị di chuyển vào Quảng Bình thuộc Đại đội 20, Sư đoàn 304. Ở Đại đội 20, anh lính trẻ Nguyễn Văn Loan được huấn luyện nghiệp vụ trinh sát rồi tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Đà Nẵng. Nhiệm vụ của người lính trinh sát là luôn đi đầu, luồn sâu vào lòng địch, sống chủ yếu với dân quân du kích “ngày ẩn nấp, đêm hoạt động” nắm bắt tình hình của địch rồi báo cho cấp trên có phương án trong chiến đấu. Tổ trinh sát thường có 3 - 4 người và chiếc máy bộ đàm. Đi vào lòng địch thì dễ nhưng ra thì khó vô cùng và luôn bị địch phát hiện vì có sóng bộ đàm. Mỗi lần vào chiến dịch và rút quân, anh lính trẻ lại thêm một vết thương. Nặng nhất trong chiến dịch Đà Nẵng năm 1974, anh bị 7 mảnh đạn găm vào sống lưng. Vốn bị dị ứng với tiêm thuốc kháng sinh nên vết thương chỉ rửa, băng bó và uống thuốc bê-ta. Nằm bệnh viện dã chiến được nửa tháng, đại đội trưởng trinh sát là anh Ngọc vào hỏi thăm sức khỏe và hỏi đồng chí có tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh được không? Không ngần ngại, người chiến sĩ trẻ đồng ý và chỉ một ngày sau đó anh theo đơn vị tiến vào Nam chuẩn bị cho chiến dịch.

CCB Nguyễn Văn Loan nhớ lại kỉ niệm một thời của người lính trinh sát.

Ngày 20/4/1975 đơn vị vào đến Long Khánh (đây là khu rừng cao su). Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn cống, đơn vị được phân công tiến công vào phía Đông Sài Gòn là Biên Hòa, tổng kho Long Bình, khu bảo an dân vụ. Trinh sát Nguyễn Văn Loan được giao nhiệm vụ di chuyển vào cầu Sài Gòn để bắt liên lạc với Trung đội đặc công dưới cầu Sài Gòn. Sau 3 ngày đêm di chuyển, ngày 26/4 Loan đã vào đến trung tâm Sài Gòn và bắt liên lạc với Trung đội đặc công để chuẩn bị cho xe tăng vào, ngăn không cho địch đánh sập cầu, đồng thời báo cáo về đại đội cho lệnh tấn công vào phía Đông Sài Gòn.Ngày 27 - 28/4/1975, Sư đoàn 304 cho xe tăng đi theo xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn. Khí thế của những ngày này Sài Gòn rầm rập đoàn quân các nơi tiến về. Khác so với những chiến dịch trong cuộc đời người lính, chiến dịch Hồ Chí Minh là một khí thế hân hoan. Sài Gòn trong ngày 30/4 rợp cờ đỏ sao vàng của đoàn quân giải phóng. Lời tuyên bố của tổng thống Dương Văn Minh vang lên trên Đài phát thanh thay mặt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn xin đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thật thiêng liêng trong kí ức người chiến sĩ Nguyễn Văn Loan.

Ngày 1/5, đơn vị chiến sĩ Nguyễn Văn Loan rút về tổng kho Long Bình, để chiếm giữ kho vì đây là kho lớn nhất của Mỹ.

Chiến dịch kết thúc, đất nước toàn thắng, non sông thu về một dải. Đơn vị cho ông ra Bắc vào quân khu 3 và được đi học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1980 ông học xong rồi về Tổng cục Hậu Cần, sau đó vì hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đều mất ông xin về quê hương thờ cúng tổ tiên, lập gia đình và làm việc tại Sở Lương thực.

Đi qua chiến tranh hơn nửa đời người, ở tuổi 68, tuy không còn trẻ và cũng chưa hẳn già, nhưng năm tháng của đời lính và đại thắng mùa xuân 1975 vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức người lính Nguyễn Văn Loan - Người lính trinh sát luôn đi đầu trong mỗi trận đánh và rút lui để đoàn quân tiến công.

Ngày 30/4/1975 không chỉ ông mà có lẽ những người lính ở chiến trường may mắn trở về đều không thể quên. 5 chàng trai cùng lớp cấp 3 ngày nào, giờ chỉ còn 2 người. Trong cuộc đời người lính, trinh sát Nguyễn Văn Loan cũng như bao người lính yêu nước khác khi ra trận không màng đến sự sống, cái chết. Có thể mới đây thôi còn nở nụ cười chào nhau, vài tiếng sau bạn mình đã ngã xuống. Nỗi đau riêng và cũng là nỗi đau chung, tất cả đều nén lại để giành sức chiến đấu, để giữ vững tâm lí cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù.

Thu Trang - Ngọc Huấn


Thu Trang - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]