(vhds.baothanhhoa.vn) - Không khí Tết cổ truyền Mậu Tuất - 2018 đang cận kề, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đang rục rịch hối hả không ngừng sản xuất, mong cho ra lò những sản phẩm độc đáo, bắt mắt phục vụ người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề hối hả vào Tết

Không khí Tết cổ truyền Mậu Tuất - 2018 đang cận kề, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đang rục rịch hối hả không ngừng sản xuất, mong cho ra lò những sản phẩm độc đáo, bắt mắt phục vụ người dân.

Thanh Hóa được biết đến là tỉnh tập trung nhiều nghề, làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời, với những sản phẩm có tính độc đáo, tạo nét riêng biệt, lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Trong đó phải kể đến nghề đúc đồng Kẻ Chè xưa (nay thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa), chiếu cói Nga Sơn, rèn Tất Tác (Tiến Lộc, Hậu Lộc), bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng (Hải Thanh, Tĩnh Gia), mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa)...

Theo thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 25 nghề truyền thống, trên 155 làng nghề, mỗi sản phẩm từ các làng nghề tạo ra mang trong đó cả nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, sự cần cù, chịu khó của người dân xứ Thanh. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, những làng nghề ấy như được “dậy sóng”, không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động, tại nhiều làng nghề, việc tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Người dân xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đang hối hả làm việc cung cấp hàng hóa phục vụ ngày tết.

Về xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) trong những ngày cuối năm, không khí có phần rôm rả, nhộn nhịp, bởi người dân nơi đây đang tất bật để làm nên rượu Cầu Lộc nổi tiếng xa gần. Với tâm nguyện giữ gìn, phát huy nghề nấu rượu, những người tâm huyết của làng nghề đang cố gắng nâng niu “ tinh hoa văn hóa” của mảnh đất này.Toàn xã có trên 70% hộ dân làm nghề nấu rượu để kiếm lời, những ngày giáp tết, lượng tiêu thụ rượu tăng mạnh, thực tế nhiều hộ dân đã giàu lên từ nghề này. Tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, làng Cầu Thôn, bình thường trung bình mỗi ngày gia đình chị cung cấp cho thị trường từ 40 – 50 lít rượu. Những ngày gần tết, lượng rượu của gia đình bán ra thường gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường.

Ông Nguyễn Trọng Long, người nắm giữ bí quyết cắt thuốc bắc, làm men rượu, chia sẻ: “Nghề nấu rượu cũng thật lắm công phu, để được một mẻ rượu ngon, trước hết người làm nghề phải có tâm, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình nấu rượu do cha ông để lại. Từ nguồn nước quý giá đến cách chọn gạo, kết hợp với thứ men rượu được bào chế từ 36 vị thuốc bắc và những bí quyết gia truyền...”

Nghề làm hương truyền thống ở Đông Khê, Hoằng Qùy (Hoằng Hóa), trong những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp, bận rộn hơn hẳn. Hiện Đông Khê có trên 20 hộ dân làm hương, vào dịp này, số hộ làm hương tăng đáng kể, cũng bởi do nhu cầu của người tiêu dùng gia tăng. Trung bình, mỗi hộ làm hương tại đây thu hút từ 10 - 12 lao động, thu nhập tương đối ổn định.

Khắp làng Đông Khê, đâu đâu cũng thấy sự hối hả, tất bật, vui vẻ của những người xe hương đang cần cù làm việc để có hàng hóa phục vụ ngày tết. Các loại hương được làm chủ yếu là hương tràm, hương thẻ... Theo như lời một hộ dân làm nghề lâu năm tại đây cho biết: “Từ tháng 11 âm lịch, gia đình bắt đầu nhận đơn đặt hàng tết, số lượng tăng gấp 2 - 3 ngày thường, vào dịp tết, thị trường tiêu thụ các loại hương tăng cao, gia đình phải thuê thêm lao động, làm việc cật lực để cung cấp cho thương lái.”

Để làm ra một mẻ hương tốt, trước hết cần chú ý đến khâu chọn nguyên liệu, chủ yếu bằng rễ cây lâu, sau đó trộn lẫn với các vị thuốc bắc như cam thảo, đinh hương... nhằm tạo mùi thơm.

Được xem là nghề truyền thống, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, nghề rèn tại xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) từ lâu được biết đến với những sản phẩm tạo ra từ bàn tay tài hoa, tâm huyết của những người thợ trong lĩnh vực rèn, cơ khí. Các sản phẩm chủ yếu như dao, cuốc, xẻng, bánh lồng, bộ cày bừa, bulon, ốc vít...

Hiện tại làng nghề rèn Tiến Lộc, sản phẩm không chỉ dừng lại ở các công cụ truyền thống như con dao, cái cuốc, liềm, mà vươn tới sản xuất những dụng cụ cơ khí, phụ dụng chi tiết máy móc, chế tạo máy. Đặc biệt, vào dịp tết, các sản phẩm cũng trở nên đa dạng, nhiều chủng loại, số lượng nhiều, chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt.

Không nói ngoa khi gần như 100% người dân trong xã đang tham gia vào ngành nghề này, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Khu trung tâm chợ Sơn đã trở thành đầu mối giao thương các loại hàng hóa tiêu dùng, các cửa hàng, đại lý sắt, dao, ốc vít... được mở rộng, phát triển đáp ứng nhu cầu bao tiêu, trung chuyển các mặt hàng rèn đến các đại lý phân phối thu mua khắp các tỉnh, thành trong cả nước...

Với mỗi người dân ở những làng nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, việc sản xuất sôi động, nhộn nhịp, thị trường ổn định không chỉ giúp họ kiếm thêm thu nhập, mà còn mang đến niềm vui, động lực, niềm hứng khởi để họ tiếp tục duy trì, giữ lửa và phát triển...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]