(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như không là nạn nhân của những vụ buôn bán người thì liệu ở lại quê nhà họ có sung sướng hơn không? Có thể chưa hẳn, dù cuộc sống của họ còn chồng chất khó khăn, nhưng tôi tin, ít ra cũng đỡ khổ hơn nơi đất khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày về... (Kỳ cuối): Bình yên quê nhà

Nếu như không là nạn nhân của những vụ buôn bán người thì liệu ở lại quê nhà họ có sung sướng hơn không? Có thể chưa hẳn, dù cuộc sống của họ còn chồng chất khó khăn, nhưng tôi tin, ít ra cũng đỡ khổ hơn nơi đất khách.

Nghèo vẫn là nghèo

Năm 2010, chị Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1971 đã trở về và sống với bố mẹ đẻ ở thôn Thái Hoà, thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống) sau 23 năm bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Nhưng giờ thì căn nhà chỉ còn hai mẹ con chị ở với nhau vì bố chị vừa mất cách đây vài tháng sau một cơn tai biến. Khó khăn nhất hiện nay cho gia đình chị Ngọc là mẹ chị - bà Nguyễn Thị Hợp không có lương và chị cũng không có việc làm. Một năm trước, chị Ngọc mới được hưởng bảo trợ xã hội với 405 nghìn đồng/tháng.

Bà Hợp kể lại: “Con Ngọc bị tàn tật từ nhỏ, cũng không được khôn như người khác nên mới bị lừa sang Trung Quốc. Thời gian đầu mới về, bệnh nó nặng hơn lúc ở nhà, nó cứ đập đầu vào tường, giờ thì đã đỡ nhiều. Nhưng 3 năm nay nó bị đau dạ dày rồi chân tay lúc nào cũng đau nhức, cứ đi viện suốt. Nó như vậy thì không làm được gì cả. Cả nhà có mỗi ông nhà tôi là có lương...”.

Trong câu chuyện kể, bà Hợp cũng không quên nhắc đến chuyện, khi về nước chị Ngọc được vay vốn 10 triệu đồng từ một dự án để mua một con bò với mục đích phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, bò cũng bị bán đi để lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho chị Ngọc. Vậy nên, số tiền 10 triệu đồng được vay cũng chưa có để trả cho dự án.

Bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây 23 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc (Nông Cống, người ngoài cùng bên phải) trở về và sống với mẹ.

Tôi nhớ lại, chuyện chị Đồng Thị Lục, sinh năm 1978 ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) bị lừa bán sang Trung Quốc năm 23 tuổi và trở về Việt Nam vào năm 2010. Khi trở về, chị được người em trai cho đất và xây một căn nhà nhỏ khoảng 10m2 để ở. Lúc về, chị cũng được vay vốn 10 triệu đồng nhưng lại dùng vào việc xây nhà và may mắn là em trai chị đã đứng ra để trả số tiền này. Khoảng một thời gian sau khi về nước, chị qua lại với một người đàn ông và có một đứa con nhưng duyên cũng không được bền.

Từ khi về nước, chị Lục hàng ngày đi bóc tôm thuê để nuôi các con. Gia đình chị thuộc hộ nghèo, trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường của ba mẹ con. Không có bếp, chị nấu nướng ở ngay trong nhà. Cả nhà có một chiếc nồi duy nhất. Tôi hỏi: “Chị đi làm có đủ trang trải cuộc sống gia đình không? Vẫn là chị Lục với khuôn mặt lạnh lạnh, buồn buồn trả lời tôi: Cũng khó lắm nhưng hàng xóm ở đây rất tốt, lúc nào cũng có người sang chơi, lúc cho rau, lúc cho cá...”.

Hôm về thôn Phú Sơn, xã Thành Kim (Thạch Thành), nơi sinh sống của bà Đỗ Thị Phán, người đã được trở về Việt Nam sau 26 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tôi nỗi ám ảnh về cuộc sống của bà sau khi trở về. Năm 2016 bà Phán về nước khi đã 58 tuổi, do đã hết tuổi lao động nên không được vay vốn 10 triệu đồng. Căn nhà bà đang ở hiện tại với diện tích khoảng 6-7 m2 là do người em trai cải tạo từ cái chuồng lợn cũ. Căn nhà mà bất cứ lúc nào gió cũng có thể lùa vào vì ô cửa sổ thì có nhưng không có cánh cửa, cửa chính thì bằng vài mảnh gỗ ghép lại. Bà Phán thuộc diện hộ nghèo của xã Thành Kim. Từ khi về nước, bà không làm được gì vì bị tai biến, phải sống nhờ bằng 405 nghìn đồng hàng tháng từ tiền bảo trợ xã hội và sự đùm bọc của anh em, xóm giềng.

Không phải hoàn toàn những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc sau khi trở về nước đều có cuộc sống nghèo khó, nhưng phần lớn trong số họ lại thuộc hộ nghèo. Với những người phụ nữ trong bài viết này, trước khi bị lừa bán và sau khi được trở về, họ lại quay về với một cuộc sống với cái nghèo đeo đẳng.

Hoà nhập

Trở về và hoà nhập cộng đồng là một chuyện không dễ đối với những người bị lừa bán sang Trung Quốc. Thực tế, cộng đồng không quay lưng nhưng trong họ vẫn còn nhiều mặc cảm. Họ về nước với tay không và để tạo việc làm cho họ lại còn nhiều cái khó hơn. Có những người được vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống từ Dự án “Thí điểm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá” của tổ chức Liên minh phòng, chống buôn người (AAT). Dự án này thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015, đã hỗ trợ vốn vay cho 60 nạn nhân bị mua bán trở về và người có nguy cơ cao bị mua bán tại 11 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. 60 nạn nhân này nằm trong 7 nhóm Tự lực. Đây là nhóm của những người cùng cảnh, được thành lập để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, dù dự án này đã phát huy được hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo báo cáo của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Thanh Hoá, thì cho đến thời điểm hiện tại mới có 20 người trả được tiền, hơn 10 người chắc chắn không lấy được và số còn lại khả năng thu hồi khó. Ngay cả khi chúng tôi đi thực hiện bài viết này, được gặp gỡ những nạn nhân thì trong số đó vẫn có người nghĩ chúng tôi đi đòi nợ và họ vẫn xin cho họ thêm thời gian, họ sẽ trả đầy đủ.

Ông Lê Đông Thuận - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội và Xây dựng xã phường lành mạnh, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, cho biết: “So với trước khi tham gia Dự án, các chị đã có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống, công việc, tự tin hơn khi giao tiếp. Có người dùng để trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh buôn bán nhỏ và cũng đã có những hiệu quả dù chưa lớn. Nhưng có người mua bò thì bán bò để chữa bệnh, nuôi gia cầm thì khi dịch bệnh cũng hết vốn luôn, cũng có chị thì bị tai nạn nằm liệt giường thậm chí có người đã mất... Chúng tôi cũng đang đề nghị với tổ chức Liên minh phòng, chống mua bán người tại Việt Nam tăng định mức cho vay vốn và tăng thời gian hoàn vốn từ 24 tháng/lần lên 48 tháng/lần để các hộ dân có thêm thời gian và kinh phí để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.

Cùng với Dự án AAT thì hiện tại đối với những nạn nhân bị mua bán trở về còn được hỗ trợ mức kinh phí là 1 triệu đồng/người và nếu có nhu cầu học nghề thì sẽ được cấp kinh phí học nghề 1 lần là 1 triệu đồng/người/khoá học. Dù vậy, với mức hỗ trợ này mới chỉ giải quyết được khó khăn tạm thời chứ chưa đảm bảo tính ổn định cho nạn nhân trở về yên tâm tái hoà nhập tại địa phương. Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Thanh Hoá cũng đang đề nghị nâng mức trợ cấp ban đầu cũng như kinh phí học nghề từ 1 triệu lên 3 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nâng lên như vậy nhưng liệu số người đăng ký tham gia học nghề chưa hẳn đã có, hoặc có rất ít vì phần lớn họ không có nhu cầu học. Ông Lại Duy Tuấn - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, chia sẻ: “Nông Cống có nghề mây tre đan rất phát triển nhưng khi mời những trường hợp bị buôn bán trở về tham gia học miễn phí và học xong sẽ được làm việc ngay, nhưng các chị đều từ chối. Tôi cho là do tâm lý mặc cảm với quá khứ trước đây”.

Quê nhà. Đấy là nơi bình yên nhất và cũng là nơi để trở về sau những mệt nhọc và cả những tủi nhục, đắng cay. Những người phụ nữ trong bài viết này, trở về với họ đã là một hạnh phúc dẫu cái nghèo, cái vất vả vẫn đang còn đeo bám họ. Sẽ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các ban, ngành chức năng và sự yêu thương của cộng đồng để tạo thêm cho họ niềm tin, nghị lực... Ngày về với họ rồi cũng sẽ được đủ đầy hơn...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]