(vhds.baothanhhoa.vn) - Quảng Nam từng có mối kết giao lịch sử với xứ Thanh, từ thuở Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người con của dòng họ Nguyễn nổi tiếng danh gia vọng tộc ở Thanh Hóa, rời quê hương Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung) tiến về phương Nam, mang khát vọng khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, gây dựng cơ đồ cho con cháu nhiều đời. Sự kết giao ấy đã trở thành mạch nguồn tâm linh chảy mãi không ngừng, để đến thế kỷ XX, 5 thế kỷ sau kể từ thuở Chúa Tiên dựng nghiệp, người sông Mã, người sông Thu lại kết tình huynh đệ. Nghĩa tình Thanh - Quảng như viên than hồng ẩn trong tro tàn quá khứ, giữa gian khó và đạn bom lại được thổi bùng lên thành lửa sáng nhiệt thành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Mối tình kết nghĩa ngàn thu không mờ”!

Quảng Nam từng có mối kết giao lịch sử với xứ Thanh, từ thuở Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người con của dòng họ Nguyễn nổi tiếng danh gia vọng tộc ở Thanh Hóa, rời quê hương Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung) tiến về phương Nam, mang khát vọng khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, gây dựng cơ đồ cho con cháu nhiều đời. Sự kết giao ấy đã trở thành mạch nguồn tâm linh chảy mãi không ngừng, để đến thế kỷ XX, 5 thế kỷ sau kể từ thuở Chúa Tiên dựng nghiệp, người sông Mã, người sông Thu lại kết tình huynh đệ. Nghĩa tình Thanh - Quảng như viên than hồng ẩn trong tro tàn quá khứ, giữa gian khó và đạn bom lại được thổi bùng lên thành lửa sáng nhiệt thành.

Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến cứu quốc của Hồ Chủ tịch, thực hiện Nghị quyết 15 của BCH TƯ Đảng (Khoá II) tổ chức kết nghĩa giữa các địa phương ở hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, ngày 12/3/1960, tại thị xã Thanh Hoá, lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hoá - Quảng Nam được tổ chức với sự tham dự của hơn 20 ngàn cán bộ chiến sỹ và nhân dân tỉnh Thanh Hoá và đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, 8 huyện, thị xã của hai tỉnh cũng lần lượt tổ chức kết nghĩa: TX Thanh Hoá - TX Hội An; huyện Triệu Sơn - TX Tam Kỳ; Đông Sơn - Thăng Bình; Thọ Xuân - Quế Sơn, Hoằng Hoá - Điện Bàn; Nông Cống - Duy Xuyên; Tĩnh Gia - Đại Lộc, Quảng Xương - Hòa Vang. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ VII, đoàn đại biểu Quảng Nam đến dự đã có lời phát biểu và khẳng định: “Quảng - Thanh chung sức diệt thù/ Mối tình kết nghĩa nghìn thu không mờ”.

Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn sau Đại thắng mùa xuân 1975 - ảnh chụp ngày 15/5/1975 tại Đà Nẵng - do cựu chiến binh Ngọ Tiến Cảnh nguyênTiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn cung cấp.

Ngay sau lễ kết nghĩa, Thanh Hóa đã phát động những phong trào thi đua: “Tất cả để chiến thắng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Quảng Nam kết nghĩa”; “Quảng Nam anh dũng chống Mỹ - Diệm, Thanh Hóa quyết thắng vụ Đông Xuân”; “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”; “Học tập tư tưởng cách mạng tiến công của quân và dân Quảng Nam”. Cán bộ, chiến sỹ, đồng bào Quảng Nam cũng tích cực thi đua diệt Mỹ - Ngụy, kiên quyết bám trụ để chiến đấu từ trong lòng địch, góp phần bảo vệ và phát triển phong trào cách mạng miền Nam.

Nhân kỷ niệm 1 năm kết nghĩa, TX Thanh Hoá, đơn vị kết nghĩa với TX Hội An đã xây dựng Công viên thiếu nhi và Thư viện thanh thiếu niên Thanh Hóa - Hội An. Năm 1972, TX Thanh Hóa tiếp tục xây dựng rạp chiếu bóng mang tên Hội An. Rất nhiều trang thư ấm áp nghĩa tình của cán bộ, đồng bào hai tỉnh và các địa phương kết nghĩa gửi cho nhau trong suốt thời kỳ kháng chiến. Những chiến lợi phẩm thu được của địch sau các trận đánh lớn đã được cán bộ, chiến sỹ và đồng bào Quảng Nam gửi tặng Thanh Hóa để bày tỏ quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hội An kể lại, trong lần ra dự Đại hội Đảng bộ TX Thanh Hóa lần thứ 8, ông đã mang theo tấm khăn thêu của chị em tù chính trị nhà lao Hội An bí mật gửi ra tặng đại hội. Tấm khăn có bài thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, và dòng chữ “son sắt một lòng” còn thêu dở, ra đến Thanh Hóa chiếc khăn được chị em phụ nữ Thanh Hóa đón nhận và thêu tiếp phần dang dở. Những tin thắng lợi, những gương dũng cảm diệt giặc ở Quảng Nam đã có tác dụng rất lớn thúc đẩy phong trào cách mạng ở Thanh Hoá. Từ đây, nhiều phong trào, hình thức thi đua sôi nổi, thiết thực đã được tổ chức như: Hội Phụ nữ Thanh Hoá phát động xây dựng “Đội trồng cây Quảng Nam”; Đoàn thanh niên phát động phong trào “Thi đua theo gương Nguyễn Văn Trỗi”; Công đoàn xây dựng các “Tổ lao động Trần Cao Vân”...

Với âm mưu thâm độc cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Mỹ liên tục cho không quân tập kích, bắn phá các mục tiêu trọng điểm nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam, trong đó có cầu Hàm Rồng. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngay trong 2 ngày 3- 4/4/1965, quân dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, đập tan cái gọi là uy thế của không lực Hoa Kỳ làm nức lòng quân dân cả nước, khiến bạn bè năm châu phải khâm phục. Chiến thắng Hàm Rồng như một minh chứng hùng hồn biến lời nói thành hành động thiết thực “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời; “Quảng Nam gọi, Thanh Hóa trả lời”. Ngay sau khi Hàm Rồng - Thanh Hóa đan lưới lửa diệt quân thù, đêm 25 rạng ngày 26/5/1965, quân dân Quảng Nam đã mở trận núi Thành, lần đầu tiên đánh trực diện vào quân Mỹ, tiêu diệt khoảng 180 tên và nhiều vũ khí, khí tài, cắm ngọn cờ “quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đỉnh núi, báo tin vui trận đầu thắng Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa luôn thực hiện vượt mức nghĩa vụ tuyển quân để chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm từ 1965 - 1975, Thanh Hóa đã huy động gần 260 ngàn thanh niên nam nữ gia nhập bộ đội và thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường. Trong đó hàng ngàn cán bộ chiến sỹ Thanh Hóa tăng cường cho các đơn vị giải phóng quân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đáp lại tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, tại Quảng Nam, từng ngành, từng giới cũng hăng hái thi đua: Nông dân thi đua tăng gia sản xuất, đóng góp đảm phụ kháng chiến và đi dân công tiền tuyến, bộ đội và du kích thi đua giết giặc lập công. Nhưng sôi nổi nhất, hào hứng nhất là phong trào “Thanh niên tình nguyện thoát ly - Nguyễn Văn Trỗi”. Nhiều thanh niên ở trong vùng địch kiểm soát cũng tìm cách ra vùng giải phóng để gia nhập lực lượng cách mạng.

Để chi viện cho tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, tháng 8/1967, tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (căn cứ cách mạng của Thanh Hóa thời kỳ tiền khởi nghĩa), Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn đã được thành lập; gồm 500 cán bộ, chiến sỹ là con em Thanh Hóa. Từ năm 1968 đến 1975, tiểu đoàn đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, Ngụy và chư hầu, diệt được nhiều tên ác ôn khét tiếng; được tặng thưởng gần 50 huân chương chiến công, quân công và hàng trăm bằng khen, giấy khen, cờ thi đua. Ngoài Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, Thanh Hóa cũng đã cử hàng ngàn cán bộ chiến sỹ tăng cường cho các đơn vị ở Quảng Nam. Tiểu đoàn 1 bộ binh, tiểu đoàn 70 bộ binh, tiểu đoàn 89 đặc công, bệnh xá 78 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng (là những đơn vị cán bộ chiến sỹ người Thanh Hóa chiếm gần nửa quân số) đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Lực lượng công an Thanh Hóa (tính trong 10 năm từ 1965 - 1975) đã huy động gần 600 cán bộ chiến sỹ vào miền Nam, một phần trong số đó trực tiếp công tác ở Quảng Nam.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cách mạng miền Nam thiếu cán bộ cơ sở trầm trọng.Ông Trịnh Đăng Bưởi, nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thanh Hóa tăng cường làm tỉnh đội phó của Quảng Nam. Ông thường xuyên dặn dò đồng đội: “Chúng ta là người Thanh Hóa, anh em kết nghĩa với Quảng Nam, phải sống xứng đáng với nghĩa tình ấy. Chết thì thôi, nhất định không được làm điều gì phiền lòng đồng chí đồng bào Quảng Nam”. Trong một trận càn tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, ông Trịnh Đăng Bưởi và một đồng đội Quảng Nam đã được cứu sống nhờ một cậu bé 10 tuổi. “Cậu bé” ấy chính là anh Phan Đức Tám, cán bộ công an, hiện sinh sống tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình. Trên người anh vẫn còn dấu tích những vết thương trong trận càn ngày ấy, khi địch đem anh ra “cắt tai, rạch bụng, nướng trên lửa”.

Trong giai đoạn Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc, để tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến lớn, tháng 11/1972, Thanh Hóa thành lập trung đoàn bộ binh mang tên “Lam Sơn” vào miền Nam chiến đấu, mang theo lá cờ “Lam Sơn quyết thắng” do đảng bộ và nhân dân trao tặng. Sau hiệp định Pari, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh phản công và tiến công địch, kiên quyết chống lại âm mưu vi phạm hiệp định, giành lại vùng giải phóng của quân Ngụy. Tại Thanh Hóa, cuối 1974, đầu 1975, đã huy động lực lượng vượt chỉ tiêu giao quân tới 20%, hành quân thần tốc chi viện cho giải phóng miền Nam. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, suốt 27 ngày đêm chiến đấu (từ 3/3 đến 29/3/1975), quân dân ta đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong đoàn quân từ Quảng Nam tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1975, có rất nhiều con em Thanh Hóa. Họ đã cùng những đồng chí, đồng đội của quê hương kết nghĩa thần tốc tiến về Sài Gòn, cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân, viết bài ca khải hoàn của Tổ quốc Việt Nam vinh quang.

Sáu mươi năm đã trôi qua, những câu chuyện “chiến trường chia lửa, hầm tối chia cơm” vẫn in đậm trong ký ức của những nhân chứng. Và rất nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân, nghĩa đồng bào Quảng Nam - Thanh Hóa vẫn chưa có nhiều người biết đến. Xin gửi lời tri ân tới các bác, các anh, những con người đặt nền móng cho tìnhcảm keo sơn, ruột thịt ấy, để “Sông Mã nối sông Thu, giọng Thanh hoà giọng Quảng”. Những câu chuyện ấy sẽ là những bài học lịch sử sinh động, minh chứng cho nghĩa tình Thanh - Quảng, mãi mãi truyền cho con cháu nhiều đời. Nhiều thế hệ của sông Mã, sông Thu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ và xây đắp cho tình cảm kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam lên tầm cao mới và luôn thuỷ chung, son sắt “ngàn thu không mờ”.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]