(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa trưa, dưới cái nắng chang chang và bỏng rát, người người bịt kín “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” miệt mài dưới những cánh đồng muối. Chả thế mà từ lâu người ta đã nói: “Mồ hôi ướt áo diêm dân/ Muối càng thêm đậm vị ngon mặn mà”. Những giọt mồ hôi ấy làm mặn và chát thêm cho những hạt muối trắng trong.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mặn hơn cả muối

Giữa trưa, dưới cái nắng chang chang và bỏng rát, người người bịt kín “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” miệt mài dưới những cánh đồng muối. Chả thế mà từ lâu người ta đã nói: “Mồ hôi ướt áo diêm dân/ Muối càng thêm đậm vị ngon mặn mà”. Những giọt mồ hôi ấy làm mặn và chát thêm cho những hạt muối trắng trong.

Mỗi năm, nghề làm muối kéo dài được 4-5 tháng, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch. Cũng chừng ấy thời gian diêm dân quần với những mong muốn kiếm tí tiền để con cái học hành, chi tiêu cho cả năm.

Chúng tôi về đồng muối thôn Yên Châu - một thôn Công giáo toàn tòng của phường Hải Châu, TX Nghi Sơn. Quy trình làm muối chắc nhiều người đã rõ, nhưng không ít người từng tặc lưỡi, diêm dân vất vả cũng chỉ vài ba tiếng buổi trưa. Nhưng, từ mờ sáng họ đã phải ra làm đất nền, đến trưa tưới nước mặn từ bể vào sân phơi, chiều đến lại nhanh chóng thu hoạch chở về nhà kho chứa muối, chờ ngày bán.

Theo ông Đặng Duy Tân - Chủ tịch UBND phường Hải Châu: Trước kia, cả thôn này làm muối, còn giờ đây chỉ còn hơn 40 hộ tương đương 80 người làm trên tổng số 350 hộ với 2.950 khẩu. “Dịp này các anh chị về đây, cánh đồng muối đông vui hơn, vì dịch Covid-19 khiến nhiều người không đi làm xa được phải ở lại làng”.

Ông Tân chia sẻ thêm: Nghị quyết HĐND phường năm 2020 không có chỉ tiêu về muối. Nguyên nhân chính là sản lượng muối mỗi năm lại thấp đi nhiều. Nếu năm 2015 sản lượng muối là trên 15 nghìn tấn/năm, từ năm 2016 đến 2019, bình quân đạt 7.000 tấn/năm, nhưng riêng từ đầu năm 2020 tới nay, cả thôn chỉ đạt 600 tấn tương đương 900 triệu. Người dân làm muối thu nhập trung bình khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Trong khi nếu đi công ty hoặc các ngành nghề khác họ không khó để có mức lương5-6 triệu đồng. Người dân chẳng còn mặn mà gì với muối, họ sẵn sàng chuyển đổi nghề, dù cấp ủy và chính quyền không khuyến khích. Nhờ có các ngành nghề khác mà thu nhập bình quân đầu người ở đây tăng từ 29-30 triệu đồng năm 2014 - 2015 lên 43 triệu đồng trong năm 2020.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Hiền, Chánh trương giáo xứ Yên Châu, người 17 tuổi đã đi làm muối và đến giờ sau 44 năm ông vẫn cần mẫn với nghề. Ông tự hào với cái nắng cái gió của mảnh đất này: Đây là vùng làm muối từ cát nên muối sạch và ngon, người mua về muối cá thì cá ngọt, muối cà thì cà ngon, muối dưa thì dưa vàng. Ấy thế nhưng ông không sống được bằng nghề muối, phải làm đủ nghề, đủ việc mới đủ sống. Chính vì thế ông rất mong nhà nước sẽ có chính sách và quy hoạch lại vùng muối để đời sống người dân thay đổi. Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương thu hồi 30ha/80ha để tập trung nuôi tôm công nghệ.

Cùng chung tình cảnh này, huyện Hậu Lộc có hơn 138 ha đất sản xuất muối ở 2 xã Hải Lộc và Hoà Lộc. Đứng trước bài toán chuyển đổi nghề cho diêm dân, huyện Hậu Lộc đã xây dựng “Đề án chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả hơn trên địa bàn huyện Hậu Lộc đến năm 2020 và định hướng 2025”. Mục tiêu là chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác, cụ thể giai đoạn 2019 - 2020 chuyển đổi 24,76 ha, giai đoạn 2021 - 2025 chuyển đổi 93,33 ha. Đồng thời có kinh phí hỗ trợ sản xuất và đời sống cho diêm dân khi chuyển đổi; đền bù thu hồi đất sản xuất muối; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho diêm dân; nâng cấp, xây mới các tuyến đường và hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Trong 2 xã có nghề muối thì Hải Lộc khó khăn hơn nhiều so với Hòa Lộc. Với quan điểm, mắt thấy, tai nghe, tay sờ chứ chỉ nói là chưa đủ, một số người dân Hải Lộc cảm thấy lo âu, vì đã gần hết năm 2020 nhưng chưa một doanh nghiệp, một mô hình nào xuất hiện trên địa bàn xã. Xuất phát từ tâm lý chờ đề án, năng suất muối giảm, thu nhập của người dân vốn đã ít nay càng bèo bọt, không ai muốn đầu tư. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Hải Lộc cho biết: "Hiện, đề án mới chuyển đổi được 7 ha trên tổng số 78 ha quy hoạch, chủ yếu nằm trong diện tích đất ở và đất xây dựng cơ bản. Đánh giá về đề án này chúng tôi cho rằng hiệu quả thấp và tiến độ chậm dù nhân dân rất trông chờ và đồng ý với chủ trương của tỉnh, của huyện. Tâm lý trông chờ đã khiến người dân không đầu tư và sản xuất chừng mực, kéo theo hiệu quả không cao, lao động vừa làm vừa bỏ".

Ông Hùng cho biết thêm: "Hợp tác xã muối Hải Lộc có trên 600 hộ, trong đó số chuyển đổi là hơn 100 hộ như vậy còn hơn 500 hộ có diện tích đang kinh doanh. Chúng tôi biết những bất lợi của xã là điểm cuối của huyện, khó khăn về cơ sở hạ tầng, đường, điện kém, môi trường ô nhiễm... Trước đây, khi còn cầu Nam Khê, quãng đường về huyện chỉ mất 6 km, còn giờ đây chúng tôi phải đi 12 km. Thử hỏi, nhà đầu tư nào sẵn sàng vào"?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Hải Lộc chỉ vào những ô nại người dân cố làm, không muốn đầu tư thêm.

Là hộ gia đình có năng suất làm muối cao, anh Nguyễn Văn Phú (thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) chia sẻ: “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi làm được hơn 10 tấn muối, thu nhập khoảng 19 triệu đồng. Nghe thì to đấy, nhưng chia đều ra thì mỗi tháng thu nhập 1,5 triệu. Quá thấp. Vì thế, cũng như nhiều hộ gia đình khác, chúng tôi rất mong Nhà nước sớm chuyển đổi nghề muối sang nghề khác phù hợp để dân có thu nhập và cuộc sống đỡ vất vả”.

“Được mùa rớt giá” cái điệp khúc quen thuộc lúc nào cũng thường trực và ăn sâu bám rễ vào diêm dân. Dù năm 2020, số ngày nắng khá nhiều nhưng dân vẫn... oải vì nhìn mãi chả thấy tiền đâu. Tiền đang trong kho ngoài sân phơi muối. Nếu bán muối cho dân thu mua thì chả đủ tiền đầu tư, nên ngoài việc làm muối, người dân còn phải tự đạp xe rong ruổi trên các đường làng, ngõ xóm khắp nơi, đến gõ cửa từng nhà dân để mong kiếm thêm vài đồng.

Thực trạng khó khăn của nghề muối ở thôn Yên Châu, hay xã Hải Lộc chính là động lực để TX Nghi Sơn và huyện Hậu Lộc có những trăn trở trong việc chuyển đổi nghề muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo các đề án, khi quá trình chuyển đổi được triển khai hoàn thành, chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đảm bảo thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tuy vậy, để đề án nhanh chóng được thực thi, diêm dân vẫn phải chạy đua với trời. Những giọt mồ hôi chảy tong tong trên làn da nhăn nheo của những ông bà già ở nhà vừa chăm cháu để con đi công ty thì ngày càng mặn hơn cả muối. Những cánh đồng muối giờ chỉ còn người già.

Liệu mai đây, có còn những hình ảnh chiếc xe cút kít chở đầy muối và những người nông dân bịt kín giữa cái nắng nóng của mùa hè, hay chỉ là cái nghề “vang bóng một thời”, ít ai còn nhớ và biết đến?

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]