(vhds.baothanhhoa.vn) - Cái cảm giác “thót tim” khi “đánh đu” trên 4 cây luồng ghép lại, để vượt qua suối Xim, dòng lũ đục ngầu, cuồn cuộn, chảy xiết khiến tôi không thể quên dù đã gần một năm trôi qua. Đó là cảm giác rờn rợn của tôi và người đồng nghiệp, bị mắc kẹt trong vùng tâm lũ Mường Chanh, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), hồi đầu tháng 9 năm ngoái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mắc kẹt trong vùng lũ

Cái cảm giác “thót tim” khi “đánh đu” trên 4 cây luồng ghép lại, để vượt qua suối Xim, dòng lũ đục ngầu, cuồn cuộn, chảy xiết khiến tôi không thể quên dù đã gần một năm trôi qua. Đó là cảm giác rờn rợn của tôi và người đồng nghiệp, bị mắc kẹt trong vùng tâm lũ Mường Chanh, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), hồi đầu tháng 9 năm ngoái.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Sau 5 ngày phải “chôn chân” ở thị trấn huyện Quan Hóa, do bị nước lũ cô lập, chúng tôi mới tiếp cận được xã Trung Lý (Mường Lát). Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 15C, từ trung tâm xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát cũng bị chia cắt do sạt lở đất. Mọi người phải thuê xe ôm chở về cầu Chiềng Nưa, xã Mường Lý để xuống thuyền, ngược sông Mã lên trung tâm huyện Mường Lát.

Lúc ngồi chờ thuyền, tôi gặp một nhóm thanh niên người dân tộc Thái, quê ở xã Mường Chanh cũng đang trên đường về thăm nhà sau đợt mưa lũ bị chia cắt. Cô gái Ly Thị Quỳnh, nhà ở bản Bóng, xã Mường Chanh với gương mặt lo lắng, bất an vì chưa biết người thân của mình ở nhà ra sao. Quỳnh bảo: “Em đi làm ở dưới TP Thanh Hóa. Từ hôm 28/8 đến ngày 5/9, em không thể liên lạc được với gia đình. Khi nhận được thông tin từ quê báo rằng, nhà cửa bị lũ cuốn trôi hết sạch rồi, nên em và nhóm bạn mới rủ nhau về quê thăm nhà”.

Trong lúc ngồi ở bờ sông chờ thuyền, nhóm bạn của Quỳnh (4 người) hỏi người lái thuyền thu bao nhiêu tiền một người cho quãng đường sông ấy, nhà thuyền bảo, thu mức 200.000 đồng/người. Sau một lúc bàn bạc, nhóm của Quỳnh quyết định đi bộ vì không đủ tiền trả cho nhà thuyền. Biết được chuyện này, anh em phóng viên chúng tôi đã động viên các em rồi cùng nhau gom góp lại một số tiền, hỗ trợ nhóm bạn của Quỳnh cùng đi thuyền. Quỳnh đã không cầm được nước mắt vì cảm động.

Gần khuya, chúng tôi mới chạm thị trấn Mường Lát. Gặp chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Lương Minh Thông, bảo: Sau hơn 20 năm thành lập huyện, chưa bao giờ Mường Lát bị mưa lũ tàn phá nặng nề như vậy. Mưa lũ đã làm 7 người chết và mất tích, hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, sập hoàn toàn, hàng chục điểm trường học bị bùn đất, đá vùi lấp không thể sử dụng được. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Toàn huyện có hàng nghìn người dân ở các xã Mường Chanh, Quang Chiểu, Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý, Tén Tằn, Pù Nhi, Nhi Sơn đang thiếu đói lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu.

Chúng tôi vượt suối Xim để tìm đường đến vùng tâm lũ Mường Chanh, Mường Lát.

Liều mình vượt dòng nước xiết

Những ngày sau đó, sau khi tiếp cận được với người dân bản Poọng, xã Tam Chung (là bản thiệt hại nặng nề nhất), anh em phóng viên đã liên tục cập nhật thông tin, gửi tin, bài về tòa soạn để phản ánh trên mặt báo.

Ở thời điểm đó, số lượng phóng viên báo chí tiếp cận được với người dân vùng lũ, chứng kiến cảnh tang thương do thiên tai gây ra, thực tình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Bởi lẽ, nhiều anh em phóng viên cũng muốn tiếp cận được hiện trường tâm lũ càng sớm càng tốt nhưng vô cùng khó khăn. Điều may mắn cho anh em chúng tôi ở thời điểm đó, là hệ thống thông tin liên lạc đã được khắc phục. Sóng điện thoại, đường truyền internet đã kết nối được với bên ngoài. Trong lúc giữa vùng tâm lũ kinh hoàng ấy, những thông tin, hình ảnh về người dân phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất” như thế nào, trường học bị lũ cuốn ra sao, các cấp chính quyền, lực lượng quân đội, công an lao vào giúp dân thế nào..., đều được anh em báo chí phản ánh kịp thời.

Những ngày sau đó, chúng tôi đã tiếp tục lao vào tâm lũ xã Mường Chanh - xã xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, lúc đang bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Mưa lũ đổ về khiến con đường độc đạo từ xã Quang Chiểu lên đây bị đứt gãy, mặt đường bị lũ tàn phá thành sông, suối. Chúng tôi đã đi bộ gần nửa ngày trời mới đến được với người dân nơi đây. Nhưng oái oăm, đến đập Na Chừa - con đập duy nhất vượt suối Xim vào Mường Chanh đã bị nước lũ cuốn phăng. Chúng tôi phải liều mình bám vào chiếc mảng bằng bốn cây luồng được người dân kết lại, vượt dòng nước xiết. Để qua được suối bằng cách ấy, tôi phải lấy hết can đảm và tự tin rằng; phía bờ bên kia có thầy giáo Trần Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh và thầy giáo Lê Văn Thành cùng hỗ trợ. Thầy giáo Thành đã nhờ hai thanh niên bản Na Chừa vạm vỡ, níu căng một sợi cáp vào gốc cây hai bên bờ suối. 4 cây luồng được ghép lại những thanh ngang và chằng bằng dây cáp điện, sau đó móc lên sợi dây cáp căng ngang suối. Một thanh niên bản có sức khỏe ngồi ở đầu bè luồng, dùng sức kéo bè vượt qua dòng nước lũ. Thanh niên còn lại ngồi ở đuôi bè để giữ thăng bằng, tránh bị lật.

Thống nhất được phương án vượt suối, chúng tôi gói ghém toàn bộ hành lý, đồ nghề, quần áo, tư trang vào chiếc ba lô rồi bọc trong chiếc áo mưa, để tránh ướt đồ. Từng gói hành lý của chúng tôi được đưa qua suối trước, sau đó từng người chúng tôi mới được hai chàng trai bản đưa qua. Mặc dù đã được chàng trai bản ngồi ở đuôi bè để giữ thăng bằng, nhưng khi ra giữa dòng suối, bè chìm dưới suối, nước chảy xiết, áp lực của nước đập vào ngực, khiến tôi đau tức. Loay hoay mãi, vẫn không thoát qua được dòng nước xoáy, thầy giáo Thành và một người dân trong bản phải lao mình xuống mép suối, đu người lên cho sợi dây cáp căng ra, để chàng trai bản có lực kéo bè... Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy “thót tim”, nhưng cứ nghĩ đến người dân, đến những bài báo, trong đó có tác phẩm anh Lê Nam - Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống có gọi điện đặt lại thôi thúc tôi tiếp bước và dấn thân.

Nhà báo Thế Lượng tác nghiệp tại vùng lũ Mường Lát.

Qua được suối Xim, chúng tôi đi bộ sâu vào bản Na Chừa, bản Ngố, Na Hào, Bóng, Cang, bản Na Hin với sự hoang tàn, đổ nát và đau thương do lũ gây ra. Đất, đá từ trên đỉnh núi sạt xuống khiến con suối Xim bị nắn dòng, cuốn phăng cả cánh đồng lúa của người dân. Những căn nhà của người dân trơ lại vài chiếc cột, có ngôi nhà chỉ còn sót lại mỗi cái nền...

Chủ tịch UBND xã Mường Chanh lúc ấy là anh Lê Thế Thọ, khi gặp chúng tôi, anh đã không cầm nổi nước mắt. Anh bảo: “Nhìn thấy anh lên được đến đây, em vừa mừng, vừa lo. Ngộ nhỡ anh có mệnh hệ gì lúc vượt suối Xim, thì các em không biết phải làm thế nào nữa. Nhưng thôi, như vậy là may mắn lắm rồi. Thật cảm động và thật cảm phục nhà báo!”.

Theo Chủ tịch Thọ, trận lũ lịch sử khiến người dân ở Mường Chanh vốn dĩ đã nghèo nàn, khó khăn lại càng cơ cực hơn. Lũ đi qua, bao nhiêu tài sản của người dân bị cuốn phăng, rất nhiều công trình cầu cống, đường giao thông….bị hư hỏng. Sau gần 10 ngày bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, chính quyền xã vẫn chưa thể thống kê đầy đủ được thiệt hại do lũ gây ra. Trước mắt, để giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn ấy, chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục hệ thống giao thông về trung tâm huyện. Khi đường thông được thì mới có thể vận chuyển lương thực, thực phẩm lên cứu trợ cho bà con. Mãi tới chiều ngày 8/9, lực lượng quân đội, Công an huyện và dân quân ở xã Mường Chanh mới cõng được 500 kg gạo, 200 thùng mì tôm vào cứu trợ cho bà con. UBND xã lúc bây giờ cũng mới nhận tiền từ huyện chuyển về, để hỗ trợ ban đầu cho mỗi nhà dân bị sập hoàn toàn với mức 7 triệu đồng/hộ...

Sau 3 ngày nằm ở tâm lũ Mường Chanh, lúc rời mảnh đất ấy mà lòng tôi day dứt. Bởi lẽ, người dân ở vùng xa xôi, nghèo khó nhất tỉnh Thanh đã bị thiên tai cướp đi của họ quá nhiều tài sản. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt lẫn công sức của họ bỗng chốc tan tành. Nhiều gia đình phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”, trong khi đó, công tác cứu trợ cho Mường Chanh đang gặp vô vàn khó khăn... Và, lúc đó tôi chỉ hy vọng, hệ thống giao thông về Mường Chanh được khắc phục ngay tức khắc, có thể vận chuyển hàng cứu trợ đến với đồng bào, giúp họ có cái ăn, để làm lại từ đầu.

Thế Lượng


Thế Lượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]